Thí sinh hồi hộp bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT
Thí sinh vào phòng thi, bắt đầu dự thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
Sáng 28/6, Đinh Ngọc Chiến, Trường Trung học phổ thông Trương Định dậy từ 3 giờ sáng. Em mở sách vở xem lại một lần nữa kiến thức môn Ngữ văn. Chỉ vài tiếng nữa em sẽ phải làm bài thi môn này, môn đầu tiên của Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, kỳ thi được đánh giá là bước ngoặt sau 12 năm miệt mài đèn sách.
Dù 7 giờ mới vào phòng thi nhưng từ 6 giờ, nhiều thí sinh và phụ huynh đã có mặt tại các điểm thi. Hồi hộp và lo lắng là tâm trạng chung của các sỹ tử.
Phùng Nguyễn Hải Vy, thí sinh điểm thi Trung học phổ thông Trần Phú cho biết em đã ôn thi khá kỹ nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác hồi hộp khi bước vào phòng thi. “Em và gia đình đều khá kỳ vọng vào kết quả kỳ thi này để xét tuyển đại học,” Vy chia sẻ.
Lê Mai Tú Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Nam-Ba Lan cũng cho biết điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông là phương thức xét tuyển chính của em vào nhóm ngành truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Khối xét tuyển Tú Anh hướng đến là D78 với ba bài thi Khoa học Xã hội, Ngữ văn và Tiếng Anh, trong đó bài thi Khoa học Xã hội gồm ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và điểm bài thi này sẽ bằng điểm của ba môn cộng lại chia ba. Tổng số môn Tú Anh phải tập trung ôn để dành điểm cao nhằm xét tuyển đại học vì thế lên đến 5 môn.
Thí sinh chờ gọi vào phòng thi. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+) |
“Phải ôn nhiều môn trong khi năm ngoái, điểm chuẩn đầu vào lên đến hơn 9 điểm mỗi môn mới đỗ nên em cũng bị áp lực,” Tú Anh nói. Với 5 môn thi, Tú Anh cho biết em phải sắp xếp thời gian cân đối cho từng môn. Ngoài việc học ở trường, thay vì đến các lớp học thêm trực tiếp, nữ sinh chọn học các khóa học online.
“Từ chiều qua em không ôn gì nữa để giữ tinh thần thoải mái trước khi bước vào kỳ thi,” Tú Anh chia sẻ. Theo Tú Anh, em đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ vào các trường Đại học Văn hóa và Đại học Phenikaa nhưng đây chỉ là các phương án dự phòng.
Như Tú Anh, Lê Hoàng Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ cũng đã trúng tuyển vào Đại học Thủy lợi và Học viện Nông nghiệp Việt Nam bằng phương thức xét tuyển sớm, nhưng nguyện vọng một của nam sinh này lại là ngành kỹ thuật hàng không của Đại học Bách khoa. Năm ngoái, điểm chuẩn tổ hợp Toán-Lý- Hóa của ngành này là trên 24 điểm.
Yên tâm về môn Toán nhưng vẫn khá lo ở môn Vật lý, Hoàng Anh bảo em rất hồi hộp và khá run khi đây là kỳ thi quyết định sau 12 năm học tập. Để đạt nguyện vọng một em phải có điểm số khá cao.
Lo lắng cũng là tâm trạng của thí sinh Lê Hiền Anh, điểm thi Trường Trung học cơ sở Hoàng Liệt dù nói như Hiền Anh, em đã có đến 12 năm chuẩn bị và đã dành hết sức lực trong những tháng ngày trước thi. Trong giai đoạn nước rút, toàn bộ thời gian em đều dành cho việc học. Một ngày của Hiền Anh bắt đầu từ việc đến trường lúc 6 rưỡi sáng và rời trường lúc 17h10, em tiếp tục tham gia các lớp học thêm trực tiếp đến khoảng 22-23h, sau đó về nhà ăn uống, vệ sinh, tiếp tục học đến khoảng 2-3 giờ sáng.
Dù đã nộp hồ sơ xét tuyển sớm vào Học viện Ngân hàng và Đại học Thương mại nhưng Hiền Anh bảo mục tiêu của em là trở thành tân sinh viên của Đại học Kinh tế quốc dân hoặc Học viện Ngoại giao nên em đã dồn hết tâm sức vào kỳ thi tốt nghiệp để có kết quả thi tốt nhất xét tuyển vào hai trường này.
“Em ngủ khá ít, nhưng những ngày cao điểm này phải nỗ lực. Cả ngày hôm qua em đã nghỉ ngơi, chuẩn bị tinh thần và sức khỏe cho buổi thi hôm nay. Áp lực nhưng cũng phải giữ tâm lý thoải mái mới thi tốt được. Cố gắng để hết ngày mai được xả hơi,” Hiền Anh nói.
Cố gắng để thi tốt vì đích đã cận kề cũng là chia sẻ của Khúc Linh Chi, học sinh Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ: “Em chỉ xét tuyển đại học bằng điểm kỳ thi này nên hơi áp lực và lo lắng, nhưng em cũng cảm thấy vui vì cuối cùng đã sắp xong chuỗi ngày căng thẳng ôn thi".
Đúng 7 giờ 35 phút, tiếng trống trường vang lên, giờ làm bài của thí sinh bắt đầu.