Pháp: Hàng loạt biện pháp để dập tắt thảm họa bạo lực gia đình
Bản kiến nghị mang tên “Chúng ta hãy cứu những người phụ nữ đang còn sống” kêu gọi tổng thống Emmanuel Macron hành động để mọi người không còn phải hổ thẹn khi thấy tại Pháp vẫn còn những người phụ nữ bị hành hạ đến chết.
Tổng thống Pháp Macron coi đấu tranh vì bình đẳng nam - nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ lãnh đạo 5 năm. Năm 2018 cũng được coi là năm tranh đấu chống bạo hành nhắm vào nữ giới. Tuy nhiên, theo diễn viên Muriel Robin, tình hình chưa mấy được cải thiện, các nạn nhân bị bạo hành vẫn vấp phải sự im lặng dai dẳng của xã hội.
Vì thế, bản kiến nghị nêu lên những biện pháp cụ thể, chẳng hạn, cần cấm những người đàn ông bạo hành phụ nữ tới gần nơi ở của nạn nhân, buộc những người đàn ông vũ phu phải đi trị liệu, có kế hoạch khẩn cấp để tìm nơi trú ngụ cho nạn nhân, quy định tất cả những người làm trong các lĩnh vực liên quan đến pháp luật như cảnh sát, hiến binh, thẩm phán, quan tòa phải qua một khóa đào tạo bắt buộc ở cấp quốc gia để họ biết cách lắng nghe khi nạn nhân trình báo về các hành vi bạo lực và xử lý hiệu quả các vụ kiện về bạo hành gia đình…
Trên thực tế, theo số liệu thống kê chính thức chính quyền Pháp, trong năm 2016, trung bình cứ 3 ngày thì có 1 phụ nữ chết vì hành vi bạo lực của người đàn ông cùng chung sống hoặc chồng cũ, bạn trai cũ. Trong khi số đàn ông chết vì bị bạn đời bạo hành chỉ là 34 người, thì có tới 123 phụ nữ thiệt mạng và 255.000 phụ nữ khác là nạn nhân của bạo lực gia đình. Ba phần tư trong số 255.000 nạn nhân nói trên cho biết đã nhiều lần bị bạo hành. 80% bị tổn thương tâm lý.
Tuy nhiên, chỉ có 20% số phụ nữ bị bạn đời bạo hành về thể xác và/hoặc tình dục khai báo với cơ quan chức năng. Một nửa số nạn nhân không hề trình báo với cảnh sát hay trao đổi với bất kỳ hiệp hội nào. Và chỉ có gần 17.000 người đàn ông bị xét xử vì các hành vi bạo lực với bạn đời hoặc vợ cũ, bạn gái cũ.
Bộ trưởng chuyên trách về bình đẳng nam - nữ, bà Marlène Schiappa, trả lời phỏng vấn trên kênh RTL đã hoan nghênh ý tưởng của 88 nhân vật nói trên. Bà nhấn mạnh: Tôi tin rằng bạo lực trong gia đình một chủ đề vô cùng nhạy cảm. Quả thật đôi khi chúng ta có cảm giác không có nhiều người, cả nam lẫn nữ, tỏ thái độ chính kiến công khai về vấn nạn bạo lực trong gia đình.
Đối với bộ trưởng Schiappa, những ai từng chứng kiến cảnh bạo lực nhắm vào phụ nữ đều có trách nhiệm tố giác, họ phải coi bạo hành gia đình không còn là việc của riêng một người mà liên quan tới toàn xã hội. Bà tin tưởng chiến dịch này sẽ khiến toàn xã hội có ý thức về việc bảo vệ phụ nữ trước đòn roi của những ông chồng vũ phu. Với tầm quan trọng đó, chính phủ Pháp đã quyết định chi 4 triệu euro để thực hiện chiến dịch nói trên.
Thực ra, từ trước tới nay, các biện pháp chỉ là bảo vệ phụ nữ trước nạn kỳ thị giới tính nói chung và vấn nạn sách nhiễu tình dục, chứ Pháp chưa hề có kế hoạch cụ thể bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bị bạo hành trong gia đình. Ông Hervé Gattegno, giám đốc biên tập của tuần báo Journal Du Dimanche cũng đánh giá là so với vấn nạn hiếp dâm, quấy rối nơi công sở, hay sự bất bình đẳng về lương, bạo lực gia đình nhắm vào phụ nữ là ít được đề cập đến nhất.
Vì thế, vào ngày thứ Hai 01/10/2018, chỉ vài ngày trước khi có cuộc tuần hành theo lời kêu gọi của diễn viên Muriel Robin, bộ trưởng Marlène Schiappa, sau những buổi thảo luận với phụ nữ, các dân biểu địa phương, các nhân viên xã hội, các bác sĩ cấp cứu, các hiệp hội, đã thông báo trên kênh truyền hình RTL về “một kế hoạch đặc biệt” với hàng loạt biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tế từng nơi để dập tắt thảm họa bạo lực gia đình.
Bà bộ trưởng cũng thông báo kế hoạch lớn liên quan đến đào tạo cảnh sát để đảm bảo các nạn nhân khi khai báo sẽ được cảnh sát hỗ trợ tiến hành thủ tục trình báo và khởi kiện một cách hiệu quả hơn. Chính phủ Pháp còn dự kiến sẽ triển khai một ứng dụng trên mạng để các nhà chức năng xác định được nhanh chóng các trung tâm tạm trú khẩn cấp nào để có thể đưa các nạn nhân và con cái họ đến lánh nạn, bảo vệ tính mạng của họ.
Một biện pháp khác là lực lượng an ninh trật tự, cơ quan tư pháp, các khoa cấp cứu, nhân viên xã hội và các hiệp hội… ở từng tỉnh ký hợp đồng chia sẻ thông tin liên quan đến hồ sơ các vụ bạo hành gia đình để kịp thời giúp đỡ các nạn nhân.
Năm 2012, dư luận Pháp chấn động về vụ bà Jacqueline Sauvage, khi đó 65 tuổi, sau 47 năm bị chồng bạo hành, đã bắn 3 phát súng vào lưng chồng, khiến ông Norbert Marot thiệt mạng. Bà Sauvage bị tòa án xử 10 năm tù giam. Cuối năm 2016, ở tuổi 69, bà Sauvage được tổng thống Pháp khi đó là ông François Hollande ân xá và được trả tự do. Người phụ nữ này đã trở thành biểu tượng cho các nạn nhân của nạn bạo hành gia đình. Cuộc đời bà đã được viết thành chuyện và được chuyển thể thành phim truyền hình. Chính diễn viên Muriel Robin là người đóng vai Jacquelines Sauvage. Được phát sóng ngày 01/10/2018 trên kênh truyền hình TF1, bộ phim thu hút gần 8 triệu khán giả. Đây là một kỷ lục đối với một bộ phim truyền hình Pháp kể từ năm 2015. Không chỉ là lời cảnh báo về vấn nạn bạo hành phụ nữ, ẩn sau bộ phim còn là một thông điệp về tình yêu và tình người./.
Linh Đức