Thế giới vẫn còn 263 triệu trẻ em chưa được đi học
(SK&MT) - Báo cáo mới nhất về giáo dục công bố ngày 15/07/2016, của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), cho biết, 263 triệu trẻ em trên toàn thế giới không được đi học, thậm chí một phần tư trong số này không được đi học tiểu học.
Nếu như khu vực Nam Phi là vùng có tỷ lệ trẻ không được đến trường cao nhất trên toàn thế giới, thì Nam Á ngày càng có số lượng trẻ thất học nhiều hơn, chiếm một phần ba trên tổng số 263 triệu trẻ không được đi học. Tại vùng này, ít nhất là một nửa trẻ không được đến trường, đặc biệt tại ba nước Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, trong đó Ấn Độ có đến 47 triệu em không được đi học, có nghĩa là một nửa trẻ em Ấn Độ thất học. Một điểm đặc biệt khác tại Nam Á là tỷ lệ trẻ em nam và nữ được đi học chênh lệch rất cao. Cơ hội được đến trường của các em nam cao gấp ba lần so với các em nữ. Chính vì vậy, 5 triệu bé gái dưới 11 tuổi không được đến trường vì các gia đình thường xuyên cho rằng không cần cho các bé gái đi học vì còn làm việc nhà.
Nhiều trẻ em thất học sống trong các khu vực có xung đột. Số khác là trẻ em gái sống ở những xã hội không coi trọng giáo dục cho giới nữ. Số còn lại sống ở những quốc gia không bắt buộc phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Xung đột vũ trang là rào cản chính đối với giáo dục - UNESCO nhận định. Khoảng 22 triệu trẻ em ở độ tuổi tiểu học trên toàn thế giới đang sống ở những khu vực có xung đột và không được đi học. Nhiều trẻ ở vùng Hạ Sahara của châu Phi cũng không đến trường. Cũng tại khu vực này, cứ 5 trẻ ở tuổi trung học cơ sở thì có 3 trẻ không đến lớp.
Tại phần lớn các nước trên thế giới, giáo dục tiểu học và các lớp đầu của chương trình giáo dục trung học cơ sở là bắt buộc. Tuy nhiên, các lớp ở trình độ cao hơn của chương trình giáo dục trung học cơ sở là không bắt buộc. Trẻ ở độ tuổi cuối trung học cơ sở thường nằm trong tuổi lao động hợp pháp.
Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova kêu gọi tập trung vào chính sách giải quyết rào cản khiến trẻ không thể đến trường, đặc biệt chú ý đến đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất là trẻ em gái. Theo bà Irina Bokova, sự bất bình đẳng về địa vị xã hội, giới tính và các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang là những rào cản chính khiến các em không được tiếp cận với giáo dục. Người đứng đầu UNESCO cho rằng, thực tế hiện nay đang đặt ra những thách thức lớn đối với LHQ trên con đường tiến tới mục tiêu tất cả trẻ em trên thế giới phải được đi học vào năm 2030.
UNESCO hối thúc chính phủ các nước tập trung giải quyết rào cản khiến trẻ không thể đến trường, đặc biệt chú ý đến đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất là trẻ em gái. Cùng với đó, UNESCO kêu gọi sự tiếp tục hợp tác trong triển khai những dự án, chiến dịch do LHQ phát động nhằm bảo đảm mọi trẻ em đều được hưởng quyền đến trường đầy đủ của mình. UNESCO ước tính cần đầu tư 39 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030 để mọi thanh thiếu niên trên toàn thế giới có cơ hội đi học cấp hai./.
Linh Đức