Sự chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế của chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã đi vào lộ trình bền vững theo tinh thần Nghị quyết 120
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu
Trao đổi với Phóng viên Sức khỏe & Môi trường nhân dịp đầu năm mới, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết:
Nhìn chung, kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi khá toàn diện trên các lĩnh vực, ổn định và phát triển. Trong đó, sản xuất nông nghiệp phát triển khá: canh tác lúa gần 189.000ha, chủ yếu là lúa chất lượng cao, lúa đặc sản (Một bụi đỏ, Tài nguyên), lúa Thơm ST24, ST25, Đài thơm 8… sản lượng gần 1,19 triệu tấn; sản lượng thủy sản tăng 14,55% (tổng diện tích nuôi 145.346ha), đặc biệt là tôm nuôi tăng 32,86% (siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh có 27.320ha). Sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ phục hồi và tăng trưởng khá nhanh; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 17,12% so cùng kỳ, riêng công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tiếp tục phát triển, đã hoàn thành 7 dự án điện gió, lũy kế trên địa bàn tỉnh có 8 dự án điện gió với tổng công suất 469,2 MW.
Đáng mừng là trong năm qua có có 350 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn là 2.600 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang với 14 sự kiện và thu hút hơn 100.000 lượt người dân và du khách. Trong đó, Hội nghị Xúc tiến đầu tư được tổ chức thành công với sự tham gia của hơn 500 đại biểu, qua đó đã trao giấy chứng nhận đầu tư 13 dự án với tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng.
Với 56km bờ biển, ngư trường khai thác rộng trên 40.000km2 Bạc Liêu có điều kiện thuận lợi phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
*P/V: Theo ông, sự chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế của chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã đi vào lộ trình phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ chưa?
- Ông Phạm Văn Thiều: Kết quả tăng trưởng kinh tế của Bạc Liêu tập trung ở các lĩnh vực năng lượng sạch, nuôi tôm công nghệ cao, trồng lúa chất lượng cao và dịch vụ du lịch sinh thái. Những lĩnh vực này thể hiện rõ xu hướng phát triển thân thiện với môi trường. Hơn nữa, những lĩnh vực này đã được chúng tôi tổ chức triển khai thực hiện trên cơ sở bố trí quy hoạch phù hợp theo hệ sinh thái tự nhiên đặc thù của địa phương.
Do đó, có thể khẳng định, tăng trưởng kinh tế nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh Bạc Liêu đã đi vào lộ trình phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết 120 của chính phủ về phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Với 8 dự án điện gió đã được triển khai trên địa bàn, tỉnh Bạc Liêu đang chuyển mình trở thành Trung tâm năng lượng của vùng ĐBSCL”.
*P/V: Xin ông cho biết hệ sinh thái tự nhiên của tỉnh Bạc Liêu đã được xác định như thế nào trong quy hoạch, tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế?
- Ông Phạm Văn Thiều: Bạc Liêu là địa phương đồng bằng ven biển nằm trong vùng Bán đảo Cà Mau, diện tích tự nhiên 2.668,0 km2 trong đó có hơn 80% diện tích là đất ngập nước, chủ yếu là đất nông nghiệp, rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển. Hệ sinh thái tự nhiên được hình thành từ đặc điểm quy luật chuyển động của nguồn nước, thực tế ở Bạc Liêu là hệ sinh thái đa dạng mặn - lợ - ngọt.
Căn cứ vào điều kiện hệ sinh thái tự nhiên, Bạc Liêu đã cơ bản hoạch định thành 3 tiểu vùng phát triển phù hợp với điều kiện sinh thái: Thứ nhất là Tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A (sinh thái ngọt) diện tích tự nhiên 772 km2 (chiếm 28,93% DTTN toàn tỉnh). Thứ hai là Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A (sinh thái lợ) diện tích tự nhiên 799 km2 (chiếm 29,96% DTTN toàn tỉnh) và Thứ ba là vùng kinh tế ven biển Đông phía Nam Quốc lộ 1A (sinh thái mặn) diện tích tự nhiên 1.097 km2 (chiếm 41,11% DTTN toàn tỉnh), với 56 km bờ biển và một ngư trường khai thác rộng trên 40.000 km2 (trong đó vùng đặc quyền kinh tế biển rộng 20.742 km2), có trữ lượng tôm, cua, cá khá dồi dào tạo điều kiện phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
*P/V: Ông có thể nói rõ hơn về việc quy hoạch bố trí các mô hình kinh tế trên cơ sở hoạch định 3 tiểu vùng sinh thái?
- Ông Phạm Văn Thiều: Thứ nhất là Tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A (sinh thái ngọt) phù hợp cho sản xuất lúa, với diện tích cánh tác 59.000 ha sản xuất 2-3 vụ lúa/năm rất thuận lợi trong việc triển khai thực hiện xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho nông dân.
Thứ hai là Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A (sinh thái lợ) phù hợp cho sản xuất các mô hình kết hợp như: tôm - lúa (với diện tích khoảng 40.000ha); tôm - cua - cá...
Thứ ba là vùng kinh tế ven biển Đông phía Nam Quốc lộ 1A (sinh thái mặn) chúng tôi xác định tập trung khuyến khích ngư dân bám biển đánh bắt thủy hải sản, nuôi các loại thủy sản nước mặn, phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh (khoẳng 25.000-30.000ha) và tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả nghề làm muối truyền thống. Hiện tỉnh đã có hơn 1.100 phương tiện đang hoạt động với tổng công suất khoảng trên 211.000CV, trong đó có khoảng hơn 454 phương tiện khai thác xa bờ, tổng sản lượng khai thác hải sản hàng năm ước đạt trên 110.000 tấn. Có khoảng 1.500ha sản xuất muối.
“Trong tiến trình phát triển thành thủ phủ tôm của cá nước, nhiều mô hình nuôi tôm sạch, ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh và nuôi tôm kết hợp trồng lúa chất lượng cao đang được nhân rộng tại các địa phương tỉnh Bạc Liêu”.
*P/V: Qua thực tiễn chỉ đạo, điều hành theo ông đâu là những vấn đề trọng tâm cơ bản cần phải chú trọng để đạt kết quả tăng trưởng bền vững?
- Ông Phạm Vă Thiều: Như tôi đã nói, hệ sinh thái tự nhiên hình thành, tồn tại là do nguồn nước. Do đó, phát triển kinh tế trên cơ sở hoạch định theo hệ sinh thái tự nhiên thì việc quan trọng nhất là các biện pháp kiểm soát, bảo vệ chất lượng nguồn nước và điều tiết nguồn nước hợp lý.
Trên thực tế, việc điều tiết nguồn nước đối với sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, nhất là ở khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm như tiểu vùng kinh tế nội địa và vùng Nam Quốc lộ 1A. Chúng tôi đã nghiên cứu và xác định môi trường nước ở tiểu vùng nội địa chia thành 2 vùng có đặc điểm nguồn nước khác nhau được phân chia theo 2 vùng rõ rệt, cụ thể là: Vùng nước ngọt hoàn toàn (Vùng sản xuất lúa ổn định) có diện tích 77.200ha bao gồm tam giác Ninh Qưới và phía Bắc kênh Cà Mau - Bạc Liêu (phạm vi giới hạn đoạn kênh từ kinh xáng “Giá Rai – Cạnh Đền” hướng về phía giáp tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang) và vùng lợ có diện tích 79.900ha bao gồm và phía Bắc kênh Cà Mau - Bạc Liêu (phạm vi giới hạn đoạn kênh từ kinh xáng “Giá Rai – Cạnh Đền” hướng về phía giáp tỉnh Cà Mau và Kiên Giáng, Hậu Giang) chất lượng nước ở 2 vùng này phụ thuộc vào thời tiết; nước mặn từ biển Tây và truyền triều từ phía biển Đông đưa vào; nước ngọt đổ về từ phía tỉnh Sóc Trăng chảy qua kinh xáng Quản lộ - Phụng Hiệp và sự điều tiết nước của các cống thủy lợi dọc theo tuyến quốc lộ 1A. Vùng mặn 109.700 ha là vùng phía Nam quốc lộ 1A (phạm vi giới hạn từ kênh Cà Mau - Bạc Liêu hướng ra biển Đông).
Từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế theo hệ sinh thái tự nhiên chúng tôi khẳng định: Cùng với việc tuân thủ các nguyên tắc trong quản lý, triển khai các dự án theo đúng quy hoạch, đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường đúng quy định thì việc tiếp tục đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng thủy lợi để đảm bảo yêu cầu chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất – nhất là sản xuất nông nghiệp, rất cần thiết và phải tiếp tục được đầu tư đúng mức.
*P/V: Xin cảm ơn ông!
HÙNG LONG (thực hiện)