Nghị quyết toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo
Ảnh minh họa trí tuệ nhân tạo. |
Nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý do Mỹ đề xuất và được hơn 120 quốc gia khác đồng bảo trợ. Nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận của toàn bộ 193 nước thành viên Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các chính sách về quyền riêng tư.
“Tất cả các quốc gia đã có cùng tiếng nói trong vấn đề này và cùng nhau lựa chọn quản lý trí tuệ nhân tạo thay vì để nó chi phối chúng ta” - Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh.
Nghị quyết là sáng kiến mới nhất trong một loạt sáng kiến của các chính phủ trên thế giới nhằm định hình sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, trong bối cảnh lo ngại việc nó có thể được sử dụng để phá vỡ các quy trình dân chủ, làm gia tăng các hành vị gian lận hoặc gây ra tình trạng mất việc làm nghiêm trọng, cùng nhiều tác hại khác.
Theo nghị quyết, việc thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo sai mục đích hoặc có ác ý ẩn chứa nhiều rủi ro làm suy yếu việc bảo vệ, thúc đẩy và hưởng thụ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản.
Trước đó, vào tháng 11/2023, Mỹ, Anh và hơn chục quốc gia khác đã công bố một thỏa thuận quốc tế chi tiết đầu tiên về cách thức bảo vệ an toàn cho trí tuệ nhân tạo trước những kẻ lừa đảo, đồng thời thúc đẩy các công ty tạo ra các hệ thống trí tuệ nhân tạo “an toàn ngay từ trong thiết kế”.
Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua một thỏa thuận sơ bộ ngay trong tháng này để giám sát trí tuệ nhân tạo.
Tại Mỹ, chính quyền liên bang đang thúc đẩy các nhà lập pháp xây dựng hành lang pháp lý về trí tuệ nhân tạo, trong bối cảnh ngày càng có nhiều tiếng nói cảnh báo về những rủi ro trong việc sử dụng công nghệ này.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro mà công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể gây ra, thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực AI.