Tăng 48 bậc, Việt Nam xếp thứ 14 về Chỉ số Phục hồi Covid-19
Việt Nam thăng hạng ấn tượng
Theo dữ liệu Chỉ số Phục hồi Covid-19 (Covid-19 Recovery Index) mà Nikkei công bố cho tháng 5, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14. Sự cải thiện lớn nhất là ở nội dung tính nghiêm ngặt trong quy định, sau khi Việt Nam cho phép sinh viên trở lại trường đại học và doanh nghiệp mở cửa trở lại. Nikkei lưu ý, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn tất cả các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly cho khách du lịch nước ngoài.
Theo Nikkei, nhập cảnh dễ dàng hơn nhờ quay lại quy tắc đi lại trước khi Covid-19 bùng phát. Theo đó, trở về Việt Nam từ California, Mỹ, cây viết này mang giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19, xét nghiệm PCR âm tính và ứng dụng truy tìm vết trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nhân viên xuất nhập cảnh tại sân bay không xem bất kỳ giấy tờ nào kể trên mà chỉ yêu cầu cây viết này bỏ khẩu trang xuống giây lát. Tổng thời gian kiểm soát hộ chiếu chưa đầy 1 phút. "Giống như mọi chuyến bay khác mà tôi đến Việt Nam trước dịch Covid-19 năm 2020" - tác giả Lien Hoang nhận định.
Việt Nam đã ngừng yêu cầu kết quả xét nghiệm khi nhập cảnh vào ngày 15/5 - đánh dấu bước tiến trong nới lỏng các biện pháp ngăn ngừa Covid-19. "Điều đó có nghĩa là giờ đây chúng ta có thể vào Việt Nam như đã làm trước khi Covid-19 lây lan khắp thế giới. Đây là thành quả mà hầu như không nơi nào khác ở châu Á có thể có được" - cây viết của Nikkei ngợi ca. Sự thay đổi chính sách này mang lại tín hiệu tốt cho khách du lịch, các nhà quản lý chuỗi cung ứng và bất kỳ bên nào khác dựa vào luồng giao thông thông suốt qua biên giới. "Đây cũng là dấu hiệu đất nước đang trên con đường thoát khỏi đại dịch" - Lien Hoang viết.
Trong bài viết về việc thăng hạng của Việt Nam trong Chỉ số Phục hồi Covid-19 công bố ngày 3.6, Nikkei cũng chỉ ra, với hơn 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ và 60% được tiêm liều nhắc lại, Việt Nam nhận được 27/30 điểm về khả năng tiêm chủng. Vaccine Covid-19 được triển khai ở Việt Nam tính đến ngày 8/5 gồm 46% là vaccine mRNA do Pfizer và Moderna sản xuất, 28% là vaccine vector virus của AstraZeneca và 23% là vaccine thông thường từ nhà sản xuất Trung Quốc Sinopharm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bộ Y tế Việt Nam cho biết đủ liều vaccine Covid-19 để tiêm liều thứ 3 và thứ 4 cho những người đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên.
Hành khách khai báo y tế tại sân bay.
Nhiều kết quả tích cực ở châu Á
Cũng thăng hạng tương tự như Việt Nam, Philippines tăng 40 bậc trong bảng xếp hạng, lên vị trí thứ 33 nhờ lây nhiễm Covid-19 giảm. Số ca Covid-19 hằng ngày ở nước ngày giảm xuống dưới 200 ca trong tuần qua, không có ca tử vong nào được ghi nhận. Từ tháng 2, quốc gia Đông Nam Á này đã mở cửa trở lại biên giới cho du khách quốc tế tiêm chủng đầy đủ. Tuần này, Philippines cũng ngừng yêu cầu du khách nước ngoài đã tiêm liều nhắc lại phải trình kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính khi nhập cảnh.
Theo Philippine News Agency, lượng du khách hàng ngày nhập cảnh đã phục hồi lên khoảng 15.000 người, dù con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trước đại dịch là 45.000 được ghi nhận năm 2019. Trong nước, hoạt động kinh doanh về cơ bản đã trở lại và chính phủ đang khuyến khích tất cả các trường học trên cả nước tổ chức học trực tiếp từ tháng 6.
Theo chỉ số mà Nikkei vừa công bố, Campuchia và Hàn Quốc lần lượt dẫn đầu các quốc gia Châu Á khi ở vị trí thứ 2 và 8 trong Chỉ số phục hồi Covid-19 của Nikkei. Cả Campuchia và Hàn Quốc đều đang triển khai sống chung với virus và có tỉ lệ tiêm chủng cao.
Trung Quốc tăng một bậc lên vị trí thứ 93. Điểm số về tính di động của nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục 4,5/30, thấp nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác do Trung Quốc vẫn đang triển khai các biện pháp hạn chế để ngăn chặn bùng phát dịch bệnh. Số liệu mới nhất cho thấy lượng hành khách vận chuyển công cộng tại 36 thành phố lớn ở Trung Quốc đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Các chuyên gia của Economist Intelligence Unit nhận định, chính sách "zero-COVID" của Trung Quốc khó có thể kết thúc cho đến sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dự kiến được tổ chức vào tháng 11 năm nay. Điều này có nghĩa là biên giới của Trung Quốc sẽ vẫn đóng cửa trong thời gian tới, làm chậm sự phục hồi của ngành du lịch toàn cầu và thị trường Châu Á nói riêng.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong phục hồi du lịch năm 2023. "Chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới cho du lịch và đi lại quốc tế sau quý đầu tiên của năm 2023, giúp duy trì động lực của lượng khách quốc tế trên toàn cầu, nhà phân tích Ejaz Ahmed của EIU nêu trong hội thảo ngày 1.6.
Trong khi đó, theo kết quả mới công bố, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục giảm thứ hạng trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi Covid-19, xuống vị trí thứ 113 trong bối cảnh hòn đảo đang ứng phó với tăng lây nhiễm và tử vong do Covid-19.
SƠN HÀ