Thế giới cần xác định phải chung sống với Covid-19 lâu dài
Theo Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus, vào thời điểm đó, không ai có thể hình dung chủng virus corona mới sẽ đẩy thế giới và cuộc sống của chúng ta vào tình trạng rối loạn như thế nào. Đến nay, đã có hơn 10 triệu người mắc bệnh, trong đó hơn 500 nghìn người đã tử vong. Ông Ghebreyesus khẳng định, từ khi dịch Covid-19 lan rộng, WHO và các đối tác đã làm việc không ngừng nghỉ để hỗ trợ tất cả các quốc gia trên thế giới chuẩn bị ứng phó và ứng phó với virus SARS-CoV-2. WHO cho rằng, lúc này là thời điểm để thế giới suy nghĩ về những tiến bộ và bài học mà chúng ta đã có được trong thời gian qua.
Tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 29/6, ông Ghebreyesus cho rằng, vấn đề quan trọng mà các nước phải đối mặt trong những tháng tới là làm thế nào để chung sống với virus SARS-CoV-2. WHO gọi đó là trạng thái bình thường mới. Nhiều quốc gia đã triển khai các biện pháp chưa từng có để kiểm soát sự lây nhiễm và cứu sống người dân. Những biện pháp này đã thành công trong việc làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 nhưng không hoàn toàn ngăn chặn được chủng virus này.
Ông Ghebreyesus đánh giá, dù nhiều quốc gia đã đạt được một số bước tiến trong ứng phó Covid-19, nhưng trên thực tế, đại dịch vẫn đang tăng tốc trên toàn cầu. Một số nước đang chứng kiến dịch bệnh tái bùng phát khi chính phủ bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế và xã hội.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, bước quan trọng nhất trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 là truy vết tiếp xúc của người nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, đã thành công trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 bằng cách truy vết tiếp xúc của người bệnh Covid-19. Tổng Giám đốc WHO cho rằng, có thể truy vết tiếp xúc của người bệnh ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt nhất. WHO từng ngăn chặn Ebola bùng phát tại miền đông Congo bằng cách truy vết 25 nghìn người/ngày tại một khu vực hẻo lánh, nơi có khoảng 20 nhóm vũ trang đang giao tranh.
Cũng tại cuộc họp báo này, ông Ghebreyesus thông báo, WHO sẽ cử một nhóm công tác tới Trung Quốc vào tuần tới để tìm hiểu nguồn gốc của đợt bùng phát dịch Covid-19. “Chúng ta có thể ứng phó tốt hơn với virus (SARS-CoV-2) khi chúng ta biết tất cả mọi thứ về chủng virus này, trong đó có cả việc virus đã xuất hiện như thế nào”, Tổng Giám đốc WHO nói.
L.Đ