Tạo một hệ sinh thái xuất bản của Liên hiệp Hội Việt Nam
Như phát biểu khai mạc của PGS.TS Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch VUSTA đã nêu rõ: Tiềm năng của Liên hiệp Hội VN trong việc xuất bản các ấn phẩm mang hàm lượng tri thức cao là rất lớn với 3,7 triệu hội viên, trong đó có trên 2,2 triệu trí thức KH-CN, cùng một đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong và ngoài Liên hiệp Hội.
Toàn cảnh hội thảo. |
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức và cần những giải pháp đột phá.
6 tham luận tại Hội thảo đã đặt ra những vấn đề đó, trước hết là với NXB Tri Thức – “xương sống” xuất bản của VUSTA.
TS Lê Công Lương – Phó Tổng thư ký VUSTA nói về những tồn tại hạn chế nói chung của việc xuất bản sách KHKT, và NXB Tri Thức cũng không ngoại lệ, đó là: Chất lượng nội dung thiếu tính chuyên sâu, còn dàn trải, chưa cập nhật; khâu biên tập và hiệu đính chưa kỹ lưỡng; số lượng tác giả hạn chế, họ quan tâm đến bài báo khoa học nhiều hơn là viết sách, và không phải nhà khoa học nào cũng có khả năng truyền tải kiến thức dưới dạng sách; Thiếu hỗ trợ và đầu tư tài chính, trong khi chi phí cao và đầu ra kén độc giả; Công nghệ và hình thức xuất bản kém hấp dẫn, chưa tận dụng được công nghệ để xuất bản sách điện tử hay sách nói; Còn bị vi phạm bản quyền…
TS Nguyễn Thị Bích Lan - Viện trưởng Viện sáng tạo và chuyển đổi số thuộc VUSTA trình bày tham luận
Còn PGS.TS. Phạm Bích San – nguyên Phó Tổng thư ký VUSTA thì cho rằng NXB Tri Thức đã có một thời rực rỡ, hiện nay cũng tiếp nối được những tinh hoa, nhưng “chuyên nghiệp trong làm sách và nghiệp dư trong phát hành”, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của kinh tế thị trường nên khó có thể phát triển mạnh “đầu ra”. Cũng vì điểm yếu này mà NXB Tri Thức chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, nhiều đơn vị, tổ chức, ngay cả một số hội thành viên cũng không biết đến tên tuổi của một cơ quan xuất bản lớn thuộc Liên hiệp Hội, kéo theo sự hạn chế về “đầu vào”, về khách hàng như Chủ tịch Hội Thư viện VN – ông Nguyễn Hữu Giới chỉ ra.
Th.S Bùi Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc NXB Tri Thức đưa ra một số giải pháp tăng cường công tác xuất bản của VUSTA
Từ việc nhận dạng những tồn tại và hạn chế trong hoạt động xuất bản của Liên hiệp Hội, các đại biểu cũng đã đề xuất một số giải pháp để có thể phát triển cả về số và chất lượng ấn phẩm, khẳng định thương hiệu của NXB Tri Thức.
Một là: Nhà xuất bản Tri Thức và các thành viên trong Liên hiệp Hội Việt Nam cần/phải ưu tiên việc xuất bản sách và coi việc cung cấp kiến thức, tri thức cho nhân dân, các nhà khoa học, hội viên là nhiệm vụ chính trị hàng đầu/quan trọng.
Hai là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong mọi công đoạn của quá trình xuất bản, và xuất bản đa dạng ấn phẩm: sách in, sách điện tử, sách nói. Đồng thời quan tâm đến vấn đề bản quyền xuất bản.
Ba là: Chú trọng khâu “đầu vào”, cả về chất lượng và số lượng, bằng việc đầu tư nguồn nhân lực, cả tác giả, đội ngũ biên tập, biên dịch, và lực lượng phát hành.
Bốn là: Đặc biệt quan tâm đến việc định danh thương hiệu bằng việc giới thiệu sách, xây dựng và củng cố Tủ sách KHCN và Tủ sách Tinh hoa…
PGS.TS. Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch VUSTA chủ trì hội thảo
Và, một giải pháp căn cơ nữa, đó là, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của Liên hiệp Hội, rất cần có sự kết nối đa chiều giữa NXB Tri Thức với các tổ chức thành viên trong Liên hiệp Hội và các đơn vị có chức năng liên quan trong hoạt động xuất bản, để đẩy mạnh cả “đầu vào” và “đầu ra”, tạo ra một hệ sinh thái xuất bản trong thời đại chuyển đổi số đang trở thành một xu hướng tất yếu của kỷ nguyên mới.