Nỗ lực bảo đảm nước sạch cho người dân vùng bão lũ
Thực hiện công văn 264, các sở y tế trong cả nước đã xây dựng và triển khai kế hoạch chủ động bảo vệ sức khỏe người dân, ngăn ngừa phát sinh mầm bệnh từ chất thải y tế, ứng phó hiệu quả với bão lũ. Trước mùa mưa lũ, các Sở y tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ y tế và người dân thực hiện các biện pháp chuẩn bị, sẵn sàng với ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão, lũ, chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước; thu gom, quản lý chất thải y tế, đảm bảo vệ sinh cá nhân...Ngành y tế địa phương bố trí nhân lực, đảm bảo dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị xử lý nước, xử lý môi trường đồng thời xây dựng các phương án chuẩn bị xử lý nước, vệ sinh môi trường; phương án bảo đảm an toàn các công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế và thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định hiện hành.
Khi bão lũ xảy ra, ngành y tế các địa phương tổ chức các đoàn công tác thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân. Chủ động cấp hóa chất xử lý nước, môi trường; triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại các vùng bị ngập lụt.Thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý chất thải rắn y tế đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh gây ảnh hưởng sức khỏe; tăng cường các biện pháp khử khuẩn, xử lý nước thải y tế đảm bảo yêu cầu trước khi xả thải ra môi trường. Tổ chức hướng dẫn các đơn vị y tế và người dân triển khai ngay các hoạt động vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại các khu vực bị ngập lụt.
Sau cơn bão số 3, ngành y tế các địa phương tập trung hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút. Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước tại các hộ gia đình; kiểm tra giám sát việc thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.
Cùng với những nỗ lực khử khuẩn, xử lý nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh, các địa phương vùng lũ lụt cũng đang khẩn trương sửa chữa các trạm, nhà máy cấp nước, hệ thống đường ống bị hư hỏng do bão số 3 tàn phá để sớm cấp được nước sinh hoạt cho người dân.
Công nhân Xí nghiệp nước Hồng Gai đang khắc phục sự cố bục đường ống HDPE D50 tại Khu 4A, 4B, phường Cao Xanh, TP Hạ Long |
Tại Quảng Ninh, cơn bão số 3 đã khiến cho hệ thống ống cấp nước HDPE D50 tại khu 4A, 4B (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến việc cấp nước cho khoảng 500 hộ dân trong nhiều ngày. Nhà máy nước Hoành Bồ công suất cấp nước khoảng 20.000m3/ngày đêm cho khu vực xã Thống Nhất, Lê Lợi và phía Tây (TP Hạ Long), tất cả các trạm bơm cấp 1 bị ngập, đứt gãy, nhà lọc số 2 bị hư hỏng nặng cùng với việc bị mất điện khiến cho hệ thống máy bơm không hoạt động. Nhà máy nước Yên Lập bị gãy ống D450, làm gián đoạn hoạt động cấp nước. Hàng loạt các nhà máy nước tại Đông Triều, thành phố Uông Bí, thị xã Quảng Yên, các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Ba Chẽ đều gặp sự cố trong và sau bão, chủ yếu do nguồn điện bị hư hỏng, nên việc cấp nước gặp nhiều khó khăn. Để sớm cấp lại nước sinh hoạt cho người dân, Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Ninh đã huy động toàn bộ lực lượng khắc phục các sự cố do cơn bão gây ra; đồng thời huy động các máy phát điện dự phòng để vận hành cấp nước cho nhân dân một số khu vực đang bị thiếu. Công ty còn chủ động đề nghị Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hỗ trợ cho mượn 2-3 xe téc để phục vụ cấp nước trong những tình huống khẩn cấp; đề nghị Công ty Xăng dầu B12, Công ty Xăng dầu Petrolimex ưu tiên cung cấp xăng, dầu để vận hành máy phát điện duy trì ổn định cấp nước; đề nghị Công ty Điện lực ưu tiên sửa chữa, khắc phục các sự cố đường dây cấp điện cho các nhà máy, khu xử lý, trạm bơm của Công ty để sớm vận hành mạng lưới cấp nước, đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ thế nhiều khu vực Đông Triều, Uông Bí, thị xã Quảng Yên, Vân Đồn… đã được cấp nước trở lại cơ bản ổn định; khu vực Bãi Cháy (TP Hạ Long) cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Công ty đang nỗ lực để đảm bảo tất cả các khu vực trên địa bàn tỉnh cơ bản được cấp nước.
Tại Hải Phòng, ngay sau bão, Công ty cổ phần cấp nước Hải Phòng đã khẩn trương khôi phục các sự cố đường ống, khôi phục vận hành các thiết bị và công trình kỹ thuật liên tục 3 ca. Nhờ đó, khu vực đất liền và đảo Cát Hải đã vận hành được được toàn bộ 7 nhà máy nước (An Dương, Cầu Nguyệt, Vật Cách, Vĩnh Bảo 1 và 2, Ngũ Lão, Hưng Đạo) và 7/8 trạm bơm tăng áp (Máy Tơ, Đồng Hòa, Đông Hải, Cầu Rào, Đổng Quốc Bình, Đồ Sơn, Tân Dương), nên từ 9/9 đã cấp được tổng sản lượng 300.000 m3 nước tới người tiêu dùng (so với trung bình 250.000m3/ngày trước bão). Cũng trong ngày này, khu vực đảo Cát Bà đã vận hành máy phát điện để cung cấp nước cho khu vực thị trấn được khoảng 2.000m3 (khoảng 50% nhu cầu thông thường). Ngày 10/9, công ty tăng cường công suất cấp nước cho khu vực thị trấn và chạy máy phát điện cấp nước cho xã Việt Hải. Các khu vực đảo sẽ được khôi phục vận hành sản xuất nước sạch ngay sau khi được cấp điện trở lại.
Công nhân Nhà máy nước Lào Cai nỗ lực xử lý nước nguồn để cấp cho người dân. |
Tại Lào Cai, bão số 3 đã gây hư hại ở các mức độ khác nhau đến hầu hết các hệ thống cấp nước sinh hoạt trên địa bàn. Một số trạm bơm cấp I của các nhà máy nước Cốc San, Bảo Yên, Si Ma Cai bị ngập và bồi lấp bùn, cát; bị sát lở tuyến ống dẫn nước thô. Để bảo đảm chất lượng nước sạch sinh hoạt cấp ra và phòng tránh các sự cố không mong muốn về con người, tài sản, công ty cấp nước đã phải tạm ngừng cấp nước do điều kiện bất khả kháng tại nhà máy nước Bảo Yên, Si Ma Cai (ngập trạm bơm, nhà máy và sự cố điện cao thế); hạn chế cấp nước những khu vực bị ảnh hưởng lớn do mưa lũ tại phía nam thành phố Lào Cai và các vị trí cao, các huyện thị, thị trấn trên địa tỉnh từ sáng 9/9. Ngay khi nước lũ trên sông Hồng và Nậm thị bắt đầu rút chậm vào rạng sáng 10/9, nhà máy nước Lào Cai (nguồn nước từ sông Nậm Thi) đã tập trung sản xuất nước sạch từ 4 giờ sáng. Nhờ đó nhà máy đã cung cấp nước sạch ổn định cho người dân trên địa bàn phường Lào Cai, Duyên Hải, Cốc Lếu. Đồng thời tập trung vệ sinh nhà trạm bơm cấp 1, khôi phục việc chạy máy bơm, tăng công suất xử lý và duy trì cấp nước tự chảy tại Nhà máy nước Cốc San từ khoảng 21 giờ ngày 10/9. Tuy nhiên do độ đục nước đầu nguồn cao, ảnh hưởng đến hiệu xuất xử lý nên lượng nước sạch của hai nhà máy nước Lào Cai, Cốc San mới chỉ đạt khoảng 60-70%; trong điều kiện thuận lợi như hiện tại, dự kiến đến ngày 13-14/10 sẽ cấp nước ổn định như bình thường cho toàn bộ người dân trên địa bàn thành phố Lào Cai.
Theo hướng dẫn xử lý nước mùa mưa lũ của Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, ở những vùng ngập lụt sau bão, người dân cần triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực để đảm bảo có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo, phòng chống dịch bệnh. Các hóa chất mà người dân có thể sử dụng để khử trùng nước, nước giếng như: Bột Cloramin B liều 10g/mét khối nước; Clorua vôi 20% liều 13g/mét khối nước; hoặc Clorua vôi 70% liều 4g/mét khối nước. Người dân có thể sử dụng với xử lý nước giếng theo cách: Múc 1 gầu nước, hòa lượng hóa chất như trên vào, khuấy cho tan hết. Sau đó tưới đều gầu nước này vào giếng; thả cho gầu chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên, kéo xuống khoảng 10 lần cho hòa đều. Sau đó múc nước giếng đã khử trùng dội lên thành giếng để khử trùng. Để nước giếng trong khoảng 30 phút, sau đó có thể múc lên sử dụng được. Người dân cần lưu ý, với nước đã xử lý khi múc lên vẫn chưa được trong hoàn toàn thì cần cho thêm bột Cloramin B để tiếp tục xử lý. Nước đã được khử trùng bằng Cloramin B vẫn phải đun sôi mới được uống. Sau khi khử trùng, người dân ngửi thấy nước có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Cục Quản lý Môi trường y tế cũng hướng dẫn, nếu người dân không có hóa chất khử trùng nước, chỉ ăn uống nước đã đun sôi 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng. Các bước làm trong nước bằng phèn chua: - Sử dụng 1g phèn chua cho 20 lít nước. - Hòa lượng phèn chua tương đương thể tích nước cần làm trong vào 1 gáo nước cho tan hết. - Đổ gáo nước vào chum, vại, lu, thùng... rồi khuấy đều. - Chờ 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. - Nếu người dân không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước loại bỏ cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong. Với nước ăn uống, quy trình xử lý chung như sau: - Làm trong nước bằng phèn chua hoặc vải lọc. - Khử trùng nước đã làm trong bằng Cloramin B hoặc Clorua vôi. - Đun sôi lên và có thể sử dụng để ăn, uống. |