Tham vấn dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Quy hoạch không gian biển quốc gia là một trong ba quy hoạch cấp quốc gia theo Luật Quy hoạch (bên cạnh Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia). Nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia là nhiệm vụ khó và phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.
Ảnh minh họa
Đây là quy hoạch đa ngành; phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển; định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển, giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Theo ông Ngân, quy hoạch này cụ thể hóa một số nội dung trong quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 36 NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự thảo Quy hoạch được lập trên cơ sở sử dụng tối đa thông tin, dữ liệu hiện có, thiết kế theo hướng mở và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển của đất nước. Quy hoạch dựa trên quan điểm xuyên suốt là phân vùng không gian biển dựa vào hệ sinh thái, tạo cơ sở và không gian liên thông cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối đất liền với biển, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Ngoài nội dung chính tham vấn ý kiến để bổ sung vào dự thảo Quy hoạch không gian biển kết hợp lần này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 11/NĐ-CP và Nghị định 40/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến Quản lý tổng hợp biển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường mong các các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý đóng góp ý kiến, đi sâu vào phân tích tiềm năng, lợi thế của các tỉnh; Các tỉnh tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình quản lý biển trong thời gian qua, đặc biệt quan tâm đến việc khơi thông các nguồn lực về tài nguyên biển để phục vụ cho phát triển kinh tế nhất là năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản, du lịch.
LƯƠNG BÁCH