Thủ tướng Chính phủ: Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc
Chiều 22/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam về tình hình hoạt động và định hướng phong trào của các cấp Hội trong thời gian tới.
Người cao tuổi là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, trong truyền thống lịch sử, văn hoá và đạo đức của người Việt Nam ta từ xưa đến nay, người cao tuổi luôn luôn được đề cao, được tôn trọng: "Kính già, yêu trẻ", "tuổi cao gương sáng", "kính lão đắc thọ", "tuổi cao ý chí càng cao", "uống nước nhớ nguồn". Trong suốt chiều dài lịch sử, người cao tuổi có nhiều đóng góp to lớn cả trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hội nghị Diên Hồng thời Trần là một biểu tượng của ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm, đồng lòng bảo vệ đất nước của các bậc phụ lão và nhân dân cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tăng cường bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ, phát huy cao nhất đóng góp của người cao tuổi với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Truyền thống, di sản vô cùng quý báu của người cao tuổi Việt Nam tiếp tục được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề", người cao tuổi là "vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam".
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết, hiện cả nước có trên 9,7 triệu hội viên Hội Người cao tuổi, chiếm gần 90% số người cao tuổi cả nước.
Nhiệm kỳ qua, Hội Người cao tuổi đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo, bảo vệ cho người cao tuổi trên cả nước. Các cấp Hội chủ động tổ chức và tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ đối với người cao tuổi, Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020; tham gia góp ý xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật, chế độ, chính sách liên quan đến người cao tuổi...
Hằng năm, trên 1,9 triệu lượt người cao tuổi được tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe, khoảng 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; có trên 95% số người cao tuổi có thẻ Bảo hiểm y tế, đa số các bệnh viện thực hiện ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên.
Hội Người cao tuổi các địa phương tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Hội đồng nhân dân chỉ đạo, thực hiện chế độ, chính sách đối với người cao tuổi về bảo trợ xã hội; chúc thọ, mừng thọ; chăm sóc sức khỏe. Ở nhiều nơi, chế độ về bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội, chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi được quy định cao hơn so với quy định chung của Nhà nước.
Công tác chăm sóc người cao tuổi đã được quan tâm, đạt nhiều kết quả nhưng chính sách còn dàn trải. Hiện có khoảng trên 65% số người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; còn nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh rất khó khăn, một bộ phận người cao tuổi không có thu nhập, không có tích lũy, chưa được quan tâm phù hợp.
Chính sách bảo vệ và giúp đỡ người cao tuổi phải có tính khả thi
Tại buổi làm việc, Hội Người cao tuổi Việt Nam kiến nghị một số nội dung như đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi và các cơ chế, chính sách với người cao tuổi và Hội Người cao tuổi; hỗ trợ nhóm người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế; xây dựng Chiến lược người cao tuổi trong tình hình mới; xây dựng đề án cơ sở dữ liệu người cao tuổi; xây dựng đề án về trung tâm nghỉ dưỡng người cao tuổi tại các địa phương trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người cao tuổi. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách bảo vệ, giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi, phát huy vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ.
Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam
Cuộc làm việc hôm nay một lần nữa khẳng định trách nhiệm của Chính phủ với người cao tuổi, nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước với người cao tuổi, giải quyết một số cơ chế, chính sách với mong muốn người cao tuổi ngày càng có nhiều đóng góp ý nghĩa với sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước, của nhân dân.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cần quán triệt thật sâu sắc, cụ thể, triển khai thực hiện thật tốt các nội dung chính sách về người cao tuổi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp mặt đoàn đại biểu về dự Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam và Nghị quyết Đại hội; cũng như các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ để người cao tuổi phát huy thế mạnh, tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Chính sách bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi phải có tính khả thi, phù hợp tình hình, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Hội Người cao tuổi - một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các bộ, các ngành phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi.
Thủ tướng cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Hội và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan nghiên cứu, triển khai thực hiện, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp theo quy định.
THANH LAM