Nhà khoa học nữ Bách khoa truyền cảm hứng và kết nối các thế hệ
Các đại biểu tham dự tọa đàm |
Nói về cảm xúc của mình khi được mời đến dự tọa đàm này, TS. Nguyễn Quân – Chủ tịch mạng lưới cựu sinh viên ĐHBK HN, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN chia sẻ: Tôi rất háo hức khi nhận được lời mời đến dự tọa đàm, bởi chủ đề rất ý nghĩa. Hơn thế, 30 năm gắn với ĐHBKHN, tôi từng chứng kiến thành tựu khoa học của GS. Đặng Kim Chi về môi trường tại Viện KHCN Môi trường của bách khoa còn rất non trẻ nhưng đã có đóng góp lớn. Khi tham dự các hội nghị khoa học, tôi rất tự hào vì đồng nghiệp đánh giá cao GS. Chi, trong khi một nhà khoa học nữ không dễ để đạt được điều đó. Và GS. Chi là người truyền lửa đam mê làm khoa học và phát triển kinh tế, là hình mẫu của nhà khoa học nói chung và nhà khoa học môi trường nói riêng. Trong bối cảnh Kinh tế số và Kinh tế xanh là mục tiêu kép của thời đại công nghệ 4.0, thì những đóng góp của GS. Chi càng có ý nghĩa.
GS Đặng Kim Chi và PGS Hoàng Thị Thu Hương chia sẻ tại Tọa đàm |
PGS.TS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc ĐHBK HN; PGS.TS. Chu Kỳ Sơn, Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống (ĐHBK HN) đều bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với GS. Đặng Kim Chi, tự hào khi được là thế hệ tiếp nối của GS. Chi và những nhà khoa học tài năng của ĐHBK, mong GS. Chi tiếp tục cống hiến, kết nối các thế hệ sinh viên BK, đóng góp phát triển doanh nghiệp của nhà khoa học BK và đặc biệt truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên. Cựu sinh viên BK nói chung là tài sản quý của nhà trường, những cựu sinh viên như GS. Chi càng đặc biệt quý khi cô có một cuộc đời khoa học rực rỡ, đáng kính nể.
GS.TS. Lê Thị Hợp – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đánh giá cao Chi hội Nữ trí thức ĐHBK, tuy non trẻ nhưng đã có những hoạt động rất có ý nghĩa, đóng góp to lớn vào hoạt động chung của Hội, là niềm tự hào của Hội. Trong những thành công đó, có đóng góp của GS. Đặng Kim Chi - Ủy viên thường vụ Hội, Trưởng ban Đào tạo và Nâng cao năng lực và cũng chính là người đã vận động thành lập Chi hội Nữ trí thức ĐHBK.
GS.TS.NGND Đặng Thị Kim Chi – nhân vật chính của buổi tọa đàm khi nghe đánh giá của đồng nghiệp thì bà tỏ ra rất e ngại. Bà chia sẻ cảm xúc của mình khi được Chi hội Nữ trí thức và Hội cựu nữ sinh ĐHBK mời đến tọa đàm: Tôi nói thật, tôi rất ngượng. Bởi tôi nghĩ, thành tựu của tôi còn ít ỏi, nhiều cựu nữ sinh xứng đáng hơn tôi nhiều. Nhưng khi nghe các chị nói đây là tọa đàm đầu tiên, tôi làm “thí điểm”, tôi cũng là cựu sinh viên, là hội viên hội nữ trí thức, thì tôi yên tâm. Vả lại, được về nơi tôi gắn bó suốt thời sinh viên và những năm làm việc, đây là một niềm vui lớn. Nên tôi nhận lời. Tuy nhiên, tôi luôn tâm niệm rằng, không có các cộng sự của tôi, đồng nghiệp của tôi thì không bao giờ tôi có được những thành công đó. Thành công là của chung.
PGS.TS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc ĐHBK HN phát biểu |
Trong tọa đàm, GS. Đặng Kim Chi chia sẻ một cách khiêm tốn những thành công mình đã đạt được, nhưng đã bộc lộ biết bao trăn trở, tâm huyết của bà dành cho khoa học công nghệ môi trường, đặc biệt là môi trường làng nghề. Bà nói: “Hà Nội có đến 1350 làng nghề, mỗi làng nghề lại có những vấn đề khác nhau về môi trường cần được giải quyết, nhưng tất cả đều gắn với nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Sau rất nhiều năm nghiên cứu về môi trường làng nghề và đề xuất các giải pháp căn cơ, nhưng nhiều làng nghề sau khi xong dự án là họ lại “đâu về đấy”, không tiếp tục những giải pháp về bảo vệ môi trường mà các nhà khoa học đã đề xuất. Tôi rất ấm ức về điều đó. Làm sao để người dân tự nhận thức được vấn đề và tự giác thực hiện bảo vệ môi trường? ”
Khi được hỏi về Giải thưởng Nhân tài đất Việt mà bà đã từng được trao với phần thưởng 200 triệu đồng, GS. Đặng Kim Chi cười: “Tôi rất ngạc nhiên, không biết vì sao mình lại được nhận giải thưởng đó. Tôi nghĩ ngay đến một người thầy của tôi. Và ngoài một phần nhỏ dành biếu thầy, còn lại tôi lập Quỹ học bổng “Thắp sáng ước mơ” dành cho nữ sinh viên ngành môi trường, vượt khó. Từ bấy đến nay, có được khoản tiền nào từ việc làm khoa học, tôi lại tiếp tục đưa vào Quỹ. Tôi muốn các em luôn yêu nghề, luôn vượt qua khó khăn của ngành nghề để vươn lên. Ngành môi trường là một ngành nhiều thách thức nhưng cũng rất thú vị. ”.
TS. Nguyễn Quân – Chủ tịch mạng lưới cựu sinh viên ĐHBK HN, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN chia sẻ |
Tại buổi tọa đàm, có một nữ sinh viên vừa tốt nghiệp, muốn học tiếp lên nhưng còn băn khoăn, hỏi cô Chi:
Thưa cô, có lúc nào, cô cảm thấy chán nản, không tin vào chính mình không?
GS. Đặng Kim Chi đã trả lời bằng việc kể lại một kỷ niệm: “Khi tôi làm nghiên cứu sinh ở Đức, một lần, mọi kết quả làm được sau 3 tháng miệt mài trong phòng thí nghiệm phải bỏ đi hết, tôi tuyệt vọng vô cùng. Một mình tôi chạy ra đường, không biết đi về đâu. Thế rồi, hình ảnh người chồng trong bộ quân phục bế con nhỏ 4 tuổi ra tiễn tôi ở sân bay, nghĩ đến việc chồng phải thay mình chăm nuôi con, nhớ lời cha dặn không được bỏ cuộc, nghĩ về niềm tin và hy vọng của mọi người trong gia đình vào mình, tôi đã quay trở lại phòng thí nghiệm để tiếp tục công việc”. Và bà khuyên: “Làm khoa học là rất gian khổ, với phụ nữ càng gian khổ gấp bội. Nhưng rất đáng tự hào. Em hãy cố gắng lên, tiếp tục học hỏi, nuôi dưỡng đam mê, để theo đuổi con đường khoa học. Tuy nhiên, phải hài hòa trong cuộc sống, không quên thiên chức của người làm con, làm vợ, làm mẹ sau này, em nhé”.
Đúng như vậy, một bạn cùng khóa K11 với GS. Đặng Kim Chi, bà Trần Thị Kim Đính khẳng định: Kim Chi xuất thân “lá ngọc cành vàng” nhưng vào những năm cả nước gian khó, bà vẫn không nề hà, vượt lên, học giỏi, hòa đồng với mọi người và luôn yêu thương giúp đỡ mọi người. Bà không chỉ có nhiều thành tựu khoa học, mà còn rất giỏi nữ công gia chánh, có một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Bà là một mẫu hình của nhà khoa học nữ mà chúng tôi luôn ngưỡng mộ và cố gắng học theo”.
PGS.TS Chu Kỳ Sơn - Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống (ĐHBK HN) phát biểu |
Vâng, GS.TS.NGND Đặng Kim Chi là một con người như vậy. Bà xứng đáng là người mở đầu cho chuỗi tọa đàm mà Hội cựu nữ sinh và Chi hội Nữ trí thức ĐHBK HN mong muốn tổ chức tiếp theo. Như GS.TS. Lê Minh Thắng đã nói trong lời mở đầu tọa đàm: “Một trong những mục tiêu mà chúng tôi hướng tới khi tổ chức tọa đàm là tôn vinh những đóng góp của các cô, các chị nhằm khơi dậy trong các nữ trí thức, nữ sinh viên ĐHBK HN tình yêu khoa học công nghệ và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và sự nghiệp. Quan trọng hơn, qua các hoạt động đó gắn kết các nữ trí thức, nữ cựu sinh viên, sinh viên ĐHBK HN trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, các vị trí khác nhau, các thế hệ khác nhau để hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống và trong công việc, vì sự phát triển của ĐHBK HN”. Tọa đàm đầu tiên mang tên “GS.TS.NGND Đặng Kim Chi – nhà khoa học nữ vì môi trường” đã đạt được mục tiêu đó.
Đại diện hai đơn vị tổ chức tọa đàm tặng quà GS Đặng Kim Chi |
Hội Nữ trí thức Việt Nam tặng hoa GS Đặng Kim Chi |