Quảng Trị: Kiên quyết xử lý xe chở quá khổ, quá tải trên các tuyến quốc lộ, đảm bảo an toàn giao thông
Thực hiện Chuyên đề “Kiểm soát xe chở quá khổ, quá tải trên tuyến đường Hồ Chí Minh gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại, đời sống của người dân” - Khảo sát thực tiễn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để minh chứng chuyên đề. Mục đích của chuyên đề nhằm phản ánh thực trạng xe quá khổ quá tải lưu thông trên tuyến đường này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn cho người tham gia giao thông, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Từ đó, nhằm tìm ra các giải pháp khắc phục tình trạng trên, bảo đảm sự an toàn, văn minh trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Để thực hiện chuyên đề, Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Quảng Trị khảo sát tại tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua tỉnh Quảng Trị.
Quốc lộ 1 được xem là tuyến đường huyết mạch, quan trọng nối các địa phương ở tỉnh Quảng Trị. Hàng ngày, trên tuyến ghi nhận lượng lớn các phương tiện tham gia giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) cũng xử lý các lỗi vi phạm như: Vi phạm về chở quá tải, cơi nới thành thùng chở hàng; vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải, chở quá số người quy định; vi phạm về sử dụng rượu, bia, các chất ma túy khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Nhóm phóng viên Tạp chí Sức khỏe và Môi trường có mặt cùng Tổ tuần tra kiểm soát thuộc Trạm CSGT Đakrông tại Km 1076, đường Hồ Chí Minh thuộc xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị, không khó để có thể nhận ra những phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm về chở quá tải, quá khổ.
Cán bộ Trạm CSGT Đakrông Trần Trung Thành chia sẻ: Đối với những phương tiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm về tải trọng đều được lực lượng dừng xe để kiểm tra bằng việc đo kích thước thành thùng xe, chiều cao hàng hóa và tiến hành cân tải trọng xe. Dù lỗi nhẹ, lực lượng CSGT vẫn lập biên bản xử lý.
“Khó khăn đối với việc xử lý về vi phạm tải trọng là nhiều phương tiện để né tránh các tổ chốt của CSGT, các tài xế bất chấp nguy hiểm chạy xe vào các tuyến đường dân sinh nhỏ hẹp hoặc tìm bãi đất trống để dừng phương tiện chờ khi không có lực lượng chức năng mới tiếp tục hành trình.
Lực lượng Trạm CSGT Đakrông kiểm tra xử lý xe và hàng hóa trên xe sơ mi rơ móoc (container) quá tải trọng. Ảnh: Vũ Nam |
Có trường hợp khi phát hiện vi phạm thì tài xế hoặc chủ xe, chủ hàng cố tình kéo dài thời gian, không hợp tác, tìm các mối quan hệ để can thiệp. Tuy nhiên, với sự kiên quyết của lực lượng CSGT, tất cả các vi phạm này đều bị xử lý”, cán bộ Thành thông tin thêm.
Tổ công tác thuộc Trạm CSGT Đakrông đã phát hiện thêm xe tải mang biển kiểm soát 43H-048.94 + 75R-008.54 chở hàng vượt quá chiều cao cho phép đối với xe ô-tô sơ-mi rơ-móoc (4670/4350mm), vượt quá tải trọng cho phép giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 50% đến 100%.
Tại Km 783, Quốc lộ 1A thuộc địa phận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, phát hiện xe tải mang biển kiểm soát 50H-248.79 + 50RM-004.02 lưu thông trên đường chở hàng vượt quá tải trọng cho phép giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 30%. Tài xế của xe chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi vi phạm lỗi này, bởi lẽ do tuyến đường vận chuyển khá dài, để đảm bảo đủ chi phí vận tải nên mới chở quá trọng tải quy định. Giờ bị lập biên bản xử phạt số tiền lớn và được lực lượng CSGT giải thích những tiềm ẩn nguy hiểm có thể xảy ra nếu chở quá tải, tôi đã hiểu và chắc chắn sẽ không tái phạm”.
Đội tuần tra kiểm soát CSGT đường bộ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Trị xứ lý xe vi phạm tải trọng tại Km 783, Quốc lộ 1A thuộc địa phận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Vũ Nam |
Đặc biệt, để nâng cao ý thức chấp hành, lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm, mở đợt cao điểm về tuần tra kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm về trật tự ATGT, trong đó tập trung xử lý thường xuyên, quyết liệt các vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ... là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, lực lượng CSGT kết hợp với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho những người tham gia giao thông, bảo đảm an toàn giao thông, tránh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân hai bên đường giao thông.
Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt Điều 24. Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ 1. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: Vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc có chằng buộc nhưng không chắc chắn; Điều khiển xe xếp hàng trên nóc buồng lái, xếp hàng làm lệch xe; Không chốt, đóng cố định cửa sau thùng xe khi xe đang chạy. 2. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 30% (trừ xe xi téc chở chất lỏng), trên 20% đến 30% đối với xe xi téc chở chất lỏng; Chở hàng trên nóc thùng xe; chở hàng vượt quá bề rộng thùng xe; chở hàng vượt phía trước, phía sau thùng xe trên 10% chiều dài xe; Chở người trên thùng xe trái quy định; để người nằm, ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy; Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không có hoặc không mang theo Giấy vận tải (Giấy vận chuyển); Điều khiển xe kéo theo rơ moóc, sơ mi rơ moóc mà khối lượng toàn bộ (bao gồm khối lượng bản thân rơ moóc, sơ mi rơ moóc và khối lượng hàng chuyên chở) của rơ moóc, sơ mi rơ moóc vượt khối lượng cho phép kéo theo được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 30%. 3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định; Không sử dụng thẻ nhận dạng lái xe để đăng nhập thông tin theo quy định khi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa; Điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa không lắp camera theo quy định. 4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: Điều khiển xe taxi tải không lắp đồng hồ tính tiền cước hoặc lắp đồng hồ tính tiền cước không đúng quy định; Chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép đối với xe ô tô tải (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc); Chở công-ten-nơ trên xe (kể cả sơ mi rơ moóc) mà không sử dụng thiết bị để định vị chắc chắn công-ten-nơ với xe. 5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 30% đến 50%; Điều khiển xe quá thời gian quy định của Luật Giao thông đường bộ; Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa có gắn thiết bị giám sát hành trình của xe nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định; Điều khiển xe kéo theo rơ moóc, sơ mi rơ moóc mà khối lượng toàn bộ (bao gồm khối lượng bản thân rơ moóc, sơ mi rơ moóc và khối lượng hàng chuyên chở) của rơ moóc, sơ mi rơ moóc vượt khối lượng cho phép kéo theo được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 30% đến 50%. 6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 50% đến 100%; Điều khiển xe kéo theo rơ moóc, sơ mi rơ moóc mà khối lượng toàn bộ (bao gồm khối lượng bản thân rơ moóc, sơ mi rơ moóc và khối lượng hàng chuyên chở) của rơ moóc, sơ mi rơ moóc vượt khối lượng cho phép kéo theo được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 50% đến 100%; Nhận, trả hàng trên đường cao tốc; Điều khiển xe không có hoặc không gắn phù hiệu theo quy định. 7. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 100% đến 150%; Điều khiển xe kéo theo rơ moóc, sơ mi rơ moóc mà khối lượng toàn bộ (bao gồm khối lượng bản thân rơ moóc, sơ mi rơ moóc và khối lượng hàng chuyên chở) của rơ moóc, sơ mi rơ moóc vượt khối lượng cho phép kéo theo được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 100% đến 150%. 8. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%; Điều khiển xe kéo theo rơ moóc, sơ mi rơ moóc mà khối lượng toàn bộ (bao gồm khối lượng bản thân rơ moóc, sơ mi rơ moóc và khối lượng hàng chuyên chở) của rơ moóc, sơ mi rơ moóc vượt khối lượng cho phép kéo theo được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%; Vi phạm quy định, gây tai nạn giao thông. 9. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng; bị tịch thu phù hiệu đã hết giá trị sử dụng hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp. |