Phát huy chuỗi giá trị cây đậu tương đông
Hội thảo “Phát triển cây đậu tương đông theo chuỗi giá trị sản phẩm” do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam phối hợp với Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức sáng 6/11/2024 là nhằm hướng tới giải quyết vấn đề này.
GS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng VN và ThS Lê Thanh Tùng - Trưởng ban truyền thông VUSTA chủ trì hội thảo |
Phát biểu tổng quan về Hội thảo, GS.VS.TSKH Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết: “Vấn đề Hội thảo đặt ra đang rất bức xúc, cần phải tìm giải pháp để làm sao cây đậu tương nói chung, đậu tương đông nói riêng có chuỗi giá trị sản phẩm đúng như vị thế và tiềm năng của nó. Ngày xưa, cụ Lê Quý Đôn đã từng gọi đậu tương là “đại đậu”. Thế giới coi đậu tương là cây vàng trồng trên đất, vì mọi thành phần của cây đều sử dụng được, và giá trị lớn nhất của nó là cải tạo đất khi đã bị suy thoái rất nhiều bởi biến đổi khí hậu và bởi sự khai thác đến cạn kiệt và tàn phá của chính con người khi lạm dụng các chất hóa học. Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu đậu tương của ta là 53 tỉ USD nhưng chủ yếu là xuất khẩu thô; mặt khác, trong khi tiềm năng phát triển diện tích và sản lượng đậu tương của ta rất lớn nhưng vẫn phải nhập khẩu rất nhiều. Sản phẩm chế biến từ đậu tương cũng vô cùng phong phú và nhiều sản phẩm cao cấp, thậm chí là dược phẩm, mỹ phẩm nhưng chúng ta cũng chưa khai thác chế biến và tuyên truyền để tiêu thụ, cả nội địa và xuất khẩu, chưa có nhiều thương hiệu sản phẩm đậu tương Việt Nam. Vì vậy, hội thảo này tập trung bàn các giải pháp để tăng cường nghiên cứu và phát triển trồng đậu tương, nâng cao diện tích và sản lượng, quan tâm đến chế biến đa dạng sản phẩm đậu tương, đi sâu vào nghiên cứu di truyền phân tử, chọn giống để làm sao có thể phát huy cao nhất chuỗi giá trị của sản phẩm đậu tương”.
Toàn cảnh Hội thảo |
Các tham luận tại Hội thảo tập trung vào đậu tương đông ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, vừa tranh thủ đất trồng vụ đông, mặt khác cũng là để hồi sinh độ phì của đất sau 2 vụ lúa.
Các nhà khoa học đến từ Trung tâm nghiên cứu và phát triển đậu đỗ thuộc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã trình bày các nghiên cứu về “Chọn tạo và hiệu quả sản xuất giống đậu tương cho vụ đông ở đồng bằng sông Hồng”, “Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất đậu tương vụ đông tại vùng đồng bằng sông Hồng”, “Kết quả chọn tạo và phát triển giống đậu tương ĐT32 tại các tỉnh phía bắc”…ThS Nguyễn Xuân Dũng đến từ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nói về công tác chuyển giao công nghệ và khuyến nông với sản xuất đậu tương đông.
Ngoài ra là các báo cáo về thực trạng trồng, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ chuỗi sản phẩm đậu tương tại Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Hồng nói riêng cũng đã được trình bày tại Hội thảo, và sau đó là trao đổi, thảo luận về các vấn đề trên.
Và như GS Trần Đình Long kết luận, Hội thảo đã là một dịp tốt để các nhà khoa học và nhà sản xuất cùng nhau bàn luận về thực trạng, đưa ra các giải pháp cả về khoa học và thực tiễn cũng như cơ chế chính sách, để làm sao phát triển cây đậu tương đông theo chuỗi giá trị sản phẩm như tiêu đề của hội thảo này. Nhưng quan trọng hơn là “hậu hội thảo” chúng ta sẽ làm gì để hiện thực hóa tất cả những mục tiêu đặt ra. Hai đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo là Liên hiệp các hội KHKT VIệt Nam và Hội Giống cây trồng Việt Nam cũng như các đại biểu tham gia hội thảo, đặc biệt là các cơ quan nghiên cứu và sản xuất đều mong muốn sẽ có một dự án về phát triển cây đậu tương đông ở đồng bằng sông Hồng theo chuỗi giá trị đáng có của nó, làm sao để không còn tình trạng xuất khẩu đậu tương thô, để bớt phải nhập khẩu đậu tương và toàn dân đều được sử dụng đậu tương hữu cơ trồng trên chính đồng đất quê mình, và để cây đậu tương đông thực sự trở thành một “cây vàng” trên vùng đồng bằng sông Hồng nhiều tiềm năng này.