Những tốn kém khi điều trị Covid-19 tại Mỹ
Theo tờ New York Times, đối với một người không phải là tổng thống, những dịch vụ này sẽ tốn hơn 100.000 USD (2,3 tỷ đồng) trong hệ thống y tế Mỹ. Bệnh nhân có thể phải đối mặt với các hóa đơn bất ngờ và phải chi trả một phần ngay cả khi có bảo hiểm.
Chi phí điều trị COVID-19 khá tốn kém.
Rủi ro tài chính lớn nhất sẽ không đến từ thời gian nằm viện, mà từ các dịch vụ khác được cung cấp như phí vận chuyển bằng trực thăng và phí xét nghiệm virus nhiều lần.
Trên khắp nước Mỹ, nhiều bệnh nhân đang phải vật lộn với cả những tác động do bệnh COVID-19 gây ra cả về sức khỏe và tài chính lâu dài khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Gần nửa triệu người đã phải nhập viện. Các đợt xét nghiệm định kỳ có thể tiêu tốn hàng nghìn USD. Thậm chí, có bệnh nhân nhập viện điều trị đã nhận được hóa đơn lên tới 400.000 USD (khoảng hơn 9,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo qui định, mọi chi phí chăm sóc sức khỏe của tổng thống do ngân sách chính phủ liên bang chi.
Hồi tháng 6, Chính quyền Tổng thống Trump đã ban hành hướng dẫn nêu rõ rằng các công ty bảo hiểm không phải trả phí “cho các xét nghiệm được tiến hành để sàng lọc sức khỏe và an toàn nói chung tại nơi làm việc”. Thay vào đó, bệnh nhân sẽ phải tự trả tiền các các loại xét nghiệm này. Một số người có thể được xét nghiệm miễn phí tại các cơ sở công cộng hay một số công ty sẽ trả khoản phí này cho họ. Trái lại, nhiều người khác có thể phải đối mặt với khoản nợ lớn từ các xét nghiệm được cung cấp tại bệnh viện hoặc trung tâm chăm sóc khẩn cấp.
Các xét nghiệm COVID-19 khá đắt đỏ. Mặc dù thông thường chi phí xét nghiệm này chỉ tốn 100 USD (hơn 2,3 triệu đồng), nhưng một phòng cấp cứu ở Texas đã tăng phí lên tới hơn 6.400 USD (148 triệu đồng) cho một lần xét nghiệm nhanh bằng xe lưu động.
Theo công ty dữ liệu y tế Castlight, khoảng 2,4% các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được lập hóa đơn cho các công ty bảo hiểm để bệnh nhân chịu trách nhiệm thanh toán một phần. Với 108 triệu xét nghiệm được thực hiện ở Mỹ, con số đó có thể lên tới hàng triệu xét nghiệm khiến bệnh nhân phải chịu một phần chi phí.
Marta Bartan, người làm nghề nhuộm tóc ở Brooklyn, cần xét nghiệm virus SARS-CoV-2 để trở lại công việc. Cô nhận được hóa đơn 1.400 USD (32,5 triệu đồng) sau khi làm xét nghiệm tại một bệnh viện cung cấp dịch vụ xét nghiệm lưu động. “Tôi rất bối rối. Tôi hy vọng đến đây để được xét nghiệm virus miễn phí. Nhưng họ lại lấy tôi đến 1.400 USD”, cô Marta nói.
Chi phí không chỉ dừng lại ở các xét nghiệm đắt đỏ, bệnh nhân còn phải chi trả các khoản như theo dõi sức khỏe và tiền thuốc trong quá trình điều trị.
Remdesivir, một loại thuốc điều trị virus SARS-CoV-2 của hãng dược phẩm Gilead chế tạo, được bán với giá 3.120 USD dành cho các công ty bảo hiểm tư nhân và 2.340 USD với các chương trình công cộng như Medicare và Medicaid.
Ông Trump cũng được điều trị bằng kháng thể thử nghiệm của Regeneron. Loại thuốc này hiện chỉ có sẵn cho những người tham gia thử nghiệm lâm sàng hoặc những người được sử dụng từ thiện. Trong cả hai trường hợp, thuốc thường sẽ được cung cấp miễn phí cho bệnh nhân. Tuy nhiên, điều này rất có thể sẽ thay đổi khi phương pháp điều trị kết thúc thử nghiệm và đưa ra thị trường thương mại. Những loại thuốc này rất khó sản xuất, và các kháng thể đơn dòng khác có giá hàng nghìn USD.
Các nhà kinh tế cũng như các nhà khoa học ước tính chi phí trung bình cho một lần điều trị bệnh COVID-19 của một bệnh nhân trên 60 tuổi là gần 62.000 USD (hơn 1,4 tỷ đồng), theo FAIR Health. Chi phí này bao gồm dịch vụ chăm sóc y tế trong thời gian nằm viện, chẳng hạn như khám tại phòng cấp cứu hoặc thuốc do bệnh viện cung cấp.
Đối với bệnh nhân có bảo hiểm, chi phí điều trị thường sẽ thấp hơn. Ước tính rằng số tiền trung bình phải trả là 31.000 USD (719 triệu đồng). Trong dữ liệu của FAIR Health về bệnh nhân mắc COVID-19 trên 60 tuổi, 1/4 trong số họ phải trả khoản phí dưới 26.000 USD (602 triệu đồng) cho thời gian nằm viện của mình. 1/4 khác phải trả phí cao hơn 193.000 USD (4,5 tỷ đồng), do thời gian điều trị lâu hơn.
Linh Đức