Thành tích của Việt Nam trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 là “độc nhất vô nhị”
Theo bài viết, Việt Nam đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ cuối tháng 4/2020. Bệnh nhân số 91, một công dân Anh, 43 tuổi, phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines, hiện đang được hỗ trợ sự sống tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh và việc cứu bệnh nhân 91 đã trở thành ưu tiên của Việt Nam. Tình trạng của bệnh nhân này từng xấu đến mức đã có thời điểm chỉ còn khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động.
Bài viết nhấn mạnh thành công của Việt Nam không phải ngẫu nhiên. Việc có chung đường biên giới dài 1.450km với Trung Quốc và thường xuyên đón du khách từ Vũ Hán khiến Việt Nam có thể đối diện tình trạng "quá tải" các ca nhiễm. Tuy nhiên, Việt Nam đã hành động nhanh chóng và không chờ đến những cảnh báo chính thức từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước khi đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động kinh tế và tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, áp dụng các biện pháp truy dấu tiếp xúc và cách ly.
Giáo sư về bệnh truyền nhiễm Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (Anh) tại Việt Nam, nhận định: “Việt Nam hành động mau lẹ vì đã nhận thức rõ các mối nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm chưa được kiểm soát. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã phải chống chọi với sự bùng phát của dịch SARS, cúm gia cầm, sởi, sốt xuất huyết và dịch tay-chân-miệng. Người Việt Nam ý thức rõ về mối de dọa của các bệnh truyền nhiễm và biết rằng cần phải xử lý sớm dịch bệnh. Việt Nam đã chuẩn bị tốt”.
Một báo cáo về cách ứng phó của Việt Nam với đại dịch COVID-19, do Giáo sư Thwaites cùng khoảng 20 bác sỹ và nhà khoa học soạn thảo, đã kết luận rằng lệnh giãn cách xã hội được ban hành sớm, cộng với xét nghiệm trên diện rộng, truy dấu tiếp xúc và cách ly bắt buộc đối với người đã tiếp xúc với người nhiễm virus SARS-CoV-2 là những yếu tố giúp làm nên thành công của Việt Nam.
Biện pháp truy dấu tiếp xúc và cách ly đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh gần một nửa số ca nhiễm COVID-19 không có triệu chứng bệnh.
Giáo sư Thwaites cho biết nỗ lực truy dấu dịch bệnh của Việt Nam không phụ thuộc vào công nghệ tinh vi, mà theo cách “cổ” của dịch tễ học. Phần lớn các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 của Việt Nam là người nhập cảnh, trong đó có cả các công dân Việt Nam.
Giáo sư Thwaites cũng bày tỏ tin tưởng về độ chính xác của những thống kê số ca nhiễm thấp và không có trường hợp tử vong do COVID-19 tại Việt Nam, khi ông được tiếp cận với số liệu chính thức và qua chuyến thăm các bệnh viện.
*Trang mạng gavi.org của Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) số ra ngày 25/5 đã có bài phân tích về các lý do giúp Việt Nam kiểm soát thành công dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
GAVI là một tổ chức quốc tế được thành lập năm 2000 nhằm cải thiện khả năng tiếp cận với các loại vắcxin mới cho trẻ em sống tại các nước nghèo nhất.
GAVI nhận định trong khi các hệ thống y tế của một số nước giàu nhất gần như sụp đổ vì phải "căng ra" xử lý các ca nhiễm trong đại dịch, Việt Nam đã nhanh chóng ứng phó và kiểm soát dịch thành công. Đây có thể coi là một mô hình đáng học hỏi đối với các nước có thu nhập thấp khác.
Theo bài báo, với dân số hơn 97 triệu người, Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác như dịch viêm đường hô hấp cấp SARS, dịch viêm đường hô hấp vùng Trung Đông MERS, dịch sởi và dịch sốt vàng da.
Trong trường hợp dịch bệnh hiện nay, Việt Nam đã dựa trên bốn giải pháp hiệu quả, chi phí thấp để chống dịch, gồm xét nghiệm chiến lược, truy vết virus qua ứng dụng thông minh, các chiến dịch truyền thông công cộng hiệu quả, và lệnh cách ly toàn xã hội từ 1-22/4.
Bài báo nhận định ngay khi các ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ở ngoài tâm dịch Trung Quốc, Việt Nam đã lập tức hành động, giám sát chặt chẽ các khu vực biên giới để phòng tránh virus lây lan. Khi sau này phát hiện dịch COVID-19, Việt Nam đã cách ly các cộng đồng có ca nhiễm.
Khi virus lây lan ra khắp thế giới, Việt Nam đã áp dụng cách ly bắt buộc 14 ngày đối với người nhập cảnh, đồng thời hủy toàn bộ chuyến bay quốc tế. Những người có triệu chứng COVID-19 đều được theo dõi kỹ tại các cơ sở y tế và các tiếp xúc của họ đều được truy vết để áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp.
Bài báo cũng đánh giá cao vai trò của việc huy động nhanh chóng các chuyên gia y tế, công an, quân đội và các viên chức trong nỗ lực truy vết virus. Việc truy vết virus thành công cũng là nhờ áp dụng của công nghệ.
Một ứng dụng mang tên NCOVI đã được Bộ Thông tin và truyền thông (MIC) phát triển, cho phép người dân cập nhật thông tin về sức khỏe của mình hằng ngày, cũng như thông báo cho mọi người biết về các "điểm nóng" có các ca nhiễm mới và tuyên truyền các "thói quen tốt nhất" để bảo vệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn lập một hệ thống thông báo để theo dõi các ca nghi ngờ nhiễm và các ca đã được xác định nhiễm. Các nỗ lực kết hợp này đã đảm bảo rằng các ca nhiễm mới đều được thông tin và cách ly kịp thời.
Theo bài báo, Việt Nam đã không ngại thông tin rộng rãi về mức độ nghiêm trọng của dịch, thậm chí còn làm một video âm nhạc sau đó trở thành hiện tượng trên mạng. Được sự hỗ trợ của nhà nước, đoạn video này sử dụng một bài hát hấp dẫn để thông tin về tầm quan trọng của biện pháp rửa tay hằng ngày. Bài hát dễ nhớ, hiệu quả và đã được chia sẻ khắp thế giới.
Ngày 19/3, Việt Nam đã khởi động một chiến dịch gây quỹ để mua trang thiết bị, vật tư bảo hộ y tế cho những người phải tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19. Đến ngày 5/4, hơn 2,1 triệu lượt quyên góp được thực hiện thông qua nền tảng tin nhắn SMS. Tất cả các chiến dịch này đã giúp nâng cao cảnh giác của mọi người về đại dịch, cũng như giúp ngăn chặn virus lây lan.
Một số thông tin cho rằng Việt Nam không có ca tử vong vào vì chưa tiến hành xét nghiệm đầy đủ. Tuy nhiên, điều này không chính xác. Việt Nam đã mua 200.000 bộ xét nghiệm của Hàn Quốc, và hơn thế, các nhà khoa học Việt Nam đã nhanh chóng chế tạo thành công bộ xét nghiệm của mình trong vòng một tháng. Bộ xét nghiệm này được đánh giá là hiệu quả, nhanh chóng (có thể cho kết quả trong 1 giờ) và giá cả phải chăng.
Bốn nhân tố trên đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện chống COVID-19 thành công của Việt Nam. Thời gian sẽ trả lời liệu các biện pháp đó có tiếp tục giúp giảm số ca nhiễm hay không, nhưng mọi chuyện đang diễn ra theo chiều hướng này.
Đức Linh