Tác nhân gây dị ứng trong nhà mùa đông
(Suckhoemoitruong.com.vn) - Bệnh dị ứng thường gắn liền với mùa xuân và mùa hè, nhưng mùa đông cũng có những dị nguyên riêng, với mạt bụi nhà và nấm mốc trở thành nỗi lo cho không ít gia đình có người bị viêm mũi và viêm kết mạc dị ứng.
Bạn có thể đang “chung giường” với hàng triệu con mạt bụi không nhìn thấy được bằng mắt thường. Tuy không mang bệnh, song nhiều người bị dị ứng với chất thải của chúng.
Ngủ với mạt bụi
Mạt bụi là những động vật nhỏ chỉ có thể nhìn được qua kính hiển vi, ẩn náu trong bụi nhà. Đệm, thảm và những đồ đạc được bọc kín là nơi trú ẩn lý tưởng cho mạt bụi vì chúng rất ưa không khí ấm và ẩm. Vì thế khi nhà được sười ấm vào mùa đông thì mạt bụi cũng tìm được môi trường hoàn hảo để sinh sôi nảy nở.
Mỗi người phản ứng với mạt bụi nhà ở mức độ khác nhau. Có những người chỉ bị nhẹ như thi thoảng hắt hơi, chảy nước mắt nước mũi. Một số người khác không may tình trạng bệnh có thể trở thành mạn tính, thở khò khè dai dẳng, ngạt mũi, nặng mặt và ho. Những người bị hen có thể bị đau ngực và thở rít, mất ngủ do khó thở và ho từng cơn.
Viêm xoang là một biến chứng khác của dị ứng mạt bụi nhà. Viêm mạn tính các mô vùng mũi có thể làm tắc nghẽn các xoang, làm tăng khả năng viêm xoang cvaf các nhiễm trùng khác.
Nhiều người coi giường ngủ như một nơi ẩn náu, thì mạt bụi cũng vậy. Tùy theo tuổi của đệm giường, nó có thể trở thành nơi trú ẩn cho khoảng 1 đến 10 triệu con mạt.
Và đáng sợ hơn, cân nặng của đệm giường có thể tăng gấp đôi trong 10 năm do chất thải của mạt bụi. Gối nằm cũng tương tự - trọng lượng của gối có thể tăng khoảng 10% sau mỗi một năm.
Sống cùng nấm mốc
Nấm mốc thường phát triển ở những nơi ấm và ẩm. Các bề mặt ẩm trong phòng tắm hoặc quanh cửa sổ, thảm, khăn v.v.. là những nơi cư trú lý tưởng cho nấm mốc.
Nầm mốc là nguyên nhân gây viêm da hoặc niêm mạc, và trong một số ít trường hợp nó có thể gây viêm phổi quá mẫn do các bào tử nấm trong không khí bị hít vào phổi gây viêm phổi.
Ngoài mạt bụi và nấm mốc, nhiều người còn bị dự ứng với lông chó và mèo, tuy nhiên, thủ phạm thực sự gây dị ứng với những vật nuôi trong nhà này lại là nước bọt hoặc gàu (vảy da chết) của con vật.
Các bác sĩ có thể điều trị triệu chứng dị ứng bằng thuốc giảm sung huyết, kháng histamin, corticosteroid hoặc tiêm những liều nhỏ chất gây dị ứng để giải mẫn cảm. Tuy nhiên, hiện chưa có cách nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh dị ứng.
Dưới đây là một số bí quyết đơn giản để làm giảm nguy cơ phơi nhiễm với tác nhân gây dị ứng trong nhà:
- Bật quạt thông gió/máy hút mùi khi tắm hoặc nấu ăn để loại trừ hơi ẩm và mùi thức ăn trong nhà. Bật chứng 30 phút những nhớ chỉ mở hé cửa sổ để quạ không “hút” không khí từ các hốc tường và kéo theo chất ô nhiễm.
- Hút bụi cho thảm và các đồ đạc không dùng đến để giảm lượng mạt bụi và dị nguyên từ vật nuôi. Lau rửa sàn nhà cũng là biện pháp hiệu quả.
- Thường xuyên rửa tay, nhất là sau khi chơi với vật nuôi để giảm phơi nhiễm với tác nhân gây dị ứng từ động vật.
- Giặt chăn ga gối và quần áo mặc nhà bằng nước nóng (khoảng 50 độ C) một lần mỗi tuần để
diệt mạt bụi.
- Nhiều dị nguyên lọt vào nhà qua giày dép và được gieo rắc khắp nhà khi ta đi lại. Hãy tháo giày và ủng trước khi qua cửa và đổi sang dép đi trong nhà.
- Cần giữ cho phòng ngủ “sạch” hết mức có thể, không trải thảm, để vật nuôi hoặc trồng cây trong phòng ngủ để tránh mạt bụi và nấm mốc. Bọc gối và đệm bằng tấm bọc đặc biệt để giảm số lượng mạt bụi.
- Lắp bộ lọc lò sưởi thích hợp có tác dụng lọc tác nhân dị ứng và đảm bảo quạt lò sưởi luôn bật..
- Giữ độ ẩm trong nhà ở mức 30-40% bằng máy tạo ẩm hoặc máy hút ẩm để ngăn ngừa nấm mốc và mạt bụi phát triển.
- Lau khô những chỗ đọng hơi nước sau khi tắm hoặc rửa bát.
- Thay nước và bộ lọc ở máy tạo ẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tránh nhiễm nấm mốc và vi khuẩn.
- Kiểm tra trong và ngoài nhà mỗi tháng một lần để phát hiện những chỗ bị mốc và những chỗ có nguy cơ cao mọc nấm mốc.
- Không trải thảm trong nhà tắm hoặc tầng hầm, hoặc những phòng mà bạn sẽ ngồi bệt luôn xuống sàn cứng.
Theo MedicalNewsToday