Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi Năng lượng xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero”
Tham dự hội thảo có: GS.TS. NGND. Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; PGS. TS. Phạm Văn Lợi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo; ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; TS. Nguyễn Sỹ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Đặng Hoàng Mai, Ban chủ nhiệm Xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam giai đoạn 2030-2045; TS. Phạm Thị Mỵ, Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường; TS. Vũ Văn Doanh, Phó Trưởng khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; bà Trần Thị Giang, Tổng biên tập Tạp chí Tự động hóa Việt Nam; đại diện các cơ quan của Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia năng lượng, các doanh nhân, doanh nghiệp...
Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi Năng lượng xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero” |
Hội thảo nhằm chung tay cùng cả nước nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về tầm quan trọng của việc chuyển đổi năng lượng xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng toàn cầu. Thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, bao gồm các chính sách hỗ trợ, mô hình kinh doanh và công nghệ tiên tiến. Tạo cơ hội kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức và nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Đồng thời, đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết những thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Từ đó, góp phần xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển năng lượng xanh ở Việt Nam. Đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định và bền vững, giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch và nhập khẩu. Đồng thời, tạo ra cơ hội phát triển kinh tế mới thông qua việc đầu tư và phát triển các công nghệ và ngành công nghiệp năng lượng xanh.
Thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, tạo ra việc làm mới và cơ hội đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Qua đó, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với các thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết tại COP26 về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: “Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó sứ mệnh tiên phong của doanh nghiệp trong việc đầu tư và khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo như: Điện mặt trời trên mái nhà, điện gió, và năng lượng sinh khối. Việc chuyển đổi này không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn tăng tính tự chủ năng lượng và giảm chi phí dài hạn cho doanh nghiệp. Trách nhiệm của người dân về tiết kiệm năng lượng, sống thân thiện với môi trường bằng việc sử dụng thiết bị sử dụng ít năng lượng. Vai trò quan trọng của cơ quan báo chí trong việc truyền thông các chính sách phát triển năng lượng, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Toàn cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã trình bày tham luận “Chuyển dịch năng lượng và mục tiêu Net Zero trên thế giới: Bối cảnh đặt ra với Việt Nam”. PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ cho rằng:Chuyển dịch năng lượng nhằm đạt mục tiêu Net Zero là trọng tâm của các chính sách môi trường toàn cầu, không chỉ liên quan đến việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, mà còn đòi hỏi các quốc gia phát triển hệ thống năng lượng bền vững, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo và áp dụng công nghệ tiên tiến. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đã cam kết với các mục tiêu toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hiệp định như Thỏa thuận Paris.
PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã trình bày tham luận |
Để thực hiện chuyển dịch năng lượng nhằm thực mục tiêu phát thải ròng bằng "0", Việt Nam cần tiếp tục giảm cường độ carbon, đặc biệt khi đã cam kết chấm dứt phá rừng vào năm 2030, giảm 30% lượng khí thải mêtan, loại bỏ đầu tư vào điện than mới và mở rộng năng lượng tái tạo. Việt Nam cần ưu tiên đối phó với biến đổi khí hậu và đạt các mục tiêu phát triển như Chương trình cấp vùng cho Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào bảo vệ bờ biển và hỗ trợ sinh kế cho nông dân; Kế hoạch bảo vệ các đô thị ven biển và cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông; Chương trình giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Việt Nam cần đầu tư khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương 368 tỷ USD từ nay đến 2040, để thích ứng và giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu. Việc huy động vốn tư nhân và thực hiện các chính sách đúng đắn sẽ là chìa khóa để đạt được mục tiêu kép: trở thành quốc gia có thu nhập cao và đạt phát thải ròng bằng "0".
Chia sẻ về “Chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành công nghiệp ô tô”, ông Đặng Hoàng Mai, Ban chủ nhiệm Xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam giai đoạn 2030-2045 nêu bật một số định hướng về chuyển đổi năng lượng trong ngành công nghiệp ô tô, trong đó: Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để làm đầu vào cung cấp điện sạch cho hoạt động của ngành công nghiệp ô tô; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và khí thải cho các phương tiện giao thông; nghiên cứu xây dựng tiêu chí chứng nhận Nhãn sinh thái cho các phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn. quy chuẩn kỹ thuật cho ngành ô tô sử dụng năng lượng xanh mới và linh kiện phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện (như trạm sạc, cổng sạc, trạm bơm nhiên liệu); thu hút đầu tư cải tiến, nâng cấp công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm hợp chuẩn quốc tế.; xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính cho sản xuất và hoạt động của trạm sạc nhanh; các trạm bơm nhiên liệu xanh mới,… Dùng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) là giải pháp nhiên liệu tốt để giảm phát thải khí nhà kính. LNG cũng có triển vọng thay thế nhiên liệu diesel của các xe đầu kéo.
Ông Đặng Hoàng Mai, Ban chủ nhiệm Xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam giai đoạn 2030 -2045 |
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Sỹ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Việt Nam có nhiều thế mạnh về nguồn năng lượng như năng lượng hóa thạch, năng lượng từ thủy điện. Ngoài ra, trong thời gian tới, các Bộ, ngành cần nghiên cứu tới nguồn năng lượng hạt nhân để đảm bảo sự phát triển bền vững. Việc chuyển đổi năng lượng nhưng vẫn phải trên cơ sở các nguồn năng lượng sẵn có, làm chủ, thế mạnh của Việt Nam, liên quan đến khí, thủy. Nguồn năng lượng về gió và mặt trời không ổn định và khó lưu trữ, đặc biệt là truyền tải, vấn đề này cần có nghiên cứu sâu và có đầu tư. Thực tế, việc giảm phát thải ròng bằng 0 là tương đối khó, mà dần về 0 đã tạm được xem là hiệu quả. Chúng ta cần cập nhật tiếp cận ứng dụng các công nghệ tái tạo năng lượng mới, chuyển đổi xanh.
TS. Nguyễn Sỹ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và giám định công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo |
Trình bày tham luận “Phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo hướng đến Net Zero”, TS. Dư Văn Toán – Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo khẳng định: “Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, năng lượng cũng là một trong những ngành trọng điểm để đưa Việt Nam có khả năng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
TS. Dư Văn Toán cũng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh nổi bật như: Việt Nam cần xây dựng Chương trình khoa học công nghệ nghiên cứu về năng lượng xanh, NLTT, điện gió ngoài khơi từ về chính sách, pháp luật, quản lý đến đánh giá, khảo sát thực địa điện gió ngoài khơi, kinh tế, đầu tư điện gió ngoài khơi, kỹ thuật công nghệ điện gió ngoài khơi, các vấn đề môi trường trong phát triển điện gió ngoài khơi.
TS. Dư Văn Toán – Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo |
Nghiên cứu, xác lập và quy hoạch không gian biển cho phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi cấp quốc gia, cấp tỉnh gắn với phát triển bền vững: Cần tiếp tục đo gió và đánh giá tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh toàn vùng biển đặc quyền kinh tế nước ta; nghiên cứu và ban hành cơ chế thí điểm đột phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi đến năm 2030 giúp khởi động thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi khoảng 3-4 GW nhằm hoàn thiện chính sách phát triển ngành công nghiệp triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, kèm sản xuất H2 xanh.
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. NGND. Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra những mặt trái trong vấn đề chuyển đổi năng lượng. Cụ thể: Không thể phủ nhận đây là các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo song các nhà máy điện gió hay điện mặt trời đã bộc lộc không ít những nhược điểm. Điển hình như chi phí ban đầu của nhà máy điện gió và mặt trời so với nhà máy điện than cùng công suất thì tốn kém hơn nhiều bởi trang thiết bị hiện đại. Các năng lượng này hoàn toàn phụ thuộc vào thiên niên nên tính ổn định tác động lớn đến hiệu suất hoạt động. Diện tích đất và không gian sử dụng chiếm một lượng lớn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, nuôi trồng thủy sản đối với điện gió ngoài khơi. Đáng chú ý là vấn đề tuổi thọ của pin mặt trời và động cơ cánh quạt, vấn đề này sẽ tạo ra một nguồn chất thải khổng lồ rất khó xử lý. Chúng ta cần có biện pháp, giải pháp, quy hoạch hợp lý khi phát triển dạng nguồn năng lượng này.
GS. TS. NGND. Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Trình bày tham luận về “Phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo - Kinh nghiệm quốc tế và của một số địa phương ở nước ta về chuyển đổi năng lượng”, TS. Vũ Văn Doanh, Phó trưởng Khoa Môi trường Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Năng lượng xanh và năng lượng tái tạo đã giúp nhiều quốc gia khắc phục tình trạng thiếu điện, đảm bảo an ninh năng lượng, việc phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu cấp bách hành động chống biến đổi khí hậu của các nước. Như vậy, chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đang là xu thế tất yếu trong phát triển năng lượng, phát triển nguồn điện trên thế giới hiện nay. Tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW (mặt đất khoảng 837.400 MW, mặt nước khoảng 77.400 MW và mái nhà khoảng 48.200 MW), đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 168.594 - 189.294 MW, sản xuất 252,1-291,5 tỷ kWh.
TS. Vũ Văn Doanh, Phó trưởng Khoa Môi trường Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội |
Trình bày tham luận “Các chủ trương và chính sách chuyển đổi năng lượng xanh hướng tới mục tiêu Net Zero”, ThS. Trần Hà Ninh, Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh. Chủ trương, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đã được xác định từ sớm. Việt Nam cũng đã tham gia Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Ban hành Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 02/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng. Tham gia “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á”.
ThS. Trần Hà Ninh, Cục Biến đổi khí hậu |
Về nhiệm vụ và giải pháp giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam hướng tới tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Xây dựng công trình, nhà ở chống nắng nóng, sử dụng các giải pháp làm mát xanh. Sử dụng hiệu quả năng lượng trong giao thông vận tải. Tái cơ cấu thị trường vận tải, tăng hiệu suất vận tải. Chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng; triển khai hệ thống metro tại các đô thị lớn.
Cũng tại hội thảo, TS. Lê Ngọc Thuấn, Viện nghiên cứu Tài nguyên và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã trình bày tham luận “Sản xuất điện năng từ khí thải bãi chôn lấp chất thải rắn - lợi ích kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính”. Theo đó, quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là một trong những vấn đề ưu tiên trong công tác quản lý môi trường ở nước ta, đặc biệt là trong bối cảnh dân số gia tăng và các hoạt động kinh tế ngày càng phát triển. Hiện nay, công tác quản lý CTRSH được thực hiện theo hướng chủ yếu đó là chú trọng đến xử lý cuối cùng, tập trung vào thu gom, vận chuyển, xử lý và chú trọng đến việc tái chế chất thải, tập trung vào việc phân loại chất thải tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, đốt hoặc chôn lấp. Với hướng quản lý như trên dự kiến khối lượng chất thải mang đi chôn lấp sẽ hạn chế tối đa, thay vào đó là các giải pháp tái chế, tái sử dụng. Tuy nhiên trong giai đoạn trước, khối lượng CTRSH phát sinh được chôn lấp tại các bãi chôn lấp là rất lớn. Về mặt môi trường các bãi chôn lấp CTRSH là nguồn gây ô nhiễm tới môi trường nước, không khí, đất. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế nếu chúng ta biết tận dụng và thu hồi khí thải tại các bãi chôn lấp (LFG) có thể sẽ mang lại các giá trị kép đó là giá trị về kinh tế.
TS. Lê Ngọc Thuấn, Viện nghiên cứu Tài nguyên và Biến đổi khí hậu |
Tại tham luận “Các chính sách và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng hướng tới Net Zero trong bối cảnh Việt Nam”, PGS. TS. Phạm Văn Lợi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo chia sẻ: Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam bao gồm: Cần tập trung kinh phí, huy động chuyên gia trong và ngoài nước sớm sửa đổi, hoàn thiện các nội dung về chính sách đã được kiến nghị trong Kế hoạch huy động nguồn lực thục hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam và đối tác (JETP) đã được kiến nghị; Sớm triển khai các hành động hoàn thiện chính sách theo ngành, các hạng mục thuộc phạm vị của Tuyên bố chính trị JETP; Các hành động chính sách ưu tiên cần có lộ trình, kế hoạch và bố trí kinh phí triển khai khẩn trương, để CĐNLCB được thực hiện như nội dung đề ra tại Tuyên bố chính trị JETP có rất nhiều chính sách ở cấp vĩ mô (Luật, Chiến lược, Quy hoạch) và chính sách vi mô (theo các hạng mục ưu tiên của JETP) cần xem xét sửa đổi sơm và rút ngắn thời gian trong điều kiện kinh phí có hạn của quốc gia.
PGS. TS. Phạm Văn Lợi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo phát biểu |
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, cùng các sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã trao đổi, thảo luận về thực trạng, chia sẻ một số giải pháp liên quan đến chuyển đổi năng lượng, trong đó nổi bật là câu chuyện sử dụng năng lượng điện sạch đối với các phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam và những hành động nhỏ mang ý nghĩa lớn trong giới trẻ hiện nay. Tất cả, cùng chung quan điểm hướng tới mục tiêu Net Zero, giảm phát thải ròng bằng 0, phải cần có sự vào cuộc, chung tay, chung sức của toàn xã hội.
Kết luận tại Hội thảo, PGS. TS. Phạm Văn Lợi đã khẳng định hàm lượng khoa học tại hội thảo là rất chất lượng. Các bài tham luận đã tập trung chỉ ra 3 vấn đề chính gồm: Làm rõ nội hàm chuyển đổi năng lượng xanh cũng như vai trò của sự chuyển đổi này đối với cuộc sống; đánh giá khát quát thực trạng chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông, xử lý chất thải, trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan. Đặc biệt, các diễn giả đã chỉ ra ưu điểm, nhược điểm của các vấn đề; Các tác giả đã nêu bật cả giải pháp thiết thực để chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, PGS. TS. Phạm Văn Lợi cho rằng, vẫn còn những khoảng trống trong những văn bản, quy phạm pháp luật, vẫn còn những bất cập, vướng mắc như: tại Luật BVMT, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, quy định cơ chế chính sách hỗ trợ về BVMT, xử lý những chậm chễ, vi phạm nếu có.
"Chuyển đổi năng lượng xanh cần có sự chung tay của toàn xã hội trong đó vai trò quan trọng của Bộ TN&MT và các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương. Cần ứng dụng công nghệ hiện đại, phù hợp để chuyển đổi, nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, trong đó vai trò của Tạp chí TN&MT là cơ quan lý luận, khoa học hàng đầu của ngành tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, mong muốn các thế hệ trẻ quan tâm, dành nhiều thời gian học tập, nghiên cứu nâng cao nhận thức về thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường", PGS.TS. Phạm Văn Lợi mong muốn./.