Huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh): Cơ sở sản xuất nhôm hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường
Đường vào cơ sở nấu nhôm từ vỏ lon bia |
Thực hiện chuyên đề “Tuyên truyền, phản biện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Bình Chánh” nhằm phổ biến những chính sách, quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đến từng người dân, doanh nghiệp. Đồng thời phát hiện những đơn vị cố ý gây ô nhiễm môi trường, làm rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, đưa ra những giải pháp tháo gỡ để mang lại một môi trường Xanh – Sạch – Đẹp.
Cơ sở sản xuất độc hại, hoạt động trái phép
Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng gây ô nhiễm môi trường của một cơ sở sản xuất nhôm hoạt động không phép, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của khu dân cư. Để có được thông tin đa chiều, nhóm phóng viên Sức khỏe và Môi trường đã ghi nhận thực tế tại ấp 7 (ấp 3 cũ), Xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh phát hiện một cơ sở sản xuất nhôm từ vỏ lon bia xả thải trực tiếp ra môi trường.
Phóng viên đã liên hệ trực tiếp với Chủ tịch xã Lê Minh Xuân để tìm hiểu về hoạt động trái phép của cơ sở này nhưng đều nhận được câu trả lời: Chủ tịch xã đang bận họp, bận học và sẽ chỉ đạo cho cán bộ địa chính phụ trách môi trường kiểm tra và trả lời. Tuy nhiên, đã hơn một tháng trôi qua mà vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào từ phía chính quyền địa phương.
Nằm tại địa chỉ Cống số 6, đường Lê Đình Chi, kênh A, ấp 7 (ấp 3 cũ), xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, cơ sở sản xuất này được đặt trên phần đất cho thuê 50 năm, vốn dĩ thuộc Ban Quản lý Rừng Láng Le. Theo tìm hiểu, ông Hiến là người thuê mảnh đất này và đã cho ông Dắc (chủ cơ sở sản xuất nhôm) thuê lại. Chủ cơ sở này ngang nhiên biến nơi đây thành một điểm nấu nhôm từ vỏ lon bia với quy mô lớn.
Việc nấu nhôm từ vỏ lon bia là một quá trình độc hại, thải ra một lượng lớn khí độc và hóa chất nguy hiểm như: khói, bụi, CO, SO2, NO2, hơi xút… là nguyên nhân gây ra các bệnh ở người như mẩn ngứa, viêm phổi, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư, tổn thương hệ thần kinh và sức khỏe. Những chất thải này nếu không được xử lý đúng cách có thể tàn phá môi trường, đặc biệt là khi xả thẳng ra đất và nguồn nước tại cơ sở này. Các chất xỉ nhôm bị đổ bừa bãi xuống khu vực rừng Láng Le gây ra mối đe dọa khôn lường đến hệ sinh thái rừng và đời sống của người dân xung quanh.
Chính quyền địa phương "làm ngơ" và hệ lụy từ cơ sở sản xuất hoạt động không phép
Cơ sở sản xuất nhôm lậu này đã hoạt động hơn hai năm, nhưng không bị phát hiện và xử lý. Hàng ngày, việc sản xuất bắt đầu từ 8 giờ 30 tối. Đây là việc làm có tính toán nhằm qua mặt chính quyền. Câu hỏi đặt ra là: Liệu chính quyền có thực sự bị qua mặt hay đã làm ngơ trước những hành vi, vi phạm này?
Hoạt động đốt nấu nhôm lén lút bắt đầu từ 8 giờ 30 tối |
Xe vận chuyển nhôm sản xuất trái phép
Ngày 27/8/2024, khi phóng viên tiếp cận cơ sở để tìm hiểu sự việc, chủ cơ sở đã có những hành vi cản trở, gọi người đóng cổng nhốt và đe dọa phóng viên. Khi phóng viên xin mở cổng để lên làm việc với chính quyền thì chủ cơ sở đã có những lời lẽ thách thức. Phóng viên lại một lần nữa liên hệ trực tiếp với Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân nhưng chỉ nhận được chỉ đạo mơ hồ, yêu cầu đợi để liên hệ với cán bộ địa chính xã và cán bộ môi trường. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương vẫn “bặt vô âm tính”.
Không chỉ dừng lại ở đó, khi phóng viên liên hệ với Công an khu vực nhưng vẫn chỉ nhận được câu trả lời "trời mưa nên không đến ngay được". Sau gần một giờ chờ đợi trong vô vọng, phóng viên buộc phải tự thoát khỏi tình huống gần như bị giam một chỗ, những vẫn trong tình trạng chờ đợi mà không có bất kỳ sự trợ giúp nào từ phía chính quyền.
Nơi chủ cơ sở kêu người đóng cửa đe dọa nhốt phóng viên |
Sự không hợp tác cùng PV và thiếu trách nhiệm của địa phương trong việc kiểm soát và xử lý các cơ sở sản xuất trái phép đã tạo điều kiện cho những hoạt động gây ô nhiễm môi trường diễn ra một cách ngang nhiên. Khi cơ sở sản xuất nhôm từ lon bia này tiếp tục hoạt động mà không bị kiểm soát, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Quá trình sản xuất nhôm từ phế liệu thường liên quan đến việc sử dụng hóa chất độc hại và thải khí độc ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí và nguồn nước xung quanh. Nếu không có biện pháp xử lý triệt để, việc sản xuất này không chỉ đe dọa sức khỏe của người dân trong khu vực mà còn hủy hoại môi trường tự nhiên gây ra những hậu quả đáng lo ngại cho cả khu vực.
Đã đến lúc chính quyền các cấp cần vào cuộc một cách quyết liệt để kiểm tra và xử lý nghiêm đối với cơ sở sản xuất này, đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và đơn vị liên quan trong việc để cơ sở sản xuất trái phép trong khu vực, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Phóng viên Sức khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.