Thế giới chạy đua sản xuất ‘vũ khí’ chống coronavirus
Thế giới sẽ chờ ít nhất một năm để có văcxin đối phó với bệnh viêm phổi cho chủng virus corona mới
Nhóm khoa học gia Australia thuộc Viện Peter Doherty về Nhiễm trùng và Miễn dịch giờ đây sẽ chia sẻ virus mới nuôi cấy này với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Châu Âu để WHO chia sẻ với các phòng thí nghiệm trên toàn cầu tham gia trong cuộc đua quốc tế nhằm phát triển vaccine ngăn ngừa coronavirus. Nhóm nghiên cứu này đã nuôi cấy virus từ mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân bị nhiễm corornavirus hôm 24/1.
Trong khi đó,giáo sư Yuen Kwok-yung thuộc Đại học Hong Kong hôm 29/1 tuyên bố nhóm của ông đang chế vaccine chống coronavirus. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm này cho hay nhóm nghiên cứu của ông đã phát triển một loại vaccine cho virus Vũ Hán nhưng cần thời gian để thử nghiệm trên động vật. Dù không nói rõ phải mất bao lâu nữa, nhưng giáo sư Yuen cho hay thí nghiệm trên động vật phải nhiều tháng ròng và sau đó phải mất ít nhất 1 năm nữa để thử nghiệm lâm sàng trên con người trước khi đưa vào sử dụng.
Loại vaccine này được bào chế dựa trên vaccine chống cúm xịt qua đường mũi, vốn cũng là sản phẩm của nhóm giáo sư Yuen. Nếu thử nghiệm thành công, vaccine mới sẽ là câu trả lời cho đợt bùng phát dịch vốn đã khiến hơn 7000 người trên toàn cầu bị nhiễm và giết chết 170 người tại Trung Quốc.
CEO của tập đoàn dược phẩm khổng lồ Norvatis tin rằng phải mất ít nhất 12 tháng thế giới mới có thể tìm ra được loại vaccine chống lại chủng coronavirus mới này. Ông Vas Narasimhan, CEO của Norvatis nói “Tôi nghĩ thực tế phải mất ít nhất 12 tháng chúng ta mới có thể tìm ra được vaccine chống loại virus mới này, chúng ta cần áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch để ổn định tình hình”.
Các nhà khoa học tại Trung Quốc và Mỹ cũng đang có những nỗ lực riêng rẽ chạy đua với thời gian nhằm sản xuất ra vaccine chống coronavirus.
Nga cho hay đã nhận được mẫu gen của coronavirus từ Trung Quốc và đang hợp tác để cùng phát triển vaccine nhằm đối phó với đợt bùng phát dịch vốn đang ngày càng phát triển về quy mô, cũng như mức độ nguy hiểm.
Không như những đợt bùng phát dịch Ebola, Zika hay Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), khi đó việc sản xuất vaccine mất vài năm, Trung Quốc đã nhanh chóng cung cấp mã gen của chủng virus nCoV-2019, giúp các nhà khoa học nhanh chóng bắt tay nghiên cứu nguồn gốc của chủng virus mới, khả năng biến đổi, cũng như cách để đối phó.
Với sự tiến bộ của công nghệ và cam kết hỗ trợ nghiên cứu chống dịch bệnh của các nước, các cơ sở nghiên cứu đã nhanh chóng bắt tay vào hành động.
Tại phòng nghiên cứu của Công ty công nghệ sinh học Inovio ở San Diego, Mỹ, các nhà nghiên cứu đã phát triển loại văcxin có tên INO-4800, dự kiến bắt đầu thử nghiệm trên người vào mùa hè năm nay. Kate Broderick, lãnh đạo cấp cao phụ trách nghiên cứu và phát triển tại Inovio, cho biết ngay khi Trung Quốc cung cấp mã gen của chủng virus mới, "chúng tôi đã đưa nó qua công nghệ máy tính phòng thí nghiệm và thiết kế ra một loại vaccine trong vòng ba giờ".
"Vaccine ADN của chúng tôi rất mới ở việc chúng sử dụng chuỗi ADN từ virus để nhắm vào các phần cụ thể của mầm bệnh mà chúng tôi cho rằng cơ thể sẽ có phản ứng mạnh mẽ nhất. Sau đó, chúng tôi dùng các tế bào của chính bệnh nhân làm nhà máy sản xuất văcxin, củng cố cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể" - bà Broderick giải thích.
Inovio cho biết nếu thử nghiệm ban đầu thành công, họ sẽ tiến hành thử nghiệm lớn hơn vào cuối năm nay.
Các nghiên cứu vaccine nói trên do Liên minh cải tiến sẵn sàng chuẩn bị đối phó đại dịch (CEPI) tài trợ. CEPI được thành lập cách đây ba năm, sau đợt bùng phát dịch Ebola ở châu Phi, và được các tổ chức và chính phủ nhiều nước tài trợ.
CEPI cũng đang tài trợ cho hai chương trình nghiên cứu vaccine chống chủng virus corona mới tại Đại học Queensland, Australia, và chương trình phối hợp giữa Viện các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia (NIAID) Mỹ và Công ty Moderna. NIAID cho biết họ có thể rút ngắn thời gian đưa vaccine ngừa virus nCoV-2019 vào thử nghiệm lâm sàng ở người xuống còn 3 tháng nhờ tiến bộ công nghệ phát triển từ dịch SARS trước đây.
Tại Trung Quốc, Công ty Clover Biopharmaceuticals thậm chí công bố kế hoạch tham vọng hơn là phát triển loại vaccine dựa trên protein của virus corona và có thể đưa vào thử nghiệm trong vài tuần tới. Trung Quốc cũng đang bắt tay với Nga để phát triển vaccine chống chủng virus nCoV-2019.
Tỉ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma đã tuyên bố tài trợ 100 triệu nhân dân tệ, khoảng 14 triệu USD, trong đó gần một nửa sẽ dành cho việc phát triển vaccine chống virus nCoV-2019.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng dù đẩy mạnh việc phát triển vaccine, việc thử nghiệm và sản xuất sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức khác. Do đó, thế giới phải chờ ít nhất một năm nữa mới có thể có được loại accine hiệu quả để đối phó với virus nCoV-2019.
Tính tới thời điểm hiện tại, tỷ lệ lây nhiễm của coronavirus đã vượt qua dịch SARS năm 2003.
Linh Đức