Phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học
Tuy nhiên, những kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng của Nữ trí thức Việt Nam. Đây là nhận xét được các nhà quản lý, các nhà khoa học đưa ra trong hội thảo “Nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu của nữ trí thức để phát triển đất nước: Thực trạng và giải pháp” do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo PGS.TS Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, tại Việt Nam, khoa học và công nghệ là một trong 8 lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Hiện nay, số lượng nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng đáng kể (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển đất nước). Trong đó, phụ nữ ngày càng có những đóng góp lớn lao trong công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.
PGS.TS Trần Tuấn Anh nêu ví dụ, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - đơn vị nghiên cứu hàng đầu cả nước về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ, là cái nôi nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng của không ít các nhà khoa học nữ đã vinh dự được nhận các giải thưởng cao quý. Không những tạo điều kiện tốt nhất cho phụ nữ tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học, lãnh đạo Viện Hàn lâm cũng bổ nhiệm nhiều nhà khoa học nữ vào các vị trí lãnh đạo các ban chức năng, viện chuyên môn và các đơn vị trực thuộc.
Việc đánh giá đúng, đặt trọng trách và tôn vinh các nhà khoa học nữ không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp cho nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ mà còn góp phần tạo cảm hứng cho các nhà khoa học tiếp tục vươn lên trên con đường phát triển khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, việc các nhà khoa học nữa hoạt động khoa học và công nghệ cũng gặp không ít rào cản được xác định đến từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và chính sách thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cũng như các quy định về xử lý kết quả nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; sự kết hợp giữa các nhà nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp; tình trạng thiếu vốn, khó mở rộng thị trường, hạn chế trong chuyển đổi số; thủ tục thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học…
Để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong đội ngũ nữ trí thức, GS Lê Thị Hợp cho rằng, bên cạnh sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ nữ trí thức, việc tăng cường đầu tư của Nhà nước vào các lĩnh vực nghiên cứu khoa học; đầu tư cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ dài hạn, gắn các nhà khoa học từ nghiên cứu cơ bản đến sản xuất thử nghiệm hoàn thiện sản phẩm công nghệ là nhu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, cần nâng cao việc xã hội hóa và đa dạng nguồn vốn cho hoạt động khoa học và công nghệ; kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp và cộng đồng; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu với ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào giải quyết các vấn đề cấp thiết của xã hội; cần tiếp cận khoa học theo chuỗi giá trị; ưu tiên các nghiên cứu có sản phẩm đưa vào phục vụ sản xuất. Cần đầu tư có trọng điểm và đầu tư đến ngưỡng; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ, có những chính sách ưu đãi về thuế…; tăng cường hợp tác quốc tế trong triển khai các đề tài/dự án/chương trình nghiên cứu để nắm bắt công nghệ lõi, phát triển công nghệ mới. Đặc biệt, cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; điều chỉnh thống nhất các quy định, văn bản pháp lý liên quan thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ như: Luật Khoa học va Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ…
Theo GS.TS. Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc - hóa dầu (Viện Hóa học Công nghiệp, Bộ Công Thương) nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế cần chú ý khi xây dựng chính sách khoa học và công nghệ phải dựa trên những đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ, phải thừa nhận “rủi ro” là đặc thù của hoạt động này. Đặc biệt, cần hiểu biết sâu sắc hơn về những khó khăn trong quá trình ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong “vùng đệm” (hoàn thiện công nghệ, sản phẩm, thương mại hóa thử nghiệm).