Nhiều nước tái áp đặt các biện pháp hạn chế mới
Thái Lan hôm 27/6 công bố những hạn chế chống dịch mới tại thủ đô, trong nỗ lực đẩy lùi đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất của nước này. Các biện pháp sẽ được thực hiện trong 30 ngày kể từ 28/6, bao gồm lệnh cấm các nhà hàng ăn uống ở thủ đô Bangkok và 5 tỉnh xung quanh, theo một tài liệu được công bố trên báo Thái Lan.
Theo đó, các trung tâm mua sắm ở Bangkok và 5 tỉnh này phải đóng cửa trước 9h tối và các bữa tiệc hoặc hoạt động tụ tập hơn 20 người cũng sẽ bị cấm trong cùng thời gian trên. Ngoài ra, các công trường xây dựng trong 6 khu vực ở thủ đô sẽ đóng cửa và các lán trại của công nhân sẽ bị phong tỏa để hạn chế COVID-19 lây lan. Biện pháp này được đưa ra sau khi xuất hiện nhiều cụm dịch tại công trường xây dựng ở Bangkok.
Các nhà chức trách sẽ thiết lập nhiều trạm kiểm soát ở Bangkok và 5 tỉnh để hạn chế việc đi lại và di dời của công nhân xây dựng. Tài liệu cho biết thêm, cũng sẽ có các trạm kiểm soát ở 4 tỉnh phía Nam của nước này, khu vực gần Malaysia.
Trước đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết ông muốn tránh phong tỏa và sẽ chỉ khoanh vùng các doanh nghiệp và hoạt động cụ thể để kiểm soát sự lây lan của virus.
Không chỉ Thái Lan, chính quyền một số nước từ Bangladesh, Indonesia cho tới Australia hay Israel đều đang chạy đua với thời gian để kiềm chế lây lan, phát tán của biến chủng Delta. Đó thực sự là thách thức mà các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt trong nỗ lực đưa quốc sống trở lại mức bình thường như thời tiền đại dịch.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine trên toàn cầu giúp giảm lây nhiễm ở phần lớn các nước giàu. Nhưng sự phát tán của biến chủng Delta đã gây ra lo ngại về làn sóng lây nhiễm mới tại thời điểm COVID-19 đã cướp đi mạng sống của trên 3,9 triệu người. “Hiện có nhiều quan ngại về biến chủng Detla. Đây là biến chủng có khả năng lây nhiễm mạnh nhất từng được xác định cho đến thời điểm này, đã xuất hiện ở ít nhất 85 quốc gia và đang lây lan mạnh tại những nhóm dân cư chưa được tiêm ngừa”, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo ngày 25/6. Ông Tedros cho rằng cộng đồng thế giới nguy cơ lặp lại những sai lầm đã mắc trong cuộc khủng hoảng AIDS nhiều thập kỷ trước và trong đại dịch cúm lợn năm 2009 khi vaccine chỉ tới được các nước nghèo vào thời điểm dịch kết thúc.
Indonesia cũng nổi lên là điểm nóng thường trực. Tổng thống Joko Widodo cho biết quốc gia 270 triệu dân này đang phải đối diện với tình trạng nguy hiểm, đồng thời cam kết chính quyền sẽ đưa ra các chính sách nhanh nhạy, phù hợp để đối phó với lây nhiễm.
Tại Bangladesh, chính quyền thông báo sẽ cho áp đặt lệnh đóng cửa trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 28/6, để phòng ngừa COVID-19 lây lan do sự xuất hiện của biến thể Delta. Các văn phòng sẽ đóng cửa một tuần và chỉ cho phép hoạt động vận tải có liên quan đến y tế.
Tại Australia, thành phố lớn nhất nước Sydney cũng chính thức bước vào đợt đóng cửa kéo dài hai tuần. Người dân thành phố được yêu cầu ở nhà, chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết. Lệnh này được áp dụng cho khoảng 5 triệu người cùng với hàng trăm ngàn người khác sống ở các đô thị gần Sydney.
Trước việc nhiều ổ dịch bùng phát ở Australia, New Zealand đã thông báo dừng triển khai quy định miễn cách ly với du khách từ Australia trong thời hạn ba ngày.
Israel, nước triển khai chiến dịch tiêm chủng thành công nhất trên thế giới, cũng ghi nhận nhiều ca lây nhiễm liên quan đến biến chủng Delta kể từ khi nước ngày dỡ quy định đeo khẩu trang ở những địa điểm công cộng hơn 10 ngày trước đây. Sau 4 ngay ghi nhận hơn 100 ca mắc mới/ngày, Bộ Y tế Israel đã quyết định tái áp dụng quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Israel, đất nước có tỷ lệ dân số tiêm vắc xin cao nhất thế giới, đang phải đối mặt với sự gia tăng các ca bệnh do biến thể Delta gây ra. Các quan chức y tế cho biết có tới một nửa số ca mắc mới là những người đã được tiêm chủng.
Ông Chezy Levy, Bộ trưởng Bộ Y tế Israel, cho biết, những người đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng nhiễm biến thể Delta sẽ phải cách ly. Khoảng 40 đến 50% các trường hợp mắc mới ở Israel là những người đã được tiêm chủng. Con số này là ước tính, vì Bộ Y tế Israel vẫn đang phân tích các ca mắc. Ngoài ra, hiện chưa có thông tin những bệnh nhân trên đã tiêm 1 mũi hay đủ cả 2 mũi. Tình trạng những người được tiêm vaccine vẫn mắc bệnh đã khiến Israel phải thận trọng hơn. Tuy nhiên, các bệnh nhân không bị nghiêm trọng như những người nhiễm virus SARS-CoV-2 chưa chủng ngừa.
Từ đầu tuần trước, số bệnh nhân Covid-19 mới của Israel đã tăng lên hơn 100 ca mỗi ngày, mức cao nhất trong 2 tháng qua. Khoảng 70% các trường hợp do biến thể Delta (ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ) gây ra. Trước đó, Israel đã chấm dứt các hạn chế phòng chống dịch Covid-19 vào tuần trước khi số ca bệnh giảm mạnh. Hiện khoảng 60% dân số Israel đã được tiêm phòng đầy đủ, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
Trong tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2, biến thể Delta có thể gây ra rủi ro lớn nhất cho những người được tiêm chủng. Nghiên cứu cho thấy, chủng này có khả năng tấn công những người chưa tiêm vaccine hoặc mới chỉ tiêm một liều Pfizer, AstraZeneca.
Ngày 21/6, ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu sức khỏe của WHO, cho biết biến thể Delta có thể "gây chết người nhiều hơn vì hiệu quả hơn trong cách lây lan giữa người với người".
Biến chủng mới cũng gây ra nhiều quan ngại cho châu Âu. Thành phố Saint Petersburg, địa điểm đăng cai vòng chung kết Euro 2020 tại Nga, ghi nhận 107 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 26/6, mức cao kỉ lục. Từ tuần trước, chính quyền thành phố đã siết chặt quy định về hạn chế, giãn cách để phòng dịch, ngăn chặn lây nhiễm. Quyết định được đưa ra tại thời điểm nước Nga trải qua đợt bùng phát lây nhiễm mạnh kể từ giữa tháng 6, chủ yếu là do biến chủng Delta.
Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Phi cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng lây nhiễm báo động ở ít nhất 12 nước, khi biến chủng Delta khiến các trường hợp mắc COVID-19 phải nhập viện ở mức chưa từng có. Điều nguy hiểm nằm ở chỗ hiện mới chỉ có khoảng 1% dân số châu Phi được tiêm vaccine ngừa COVID-19, mức thấp nhất trên toàn cầu.
Delta, biến chủng lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ vào tháng 4 vừa qua, có khả năng lây nhiễm rất cao, khiến nhiều chuyên gia khẳng định cần phải tiêm chủng cho 80% dân số mới có thể chế ngự, kiểm soát được chủng này.
Delta hiện là chủng chiếm hơn 90% số ca nhiễm mới ở Anh và 30% số ca nhiễm mới ở Mỹ. Theo các nhà khoa học châu Âu, Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 40-60% so với biến chủng Alpha lần đầu tiên được xác định ở Anh.
Đ.L