Thu được tín hiệu nghi của hộp đen MH370 tại vị trí máy bay liên lạc lần cuối
(Suckhoemoitruong.com.vn) - Chiến dịch tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích dường như đã đạt được bước đột phá, khi các nhà điều tra khẳng định đã tiến “rất gần” việc tìm thấy máy bay, và điểm thu được tín hiệu hộp đen trùng với vị trí máy bay phát tín hiệu cuối cùng lên vệ tinh.
Những phân tích trước đây cho thấy, trước khi mất tích hoàn toàn, MH370 dường như đang phát một tín hiệu liên lạc lên vệ tinh nửa chừng thì tắt lịm. Đây được cho là thời điểm máy bay đã cạn nhiên liệu và lao xuống Ấn Độ Dương.
Vị trí số 2 là nơi tàu Úc phát hiện tín hiệu xung điện, cách vị trí số 1 nơi tàu Trung Quốc thu được tín hiệu khoảng 600km
Theo nguồn tin của tờ Telegraph, vị trí liên lạc cuối cùng này dường như trùng với khu vực mà các quan chức khẳng định đã tiến “rất gần” việc tìm thấy máy bay, sau khi thu được những tín hiệu dưới nước kéo dài suốt hơn 2 giờ.
Bước đột phá trong quá trình tìm kiếm đã giúp các nhà phân tích có thêm những mảnh ghép để hoàn tất chuỗi sự việc diễn ra trong khoảnh khắc cuối cùng của máy bay, vốn được cho là đã cạn nhiên liệu, sau đó với chút năng lượng cuối cùng còn lại đã phát đi một tín hiệu không hoàn chỉnh lên vệ tinh trước khi lao xuống nước.
Trong bối cảnh đó, có thể máy bay đã lượn trên không, và bị lật ngửa, thay vì lao cắm đầu xuống nước.
Ông Angus Houston, chỉ huy lực lượng tìm kiếm quốc tế cho biết một tàu hải quân Úc đã phát hiện 2 tín hiệu xung điện, phát ra âm thanh “giống như một bộ phát tín hiệu cấp cứu”. Diễn biến này được ông Houston khẳng định là “một đầu mối hứa hẹn”.
Những tín hiệu đầu tiên được ghi nhận hôm thứ Bảy vừa qua, và kéo dài 2 giờ 20 phút. Tàu Ocean Shield của Úc sau đó mất liên lạc với những tín hiệu “ping” này, nhưng đã quay đầu lại, và lại thu được tín hiệu trong vòng 13 phút nữa. Sau đó, tàu lại mất tín hiệu và cho tới đêm qua (7/4) tiếp tục tìm cách tái định vị tín hiệu này.
Một điều đáng chú ý, theo ông Houston đó là, những tín hiệu thu được trong đợt sau có hai âm thanh riêng biệt, và điều này là phù hợp với quá trình phát sóng từ hai thiết bị phát tín hiệu ping khác nhau, một gắn trên hộp đen máy bay và một gắn trên bộ ghi âm buồng lái.
Các tín hiệu mới này có vẻ không liên quan tới những tín hiệu được một tàu Trung Quốc phát hiện cách đó khoảng 600 km về phía Nam.
“Từ đầu cuộc tìm kiếm đến nay, đây có lẽ là thông tin tốt nhất chúng tôi có được”, ông Houston nói. “Chúng tôi cảm thấy rất được khích lệ khi chúng tôi đã rất gần đích cần phải đến. Tôi muốn có thêm những sự xác nhận trước khi có thể nói “đây chính là hộp đen””.
Lực lượng tìm kiếm cần định vị được vị trí phát tín hiệu, trước khi đưa thiết bị lặn không người lái Bluefin xuống biển tìm kiếm
Ông Chris McLaughlin, đến từ công ty vệ tinh Inmarsat của Anh, đơn vị đã giúp xác định lộ trình của máy bay mất tích thông qua phân tích tín hiệu vệ tinh, cho biết vị trí thu được các tín hiệu mới có vẻ trùng với nơi máy bay đã phát tín hiệu bí ẩn cuối cùng, lúc 00 giờ 19 phút GMT - 8 phút sau khi nó phát đi tín hiệu định kỳ mỗi giờ.
Sau khi Inmarsat phát hiện có tín hiệu dang dở từ máy bay cách đây 2 tuần, cơ quan này đã phỏng đoán vị trí cuối cùng của máy bay nằm xa hơn rất nhiều về phía Bắc so với vị trí tìm kiếm ban đầu.
Các nhà phân tích sau đó tiếp tục sàng lọc thông tin, sử dụng dữ liệu radar của Malaysia và phân tích của hãng Boeing để đi kến khẳng định máy bay đã di chuyển nhanh hơn dự đoán ban đầu, đốt nhiều nhiên liệu hơn, và sẽ phải rơi xuống tại khu vực nằm về phía Bắc hành lang tìm kiếm.
So sánh chuỗi sự việc với hiện tượng một chiếc ô tô đang chạy thì hết xăng, ông McLaughlin khẳng định: “Tín hiệu phát đi nửa chừng sẽ là khi máy bay cạn nhiên liệu và lịm đi trong chốc lát, do đó hệ thống ngắt khỏi mạng lưới nhưng nhanh chóng khởi động trở lại và liên lạc với mạng lưới. Máy bay đã cố liên lạc lần cuối cùng trước khi ngừng hoàn toàn - và đó là những gì xảy ra”.
Theo cựu phi công Stephen Buzdygan của hãng hàng không Anh British Airways, người từng có kinh nghiệm điều khiển Boeing 777, có khả năng máy bay đã lướt trên mặt nước, và có thể bị lật vòng bởi các động cơ bị dừng một cách bất đối xứng.
“Khi không còn nhiên liệu, giả dụ rằng tổ lái không còn tỉnh táo và không có ai điều khiển máy bay, nó sẽ lướt đi”, ông Buzdygan nói. “Các động cơ có những nguồn cung cấp nhiên liệu riêng, nên có khả năng nó sẽ không khớp với thăng bằng của cánh. Khi chế độ lái tự động không còn hoạt động để điều chỉnh, máy bay sẽ từ từ lật ngửa và đáp xuống ở một góc xiên và hai cánh sẽ bị gãy rời”.
Thanh Tùng
Theo Telegraph