Những chiếc bánh chưng gói cả mùa xuân
Xế trưa, 21 tháng Chạp, sân trường THPT Thác Bà nơi huyện lỵ Yên Bình (Yên Bái) tấp nập. Chúng tôi đến khi khoảnh khắc cuộc thi "Gói bánh chưng xanh - Ấm lòng ngày Tết" chỉ còn cách hiệu lệnh bắt đầu chừng hai tiếng. Bên bờ sông Chảy này, từ xa xưa, miền cổ sử vẫn truyền thơ rằng: “Còn tiền chợ Ngọc, chợ Ngà/ Hết tiền thì lại thác Bà, thác Ông”. Cuộc sống vùng đông hồ trôi đi cùng năm tháng vậy. Nó ăn vào tiềm thức đồng bào, nên dẫu rằng, dù trăm bề khốn khó, bao đời cơ cực, người dân Yên Bình vẫn kiên gan bền chí, mạnh mẽ vươn lên, lạc quan phấn chấn; vẫn chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, lớp lớp con em đã thành người thành tài từ ngôi trường giàu truyền thống gần sáu thập kỷ hình thành. Thầy Lưu Hồng Quân, Bí thư Đoàn trường, là Thanh niên tiên tiến học tập và làm theo lời Bác toàn quốc 2016,một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Yên Bái 2017, giải thưởng Lý Tự Trọng cho cán bộ đoàn tiêu biểu toàn quốc 2018..., chia sẻ:“Với diện tích địa lý bao gồm 8 xã và 1 thị trấn, trường hiện có 1200 học sinh, chia thành 25 lớp. Vùng đông hồ Thác Bà, có đến 80% dân cư người Tày, Dao và Cao Lan, nên số học sinh dân tộc thiểu số của trường chiếm tới 1/3. Màu sắc áo quần các anh chị nhìn thấy ở đây chính là trang phục hàng ngày của các em ấy đấy”.
Chiều hườm nắng. Cuộc thi đến hồi “gay cấn”. Cột tre, lá cọ, thúng mủng, chậu xô, khuôn gói, lá dong, đỗ xanh, gạo nếp theo những chiếc áo xanh ùn ùn kéo đến.Chỗ này đục đục cưa cưa, chỗ kia bắc kèo xỏ ruổi. Người đưa lá, kẻ siết dây, thoáng chốc, những chiếc lều xinh xắn lúp xúp lòa nhòa xuất hiện. Cột xanh, lá xanh, những bàn tay búp măng thoăn thoắt, những đôi má cập kê mười tám hửng hồng phấn khích.Đồng phục học sinh.Khăn đóng áo the.Bà ba quần lụa. Mũ Dao hòa vào áo đỏ váy chàm. Xuân là trẻ, là khỏe, là vui. Nhìn cảnh ấy, dù bao đời, bao người, qua bao thăng trầm biến cố, vẫn chợt hân hoan, gác lại những cả nghĩ bộn bề trăn trở thường ngày. Năm nào, từ ngôi trường với nhiều thế hệ từng lắm phen binh lửa bão giông ấy, Tết lại tỏa khắp mọi miền, mọi nhà, mang xuân đến trẻ em nghèo nơi góc nhỏ Yên Bình. Hàng trăm phần quà, từ cuộc thi, từ tấm lòng thiện nguyện, chăm lo cộng đồng của thầy cô, sẽ được những bước chân “gieo chữ” trao đi.“Cuộc thilà ngày hội nhằm góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ nói chung và đoàn viên thanh niên Trường THPT Thác Bà nói riêng về nét đẹp văn hóa truyền thống Tết cổ truyền của dân tộc, giáo dục các em tình tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, giúp đỡ những gia đình còn khó khăn trong khu vực có một cái Tết ấm áp hơn”, thầy Quân nói.
…Hoàng hôn xô bóng phả tím triền sông Chảy. Sương mỏng thương vương trùng phiến núi. Cuộc thi gói bánh đếnlúc vãn hồi. Từng nhóm trẻ chụm đầu bên thành quả. Ngỡ lẽ chúng đã hoàn thành một sứ mệnh rất đại sự của tuổi hoa niên. Và tôi cứ bâng khuâng, cứ muốn gom nhặt hết ánh mắt hồn nhiên ấy, mà ao ước được trải đều dải đất hình chữ S thân thương.
Bánh được bày lên. Mỗi lớp một mâm, bánh chưng, bánh tày, vuông tròn đủ cả.Hoa quả vườn nhà khéo xen kẽ cùng đào mai rực rỡ. Chẳng thể nào tin, những ngón tay thon mềm nhỏ nhắn kia lại có thể làm ra những chiếc bánh vuông vắn, chặt chẽ nhường kia.Xuýt xoa thán phục, thầm hỏi: Phải chăng, vất vả, khó khăn và lam làm từ nhỏ đã cho các em được những kỹ năng này?Cô giáo Tố Nga, Hiệu Phó của trường,“bật mí”:Để có được sản phẩm đẹp như này, có lớp, các em đã phải dầm tay tập luyện gói bánh chưng cát dưới sông mấy chiều liền.
Khi ban giám khảo trịnh trọng chấm giải, gần đó, con gà trống đậu trên cây rơm vàng rộm bất giác vươn cổ gáy gióng thật dài, át cả phong thanh.Giải gói nhanh, gói đẹp đã có, đợi ngày mai nếm xem bánh nào ngon, bánh nào chặt thì mới thông báo lên loa. Ngày mai, Ban giám hiệu và Đoàn trường sẽ phát 50 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó, mỗi suất trị giá 150 nghìn đồng và hai cặp bánh chưng. 50 suất quà tương tự cùng nhu yếu phẩm cũng được mang tới tặng bà con hoàn cảnh khó khăn các xã Vũ Linh, Bạch Hà, Phúc An. Ngày hội còn tiếp nối với cuộc thi bày cỗ, trò chơi dân gian, tổ chức tất niên cho các nhà giáo đã về hưu, toàn thể học sinh.
Lúc này,lũ học trò nhẩn nha, sắc áo rực rỡ sắc xuân, các gian hàng bày bán trở nên nhộn nhịp.Mía hấp, ngô nướng, khoai vùi, lạc luộc, xoài dầm,cóc xổi được dịp lên ngôi.Cửa hàng mậu dịch cuối sân là nơi nhiều bóng hồng lui tới “check in”. Ở đó có đủ sô đa, trà đào, matcha, cá viên chiên, chả mực, hồ lô, ngô khoai, sắn lùi, bánh khoai, bánh chuối, thứ nào cũng ngon mà chỉ dưới 10 nghìn , thật đúng là đánh vào tâm lý!Sách báo, điện thoại cổ và một gánh hoa được bày cạnh hai dòng cảnh báo "Hàng để trưng, không để chôm", "Sách báo đầy bốn vách, các bạn đừng có hack", khiến các bà các mẹ hàng xóm vào xem không khỏi phì cười.
Trò chuyện với tôi, em Hoàng Xuân Hùng, dân tộc Tày, nhà ở xã Bạch Hà, học lớp 12a3, tâm sự:“Thường ngày, ngoài giờ lên lớp em vẫn đạp thuyền đi thả lưới, đánh tôm trên hồ, lấy tiền phụ cha mẹ và nuôi em ăn học. Quê em, nhiều nhà còn nghèo lắm, trẻ con mùa lạnh này chỉ biết sưởi than. Nhà nào đông con thì gả con gái lấy chồng sớm. Chẳng có nhiều bạn đi học hết cấp 3 như em đâu. Được nhận quà thế này trẻ con vui lắm. Bánh chưng dưới trường ngon hơn trên ấy...”.
Nghe giọng nói trầm trầm vùng hồ sông nước, nhìn màu áo chàm em mặc, tôi chợt lặng lòng, mới hay, cuộc thi dù nhỏ, nhưng đối với đồng bào nơi đây lại mang ý nghĩa sâu đậm vô cùng. Ngôi trường có bề dày thành tích, qua 58 năm hình thành phát triển, đã đưa tiễn hơn 12 nghìn học sinh tốt nghiệp, trưởng thành, tham gia xây dựng,kiến thiết đất nước; trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh hăng hái tòng quân,hàng trăm người đã hy sinh anh dũng.Xuân này, chứng kiến cuộc thi bình dị đơn sơ, ôn cố tri tân, ngẫm về truyền thống, nhìn vào ánh mắt thăm thăm cương nghị của các thầy cô, các em học sinh, tôi hiểu, họ đang viết tiếp trang sử chói lọi tiền nhân tạo dựng, không chỉ từ những điều lớn lao, mà bằng câu chuyện đời thường, lá lành đùm lá rách, tấu lên bản trường ca bất khuất, bất biến và bất tận về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Giáo dục muốn thành sự, âu cũng bắt nguồn như thế.
…Tối nay sẽ là một đêm văn nghệ. Những điệu Sình ca, khúc Páo Dung, bài Then, bài Cọi, điệu múa dân gian Cây đa quán dốc, Bánh trôi nước và cả những điệu nhảy hiện đại cũng sẽ được tấu lên cùng ngân nga cao vút sáo mèo.Bánh đã xếp vào nồi.Nồi đã hừng hực lửa. Từng làn khói nồng đượm không gian.
Chia tay trường, bao ánh mắt vịn lòng bịn rịn. Tôi biết rằng chiều mai, những chiếc bánh dền lửa sẽ được vớt ra. Sau tiệc tất niên của thầy trò và lễ công bố giải ngay tại sân trường, ngày kia những chiếc bánh ấy sẽ được chính tay các em và Ban chấp hành Đoàn mang vào bản, vào làng, cùng áo quần, sách vở, đồ dùng đồ chơi và nhiều trang thiết bị khác, làm ấm thêm giá lạnh, dày thêm nghĩa tình, lan tỏa thêm nữa, thêm nữa chữ sẻ chia, san sớt. Và tôi biết, chiếc bánh đầu tiên do chính mình làm ra ắt mang đến nhiều hương vị, sẽ đậm sâu trong tâm trí các em nhiều kỷ niệm.Tạm biệt những chiếc bánh chưng gói hôm 21 Tết,những trái tim ăm ắp yêu thương, chúng tôi đi, trong niềm vui xuân sớm Tết về ngào ngạt muôn phương ấy!
Bài và ảnh: Hà Ngọc