Thế giới cần học San Francisco, thành phố đi đầu tái chế rác thải
(SK&MT) - Kinh tế phát triển, dân số không ngừng tăng đã khiến rác thải sinh hoạt và y tế tăng nhanh chóng. Điều đó khiến cho công nghệ xử lý rác thải truyền thống không còn đáp ứng được yêu cầu. Vì thế, việc chuyển sang sử dụng hệ thống thông minh xử lý chất thải đã được nhiều nước trên thế giới lựa chọn.
Trước thực trạng này, nhiều quốc gia như Anh, Phần Lan, Đan Mạch đã đưa vào vận hành hệ thống xử lý chất thải thông minh nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng rác trong tương lai.
Tại Mỹ, thành phố San Francisco đã triển khai nhiều biện pháp để hoàn thành mục tiêu từ nay đến năm 2020, 100% rác thải được tái chế hoặc ủ thành phân bón. Chỉ trong vòng có vài năm nay, San Francisco đã trở thành mô hình kiểu mẫu về xử lý rác thải được cả thế giới học tập.
Trong thành phố San Francisco, mỗi nhà hàng, khách sạn, căn hộ đều có 3 thùng rác : thùng rác màu xanh lá xây cho rác có thể ủ thành phân bón, thùng rác màu xanh da trời cho rác thải tái chế, thùng rác màu đen dành cho các loại rác thải còn lại. Mục tiêu của San Francisco là giảm các bãi rác và các lò đốt rác thải vốn tạo ra rất nhiều chất độc hại.
Để thay đổi thói quen của người dân mà không gặp quá nhiều trở ngại, chính quyền thành phố đã thông qua kế hoạch gồm nhiều bước, với mục tiêu trung gian là 75% rác thải được tái chế hoặc ủ thành phân bón vào năm 2010. Hiện giờ con số này là 80%. Ban đầu thành phố tập trung ưu tiên vào nhà hàng và khách sạn, những nơi thải ra nhiều rác hữu cơ nhất. Để hạn chế nhà hàng và khách sạn sử dụng thùng rác đen, thành phố đã chọn giải pháp thu phí xử lý rác thải theo kích cỡ thùng rác đen. San Francisco đã thành công. Những hộ dân nào muốn theo mô hình này đều được cấp 3 thùng rác với ba màu như trên.
` Hai biện pháp nêu trên cho phép tăng tỉ lệ rác thải tái chế từ 42% năm 2002 lên 60% năm 2005. Một năm sau đó, chính quyền lại nhắm vào lĩnh vực xây dựng, đặt chỉ tiêu tối thiểu 65% rác thải xây dựng phải được tái chế. Để bù lại, chính quyền cam kết sử dụng các nguyên liệu xây dựng tái chế cho các công trình xây dựng công của thành phố. Tiếp theo, San Francisco cấm các siêu thị sử dụng túi nilông đựng hàng vào năm 2009. Để đảm bảo là người dân làm đúng quy định, chính quyền thường xuyên cử người theo dõi, kiểm tra việc phân loại rác thải trong thành phố. Sau nhiều lần bị nhăc nhở, cảnh cáo, những người vi phạm sẽ bị phạt tiền.
Ngoài ra, San Francisco còn hợp tác với công ty Recology, chuyên về thu thập và phân loại rác thải, bán lại các sản phẩm tái chế. Phân bón ủ từ rác thải hữu cơ thì được nông dân rất ưa chuộng. Còn khí méthane thu được từ hệ thống ủ phân được dùng để sản xuất năng lượng.
Để kìm hãm đà phát triển của nạn ô nhiễm rác nhựa, thành phố San Francisco đã thực hiện một bước tiên phong khi trở thành thành phố đầu tiên ở Mỹ cấm hẳnviệc kinh doanh mặt hàng chai đựng nước bằng nhựa. Động thái này là một thành công của phong trào trên toàn cầu kêu gọi giảm thiểu số lượng rác thải chai nhựa trị giá hàng tỷ USD, đang hủy hoại môi trường này.Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từng phần trong vòng 4 năm tới đối với lĩnh vực kinh doanh các chai nhựa dùng đựng nước uống. Luật này có một ngoại lệ khi không áp dụng đối với loại chai đựng một số chất đặc biệt.
Chiến dịch “Think Outside the Bottle” (Tìm giải pháp khác ngoài chai nhựa), là một nỗ lực cấp quốc gia nhằm khuyến khích việc cấm sử dụng các sản phẩm không thân thiện với môi trường.Mặc dù nỗ lực này của thành phố San Francisco ít quyết liệt hơn hẳn so với lệnh cấm không sử dụng chai nhựa hoàn toàn ở 14 công viên quốc gia và một số trường đại học ở vùng Concord (bang Massachusetts), nhưng điều này cũng cho thấy rõ rằng thành phố này đang đi đúng hướng.Đây không hẳn là lần đầu tiên thành phố này ra sức ngăn chặn việc ô nhiễm rác thải nhựa, khi mà trong quá khứ, San Francisco đã từng cấm sử dụng túi nhựa và các hộp xốp.
Mức phạt hành chính đối với người vi phạm quy định này là 1.000 USD. Số tiền này lẽ dĩ nhiên sẽ được dùng vào các chương trình khuyến khích người dân sử dụng chai thủy tinh có thể tái sử dụng.
San Francisco có lẽ đang là thành phố tái chế nhiều rác thải hơn các thành phố khác, tuy nhiên ô nhiễm do rác thải nhựa vẫn phải cần bị chặn đứng. Có lẽ chỉ trong tương lai gần thôi, các thành phố khác cũng sẽ học hỏi từ người tiên phong này để xóa sổ hoàn toàn rác thải nhựa.
Nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp cho biết điểm thu hút khách du lịch đến San Francisco giờ không phải là cầu Cổng Vàng hay nhà tù Alcatraz nữa, mà đó là trung tâm tái chế rác thải.
Linh Đức