Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3: Sự phục hồi kinh tế - xã hội có tín hiệu tích cực
Ngày 4/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình quý I vừa qua đã cho thấy chúng ta đã dự báo tương đối sát tình hình, với nhận định tình hình sẽ có thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Tình hình trong các tháng 1, 2, 3 đã có những diễn biến mới nhanh, khó lường.
Trong quý I, Việt Nam tiếp tục giải quyết các vấn đề thường xuyên, tồn đọng; giải quyết các tác động khủng hoảng ở Ukraine; giải quyết các vấn đề Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành về phục hồi và phát triển kinh tế; những vấn đề nổi lên như mưa lũ ở miền Trung bất thường, ngoài ra tác động liên quan năng lượng, điện...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022
Trong tháng qua, chúng ta đã triển khai mở cửa du lịch từ 15/3 và mở cửa trường học... Theo Thủ tướng, nếu không dự báo tốt, nắm chắc tình hình, có giải pháp tốt thì tình hình sẽ phức tạp những tháng tới đây.
Trong bối cảnh tình hình có những diễn biến mới phức tạp, đột xuất, bất ngờ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, kinh tế-xã hội đang hồi phục tích cực, Việt Nam không lỡ nhịp hồi phục trong xu thế chung của thế giới.
Các tổ chức quốc tế đều hạ mức dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 so với dự báo trước đó, việc kinh tế thế giới phục hồi sẽ khó khăn hơn, nhưng nền kinh tế Việt Nam có tín hiệu phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP trong quý I đạt hơn 5%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I dưới 2% mặc dù sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn.
Thị trường tiền tệ, tài chính ổn định; các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm (thu – chi ngân sách, xuất - nhập khẩu, lương thực thực phẩm, năng lượng, cung cầu lao động). Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được củng cố và tăng cường, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lòng tin của nhân dân, bạn bè, đối tác quốc tế, nhà đầu tư tăng lên. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội rất tích cực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm nhanh từ cuối tháng 3.
Thủ tướng yêu cầu, phải nghiêm túc đánh giá những vấn đề như giải ngân vốn đầu tư công vẫn là hạn chế, yếu kém...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Thủ tướng yêu cầu, phải nghiêm túc đánh giá những vấn đề như giải ngân vốn đầu tư công vẫn là hạn chế, yếu kém; một số chương trình chưa được triển khai theo tiến độ; thị trường chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; vấn đề hàng hoá ứ đọng ở biên giới chưa giải quyết được triệt để; một bộ phận nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; trong việc tiêm chủng vaccine còn tâm lý chủ quan, việc tiêm chủng chưa đạt tiến độ như mong muốn; việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi chưa được suôn sẻ. Dự báo từ đầu năm tương đối sát tình hình, khó khăn, thách thức lớn hơn thuận lợi và thời cơ.
“Đề nghị các đồng chí dành thời gian công sức đánh giá mổ xẻ sâu sắc hơn những mặt đạt được, những cái chưa được, đặc biệt là nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để từ đó ta nhìn nhận một cách khách quan tình hình thực tiễn, trên cơ sở đó đóng góp thêm những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian sắp tới, cần tập trung trọng tâm trọng điểm cái gì, cần phải giải quyết dứt điểm gì, cần phải lãnh đạo chỉ đạo tổ chức điều hành cái gì. Thứ nhất là khắc phục được những tồn tại, hạn chế chưa giải quyết được trong quý I năm 2022; Thứ hai là chúng ta ứng phó linh hoạt hiệu quả với những vấn đề mới, những vấn đề có thể phát sinh. Thứ ba là tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài. Thứ tư là bám sát tình hình để dự báo tình hình, trên cơ sở đó chúng ta có nhiệm vụ giải pháp phù hợp hiệu quả” - Thủ tướng lưu ý.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước 2021, tình hình triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Các thành viên Chính phủ cũng nghe và thảo luận về Dự án Luật khám chữa bệnh; Đề nghị xây dựng dự án Luật phát triển công nghiệp; Đề nghị xây dựng Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi); Báo cáo về quy định giới hạn quy mô diện tích sử dụng đất theo từng giai đoạn đối với các khu công nghiệp có quy mô diện tích trên 500ha trong dự thảo nghị định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (thay thế nghị định số 82/2018/NĐ-CP).
HUYỀN ANH