Người đi tìm "cỏ dại trong vườn hoa thơm"
Tác giả trao đổi chuyện nghề cùng bác Nguyễn Thế Phiệt tại nhà riêng của bác. |
Không hẹn trước, nhưng tôi vẫn quyết định tới thăm bác Nguyễn Thế Phiệt, một cựu nhân viên sửa bài, là "tỉnh táo viên" đã 25 năm ở Báo Nhân Dân. Tìm nhà bác không khó lắm vì tôi đã được con gái bác cho địa chỉ nhà và lịch sinh hoạt của bác. Nằm trong con ngõ nhỏ đầu phố An Dương, ngôi nhà bác ở xây năm tầng trong một khu khá yên bình, không ồn ào. Nhà tôi ở Tô Ngọc Vân nên xuống An Dương khá gần. Đỗ xe trước cửa nhà bác, tôi đã nhìn thấy bác gái đang lúi húi nấu bếp. Sau khi chào hỏi, tôi được bác gái cho biết bác trai đang trên gác. Chờ mấy phút tôi thấy bác đi xuống, mặc dù đã 80 tuổi nhưng bác vẫn còn rất khỏe mạnh, đôi mắt sáng toát lên vẻ tinh anh. Sau khi giới thiệu tên tuổi bác à lên một tiếng là bác biết cháu rồi. Hóa ra bác là một người rất chăm đọc các ấn phẩm của Báo Nhân Dân, đặc biệt là Nội san Người làm báo Nhân Dân, và bác đã đọc bài của tôi nên khi giới thiệu là bác biết ngay. Được biết mục đích của cuộc viếng thăm của tôi là muốn tìm hiểu về công việc sửa bài của các thế hệ tiền bối, đôi mắt bác ánh lên sự vui vẻ khi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa.
Bác Nguyễn Thế Phiệt, người đã có 25 năm làm nghề 'tỉnh táo" . |
Bên ấm trà mạn nóng, trong không khí chớm lạnh của tiết đầu đông, hai bác cháu chuyện trò rôm rả về chuyện nghề xưa và nay. Bác cho biết, công việc sửa bài có từ khi thành lập nhà in, còn Tổ Sửa bài thì được chuyển sang tòa soạn báo từ năm 1991, lúc đó chỉ có bác và hai người nữa, sau đó do nhu cầu công việc thì số lượng nhân viên sửa bài tăng dần lên, phần lớn là chuyển từ các bộ phận bên Nhà in Báo Nhân Dân Hà Nội sang. Còn quy trình sửa bài về cơ bản thì từ trước đến nay vẫn không thay đổi gì, có chăng là cách sửa lỗi và dò bông thì có dễ hơn dưới thời sắp chữ chì, vì sắp chữ chì ít đổi, đảo tin, bài, kiểu chữ,... hơn so với sắp chữ vi-tính như bây giờ. Bác chia sẻ: Làm việc gì thì cũng cần phải có lòng đam mê, nhiệt huyết với công việc của mình, nhất là công việc sửa bài, đòi hỏi mỗi người làm công việc này cần phải trau dồi kiến thức về mọi mặt của xã hội một cách thường xuyên thì mới đáp ứng được yêu cầu "nhặt sạn". Bác kể: Ngày trước, cứ dành dụm được đồng nào là bác lại đi mua sách về để đọc và tự học nâng cao kiến thức. Công việc phát hiện được sai sót tồn tại trên bản thảo để sửa lại cái sai được bác ví "như tìm cỏ dại trong vườn hoa thơm để dọn vườn"- một cách ví von rất văn chương và thú vị cho một công việc bình thường. Thật ra, hồi mới vào làm việc ở Tổ Sửa bài, tôi đã được nghe chú Cù Huy Liên, Tổ trưởng Tổ Sửa bài kể, bác là một tỉnh táo viên rất giỏi, đã tốt nghiệp đại học khoa Ngôn ngữ học, hội viên Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, đến năm 1995 thì bác nghỉ hưu nhưng vẫn được cơ quan mời ở lại làm việc theo diện hợp đồng đến năm 2002 mới về nghỉ. Bác cũng là cộng tác viên của một số báo, và cũng tham gia viết khá nhiều bài thơ, bài báo, đăng trên một số báo, kể cả cho Nội san. Bác còn lưu giữ được tất cả các bài thơ, bài báo của mình đã đăng một cách rất cẩn thận, bài nào không có báo thì bác lưu bằng bản thảo. Khi được xem những tài liệu bác còn lưu giữ mới thấy rằng bác là người làm việc rất cẩn thận, tỉ mỉ, gọn gàng, ngăn nắp. Chợt bác quay sang hỏi tôi: Thế công việc sửa bài của các cháu hiện tại thế nào?
- Dạ, quy trình làm việc bọn cháu vẫn tuân thủ nghiêm ngặt, những vấn đề gì khúc mắc trong bản thảo cần tra cứu thì bọn cháu hay tham khảo "anh gu gồ" bác ạ.
Bác cười hiền rồi bảo: Lên đây với bác. Tôi theo bác lên tận tầng bốn, đập vào mắt tôi là một tủ sách khá lớn, chất đầy sách nhưng được sắp đặt rất ngăn nắp theo từng thể loại rất dễ tìm và tra cứu. Cạnh đó là chiếc giường cá nhân bác dùng để nằm nghỉ. Thấy tôi ngỡ ngàng, bác giảng giải, đây là toàn bộ gia tài của bác sau mấy chục năm làm báo đấy. Với giọng ân cần, bác khuyên chúng tôi, những người sửa bài, nên giữ thói quen đọc sách hằng ngày, luôn tự trau dồi kiến thức cho mình để làm việc đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là công việc phục vụ cho báo Đảng. Hãy tự hào với công việc mình đang làm, bởi vì không có việc gì là thấp kém cả nếu bản thân nhưng người làm nghề đó không trân trọng công việc của mình. Bác lấy cho tôi xem một loạt cuốn sách mà tôi thấy là rất cần cho nghề sửa bài như: Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Từ điển Hán Việt, Việt Nam Sử lược. Ở Phòng Sửa bài hiện tại chỉ có cuốn Từ điển Anh Việt và cuốn Từ điển Tiếng Việt, thế mới thấy rằng kho tài liệu dùng để tra cứu của chúng tôi ít ỏi quá. Bác cho biết thêm, kiến thức mình có rộng, cộng với nhiều tài liệu để tra cứu thì mới "tỉnh táo" để phát hiện ra được những lỗi kiến thức còn sót trong bản thảo, vì đến sửa bài là khâu cuối trong quy trình rồi mà để lọt thì sẽ lên báo ngay. Bác cho tôi xem bài báo bác viết về công việc sửa bài đã được đăng trên Nội san Người làm báo Nhân Dân. Trong đó bác viết về những lỗi xảy ra trên các số báo 32, 33, 34, 35 Nhân Dân cuối tuần và có những phân tích khá sâu về những sai sót này. Thí dụ như: " Bài Nguyễn Cư Trinh - vị quan nhân ái, nhà thơ tài hoa. Mở bài có câu: "Nguyễn Cư Trinh, nhân sĩ Bắc Hà". Tư liệu đúng là: "Nguyễn Cư Trinh, nhân sĩ xứ Thuận Hóa (Huế)". Nếu như không có kiến thức tốt về lịch sử thì sẽ không thể phát hiện ra những lỗi kiểu này. Ngồi tiếp chuyện với bác một lúc mà tôi thấy hơn chục năm làm nghề của mình còn ít ỏi quá, nói như lớp trẻ bây giờ là " hãy còn non và xanh lắm". Tôi hứa với bác, thế hệ sửa bài ngày hôm nay sẽ phát huy truyền thống cống hiến hết mình cho báo Đảng của các bậc tiền bối, luôn trau dồi kiến thức để hoàn thành tốt công việc của mình. Cứ mải chuyện với bác nên không để ý thời gian, ngẩng lên nhìn đồng hồ chợt thấy đã hơn 12 giờ trưa, mới nhớ ra rằng, bác chưa ăn cơm, tôi vội vàng cáo từ và xin phép bác ra về. Dắt xe ra ngõ rồi mà trong đầu tôi vẫn văng vẳng mấy câu thơ trong bài thơ Nghĩ về nghề của bác đăng trên Nội san:
"Ngày làm việc trí óc căng thẳng,
Đêm bật đèn chòng chọc học Anh văn,
Nhăn da trán, kính đeo nheo mắt lại,
Mặc ai cười, ta cứ học, bởi không hề tự mãn,
Các bạn ơi! Ta học chữ thánh hiền chưa đủ,
Vì báo Đảng, đòi ta biết nhiều, hiểu rộng.
Đêm đã khuya, tôi tự hỏi mình cùng sách vở.
Tôi không tự hào, bởi thấy mình chưa đủ,
Mà lúc nào là đủ các anh ơi!...".