Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết quan trọng, tác động trực tiếp đến người dân
Kịp thời ban hành những quyết sách quan trọng
Chiều 24/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 9 sau 6,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương và trách nhiệm cao để xem xét, cho ý kiến 15 nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và quyết định một số vấn đề lớn thuộc thẩm quyền.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, về công tác lập pháp tại phiên họp lần thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 3 dự án luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, thảo luận và thông qua 1 dự án pháp lệnh, 1 nghị quyết sẽ trình Quốc hội và ban hành 2 nghị quyết theo thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với các dự án luật, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi và dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận hai dự án Luật này đã được các cơ quan thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội phối hợp với cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị một cách rất kỹ lưỡng.
Đối với dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất nhận định đây là dự án Luật đã có sự quan tâm rất sâu sắc của xã hội; đồng thời ghi nhận các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan soạn thảo đã đầu tư rất nhiều công sức, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm để làm rõ nhiều vấn đề lớn liên quan. Về cơ bản các nội dung của dự án Luật đã đáp ứng được các yêu cầu, mục đích và các quan điểm lớn trong xây dựng luật, nhất là vấn đề coi điện ảnh vừa là một loại hình tác phẩm nghệ thuật và sản xuất phim là một ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời, thích ứng với điều kiện phát triển công nghiệp điện ảnh trong điều kiện kinh tế số, xã hội số, không gian mạng.
Tuy nhiên, đây là một dự án Luật khó, nhiều chính sách, nhiều thể chế còn có những khó khăn khi quy định thành những điều khoản chi tiết. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cố gắng khắc phục tối đa tình trạng luật khung, luật ống, cố gắng quy định chi tiết đến mức độ cao nhất trong luật có thể. Đối với một số vấn đề quá chi tiết hơn có thể giao cho Chính phủ hướng dẫn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, hai dự án Luật này sẽ được tiếp tục cho ý kiến cùng với hai dự án Luật khác (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra vào ngày 28-29/3 tới; nhấn mạnh, đây là một bước nữa trong quá trình xây dựng pháp luật theo tinh thần nhiều vòng, nhiều bước kỹ lưỡng để khi trình ra Quốc hội chất lượng dự án Luật là cao nhất, từ đó tiết kiệm được tối đa thời gian họp của Quốc hội.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự án Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết xây dựng dự án Luật này để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng liên quan đến phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế về dân chủ ở cơ sở, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thực tiễn thời gian qua. Dự án Luật này được kế thừa trên cơ sở Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số Nghị định của Chính phủ, Quy chế về thực hành dân chủ ở cơ sở và một phần của Luật Thanh tra là thiết chế thanh tra Nhân dân chuyển sang dự án Luật này.
Nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành một buổi rất trọn vẹn để cho ý kiến về các vấn đề lớn và những vấn đề cụ thể của dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện hồ sơ hồ sơ dự án Luật, bổ sung các đánh giá tác động ở cả 3 khu vực là khu vực xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố; các tổ chức, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế… bảo đảm chất lượng cao nhất ngay kỳ đầu tiên trình Quốc hội.Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, tham gia ngay từ đầu của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội cùng với các cơ quan chủ trì thẩm tra. Hồ sơ, tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đảm bảo tính công phu, đầy đủ được chuẩn bị kỹ lưỡng và đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, xem xét và thông qua dự thảo Nghị quyết này.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, theo thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và ban hành 2 Nghị quyết rất quan trọng.
Một là, Nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để kịp thời góp phần bình ổn thị trường xăng, dầu trong bối cảnh nguồn cung xăng, dầu khan hiếm, giá dầu thô có xu hướng tăng cao, góp phần tích cực cho hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 và hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Hai là, Nghị quyết về việc tăng thêm giờ làm việc trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động theo đề nghị của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết này cũng được sự quan tâm rất sâu sắc của dư luận xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những quyết sách kịp thời để vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay, trong điều kiện các đơn hàng cần phải giải quyết gấp để đảm bảo được tiến độ giao hàng, đồng thời đảm bảo được sức khỏe cho người lao động và giải quyết hài hòa quan hệ lao động trong doanh nghiệp, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của giới chủ cũng như lợi ích của người lao động.
Quyết liệt thực hiện các cam kết trước cử tri và Nhân dân tại phiên chất vấn
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành 1 ngày để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai lĩnh vực công thương và tài nguyên, môi trường. Qua thống kê cho thấy, dù chỉ tiến hành một ngày nhưng người tham gia chất vấn và tranh luận rất đông đảo với 48 đại biểu tham gia chất vấn và 10 đại biểu tiến hành tranh luận. Cùng với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trả lời chính, các thành viên Chính phủ bao gồm Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và nhiều vị Bộ trưởng đã tham gia trả lời chất vấn, làm rõ được nhiều vấn đề về thực trạng, đi đến cùng các sự việc và đề xuất ra được nhiều các kiến nghị, các giải pháp, đảm bảo tính khả thi và thiết thực. Kết thúc hoạt động chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và đồng tình nhất trí rất cao ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay sau phiên họp này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành và thành viên Chính phủ cần thực hiện quyết liệt, triển khai ngay những nội dung đã cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cử tri cả nước. Các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được quyết định trong nghị quyết, chủ động tổ chức các phiên giải trình về lĩnh vực phụ trách nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của đồng bào, cử tri và Nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm, vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã rất tích cực tổ chức phiên giải trình, tới đây có Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đã giao cho Ủy ban Tài chính, Ngân sách tổ chức giám sát việc sản xuất cung ứng, nhập khẩu xăng dầu và tình hình hoạt động thực trạng tài chính của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn. Chủ tịch Quốc hội lưu ý Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cần chỉ đạo thực hiện quyết liệt và có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3/2022. Đây là việc rất quan trọng nằm trong chủ trương giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cùng làm rõ và hỗ trợ Chính phủ tìm mọi biện pháp để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đảm bảo cho cung ứng xăng dầu và hoạt động của nhà máy Nghi Sơn, đảm bảo an ninh năng lượng rất là quan trọng.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết 66 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 38 Quốc hội khóa XI và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, thống nhất trình Quốc hội xem xét, thảo luận cho ý kiến đối với báo cáo tổng thể của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 66 của Quốc hội, xem xét, quyết định các nội dung liên quan tại Kỳ họp thứ 3 tới. Đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, báo cáo gửi Quốc hội và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để thẩm tra chính thức, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước, nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2020 và 2021 để đảm bảo các khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài đủ điều kiện hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước. Đây là các khoản bổ sung dự toán nên cần phải trình Quốc hội xem xét, quyết định để đảm bảo thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Khẩn trương chuẩn bị cho phiên họp tiếp theo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, toàn bộ các nội dung của phiên họp cơ bản thực hiện theo kế hoạch. Tuy nhiên, thời gian họp rút được ngắn 1 ngày so với dự kiến ban đầu do một số nội dung phải rút ra khỏi chương trình. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ, các ngành, các cơ quan của Quốc hội lưu ý khắc phục vấn đề này. Theo đó, phải đảm bảo được đầy đủ các thủ tục, hồ sơ, đảm bảo chặt chẽ thì mới đề xuất đưa vào chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tránh trường hợp đưa vào chương trình phiên họp nhưng đến khi khai mạc xong lại trình lại là chưa có đủ thời gian thẩm tra hoặc chưa có tài liệu để thẩm tra.
Cho biết, dự kiến khối lượng công việc tại phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022) là rất nặng nề, tập trung cao độ để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ ba của Quốc hội; nhấn mạnh thời gian rất khẩn trương, nội dung nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay sau phiên họp này, vừa phải khẩn trương ban hành tất cả các thông báo, kết luận và ký để ban hành các Nghị quyết đã được thông qua, đồng thời chuẩn bị tích cực cho phiên họp thứ 10 tới.
SƠN HÀ