Sông Lô (Vĩnh Phúc): Khai thác khoáng sản thông thường trái phép gây ô nhiễm môi trường
Điều 64, Luật Khoáng sản 2010 đã quy định các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó đất dùng làm vật liệu san lấp có thể được xem là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Các hoạt động khai thác, vận chuyển đất đi nơi khác đều phải có sự chấp thuận của các cơ quan chức năng đánh giá và cấp phép.
Trên cơ sở các điều luật trên, phóng viên Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã thực hiện chuyên đề “Hoạt động quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản – Thực trạng và giải pháp tại huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc”, qua thực tiễn nghiên cứu đã nhận thấy còn nhiều bất cập, chưa đúng với quy định của luật.
Địa điểm khai thác đất tại hộ gia đình bà Mận ở thôn Khoái, Thọ xã Đức Bác (Sông Lô, Vĩnh Phúc) nhiều xe tải trọng lớn đang chuyển đất ra khỏi địa điểm xin hạ cốt nền |
Theo đó, nhóm phóng viên đã có mặt tại thôn Khoái Thọ, xã Đức Bác (Sông Lô) để trực tiếp ghi nhận việc lợi dụng xin cấp phép hạ cốt nền đất, san gạt tại chỗ, để vận chuyển đất ra ngoài.
Cụ thể, tại vị trí hộ gia đình bà Mận (tên chủ hộ) vào hồi gần 16h00 chiều ngày 09/10/2024, phóng viên ghi nhận có 1 máy múc cỡ lớn cùng 2 ô tô tải đang tiến hành múc đất lên xe và vận chuyển đi nơi khác.
Một người là lái xe vận chuyển đất cho biết, từ mấy ngày nay họ đang hạ cốt cho gia đình bà Mận ở thôn Khoái Thọ, xã Đức Bác. Việc này đã được UBND xã Đức Bác đồng ý và vận chuyển đất đổ thằng ra khu vực gần UBND xã Đức Bác.
Sau khi khai thác đất được mang đi bán, san lấp cho nhà dân tại huyện Lập Thạch. |
Tuy nhiên, theo ghi nhận nhiều xe tải chở đất từ nơi hạ cốt đã di chuyển một quãng đường dài và được tập kết đổ tại thôn Sơn Bình – xã Văn Quán (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc)
Người dân tại đây cho biết, việc vận chuyển đất đã diễn ra nhiều ngày nay khiến cho đoạn đường vào khu dân cư thôn Khoái Thọ bị ô nhiễm nghiêm trọng, khói bụi nặng nề, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.
Quá trình khai thác vận chuyển đất làm ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân |
Để thông tin được khách quan, chính xác, đúng quy định của pháp luật về khai thác vận chuyển đất, khoáng sản thông thường, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Lanh, Chủ tịch UBND xã Đức Bác, ông Lanh cho biết: “Trường hợp nhà bà Mận, đã có đơn xin phép hạ cốt nền đất thổ cư của gia đình để xây nhà. UBND xã đã giao cho cán bộ địa chính giám sát chặt chẽ hoạt động hạ cốt của gia đình. UBND xã chỉ cấp phép cho san gạt tại chỗ, không được vận chuyển đất ra khỏi khu vực cũng như chở đất đến khu vực UBND xã. Nếu có sự việc gia đình chuyển đất ra khỏi địa bàn tôi sẽ cho cán bộ kiểm tra”.
Khi phóng viên trao đổi thông tin, cung cấp các tài liệu ghi nhận hoạt động vận chuyển đất ra khỏi nơi san gạt đến địa điểm khác, Chủ tịch UBND xã Đức Bác Lê Văn Lanh chia sẻ, mong phóng viên thông cảm vì UBND xã cũng cách địa điểm nhà cấp phép san gạt đất tới 2 đến 3 km nên không nắm rõ được.
Ngay sau đó, phóng viên đã liên hệ với một lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sông Lô và được biết, việc cấp phép hạ cốt nền đất thổ cư thì san gạt tại chỗ đối với hộ gia đình thuộc thẩm quyền của cấp xã, nếu xảy ra việc vận chuyển đất ra bên ngoài là hoàn toàn sai.
Trụ sở UBND xã Đức Bác, huyện Sông Lô |
Trên cơ sở thực trạng quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản tại xã Đức Bác như trên, tòa soạn Sức khỏe và Môi trường kiến nghị một số giải pháp khắc phục những tồn tại đó, cụ thể, hoạt động cấp phép hạ cốt nền, san gạt tại chỗ là đúng quy định góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống, phát triển kinh tế tại địa phương. Song vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước cấp xã khi đã cấp phép cho người dân hạ cốt nền đất, san gạt tại chỗ phải có sự kiểm tra, giám sát hoạt động đó; nếu phát hiện việc vận chuyển đất ra ngoài nên kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm nhằm mục đích răn đe, tuyên truyền tới đông đảo nhân dân trên địa bàn không vi phạm các quy định, giấy phép được cấp phép trong quá trình hạ cốt nền đất.
Khi hoạt động quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản thông thường được thực hiện nghiêm sẽ góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và với tinh thần mọi người dân đều phải thượng tôn pháp luật, mới đảm bảo địa phương phát triển bền vững.