Nỗ lực chăm sóc thương binh, bệnh binh
Lãnh đạo Cục Chính trị Quân khu 9 thăm, tặng quà các thương binh, bệnh binh. |
Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất, đóng tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được thành lập năm 1977.
Giám đốc Trung tâm Tống Đức Bình cho biết, Trung tâm hiện đang quản lý, chăm sóc cho 51 thương binh, bệnh binh (trong đó có 10 thương binh nữ), đều là thương binh ¼, tỷ lệ thương tật trên 81%. Các thương binh, bệnh binh đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, người cao tuổi nhất năm nay đã gần 80. Nhiều người có vết thương đặc biệt như: Vết thương cột sống gây tê liệt hoàn toàn 2 chi dưới, vết thương sọ não gây rối loạn tâm thần, một số thương binh có vết thương cắt cụt chi thể, bụng, ngực, vết thương hỏa khí gây hỏng hoàn toàn hai mắt.
“Thời kỳ đầu thành lập, cơ sở vật chất thô sơ, đội ngũ phục vụ ít nên công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Chăm sóc những người lớn tuổi đã khó, chăm sóc những thương binh, bệnh binh với những khiếm khuyết về cơ thể lẫn tinh thần càng khó hơn. Nhưng với tinh thần “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, chúng tôi luôn xác định được phục vụ người có công không chỉ là trách nhiệm, là nghĩa vụ mà còn là một vinh dự lớn. Cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn là một khối thống nhất, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, tận tâm phục vụ thương binh, bệnh binh. Điều này góp phần củng cố niềm tin của thương binh, bệnh binh đối với cán bộ, nhân viên của Trung tâm”, ông Tống Đức Bình nói.
Trong những năm qua, cứ mỗi dịp lễ, Tết, Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân luôn dành tình cảm đến thăm hỏi, động viên thương binh, bệnh binh tại Trung tâm. |
Thương binh, bệnh binh là những người bước ra từ khói lửa của bom đạn. Không chỉ hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu mà họ còn hy sinh tình cảm gia đình, tình cảm quê hương. Nhiều thương binh nặng thời gian nằm trên giường bệnh, bệnh viện còn nhiều hơn thời gian ở với gia đình, hoặc do vết thương tái phát mà nhiều năm chưa về thăm gia đình, quê hương. Song, bằng tất cả bản lĩnh, khí phách kiên cường của người lính, họ luôn cố gắng, nỗ lực hết mình khắc phục những đau thương để chiến thắng bệnh tật, thương tật, chiến thắng bản thân giữ vững khí tiết “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Ông Lê Văn Cát, xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang), tâm sự: “Năm 1974, tôi được chuyển về Trung tâm và gắn bó đến nay đã gần 50 năm. Hằng ngày, chúng tôi được các cán bộ, nhân viên, nhất là đội ngũ nhân viên y tế chăm lo đời sống, sức khỏe một cách tận tình, chu đáo. Các cán bộ, nhân viên không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc để thương binh, bệnh binh cảm thấy thoải mái quên đi những đau đớn do thương tật bệnh tật gây ra, mà họ còn luôn thấu cảm, sẻ chia những tâm tư, nguyện vọng làm chúng tôi rất yên tâm và phấn khởi”.
Còn ông Nguyễn Văn Hạnh, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Những hôm trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát khiến chúng tôi đau đớn nhưng các y, bác sĩ không quản ngại khó khăn, vất vả luôn túc trực theo dõi, chăm sóc tận tình. Tại Trung tâm, chúng tôi còn thường xuyên được tham gia các hoạt động hoạt tập thể, lao động, vật lý trị liệu. Nhờ vậy mọi người đều rất vui vẻ, quên đi những thiệt thòi về sức khỏe, những khiếm khuyết trên cơ thể”.
Đa số cán bộ, nhân viên đều gắn bó với Trung tâm ngay từ khi còn khá trẻ, suốt bao nhiêu năm họ vẫn lặng lẽ cống hiến, gắn bó từng ngày và tiếp thêm sức mạnh cho các thương binh, bệnh binh. Bác sĩ Bùi Quang Hoàn, nhân viên Phòng Y tế, chia sẻ: “Lúc mới vào nghề, chúng tôi không dễ dàng để có thể trò chuyện với các cô chú mang trên mình những mặc cảm về thể xác và rối loạn tinh thần. Nhưng sự ân cần, kiên nhẫn đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ để có thể sẻ chia, bù đắp nhiều hơn cho các bác, các chú, các cô”.
Trong những năm qua, cứ mỗi dịp lễ, Tết, Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân luôn dành tình cảm đến thăm hỏi, động viên thương binh, bệnh binh tại Trung tâm. Tình cảm đó là nguồn động viên, liều thuốc tinh thần giúp thương binh, bệnh binh vượt qua được khó khăn trong sinh hoạt, chiến thắng thương tật.
Cùng với lời ân cần thăm hỏi, động viên, chia sẻ nỗi đau thương tật với các thương binh, bệnh binh, các đoàn công tác đã bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến những người đã hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc; khâm phục trước nghị lực, ý chí chiến đấu vượt qua nỗi đau thể chất và tinh thần của các thương binh, bệnh binh. Dù ở hoàn cảnh nào cũng luôn nêu cao và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trở thành tấm gương mẫu mực, để thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
Cùng với lời ân cần thăm hỏi, động viên, chia sẻ nỗi đau thương tật với các thương binh, bệnh binh, các đoàn công tác đã bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến những người đã hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc; khâm phục trước nghị lực, ý chí chiến đấu vượt qua nỗi đau thể chất và tinh thần của các thương binh, bệnh binh. |
Với những thành tích xuất sắc, nhiều năm qua, Trung tâm được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Người có công tặng thưởng nhiều bằng khen, cờ thi đua. Nhiều năm liền luôn là đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua “Phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ngày càng phát triển”.