Thủ tướng chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
hủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội |
Dự hội nghị có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và các chuyên gia, nhà kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Trong đó, nhà ở là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, "an cư mới lạc nghiệp", công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề cập nhiều nội dung để bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng về nhà ở cho công dân, phát triển nhà ở xã hội.
Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã điểm lại một số kết quả đạt được trong phát triển nhà ở xã hội, thực hiện xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.
Một là, tích cực rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phát triển thị trường bất động sản, trong đó có các nội dung liên quan đến nhà ở xã hội.
Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó có nhiều cơ chế ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội như: Được dành tối đa 20% tổng diện tích đất để xây dựng công trình, dịch vụ, nhà ở thương mại; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất; được vay vốn với lãi suất ưu đãi; cắt giảm quy định về điều kiện cư trú đối với đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; các đối tượng là công nhân, lực lượng vũ trang được hưởng thêm các chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Các bộ đang tích cực rà soát, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, ban hành các văn bản hướng dẫn với nhiều nội dung mới, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn…; phấn đấu hoàn thành và báo cáo Quốc hội để xin có hiệu lực sớm hơn từ ngày 1/7/2024 (hiệu lực hiện nay là từ ngày 1/1/2025).
Hai là, nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã được triển khai và hoàn thành, góp phần hỗ trợ người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động "an cư lạc nghiệp".
Từ năm 2021 đến nay, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411 nghìn căn hộ (trong đó 72 dự án đã hoàn thành với quy mô hơn 38 nghìn căn; 129 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 115 nghìn căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô gần 259 nghìn căn).
Ba là, gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng dù còn khó khăn nhưng đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương.
Đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7 nghìn tỷ đồng; trong đó đã có 8 dự án tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.
Bốn là, cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được tăng cường; phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh. Về cắt giảm thủ tục hành chính, các dự án chưa có quy hoạch chi tiết thì được sử dụng quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung tại những khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu để đấu thầu (theo Thông tư số 03/2023/TT-BXD ngày 28/4/2023).
Năm là, nhiều địa phương quan tâm, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị về phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn. Nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội. Một số dự án nhà ở xã hội tại một số địa phương có quy hoạch nhưng lại cấp cho các nhà đầu tư còn yếu về năng lực, trong khi có doanh nghiệp lại thiếu động lực triển khai vì hiệu quả không cao dẫn đến chậm triển khai dự án.
Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, kiểm điểm lại các chủ trương, chính sách, thể chế; cách làm; việc xây dựng quy hoạch, dành quỹ đất, tài chính cho phát triển nhà ở xã hội.
Cho rằng nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; với quan điểm, tất cả các chủ thể liên quan đều có trách nhiệm đều phải chung tay thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hội nghị chỉ rõ trách nhiệm, vai trò để mọi người, mọi tổ chức từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, người dân phát huy hết khả năng, trách nhiệm, tâm huyết và đạo đức theo truyền thống lịch sử văn hóa Việt Nam “đoàn kết, lá lành đùm lá rách” trong phát triển nhà ở xã hội và trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.”
Theo Bộ Xây dựng, mặc dù Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, có nhiều chính sách, tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong muốn.
Đến nay, cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất, với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội. Từ năm 2021 đến năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô hơn 411 ngàn căn.
Đặc biệt, gói tín dụng 120 ngàn tỷ cho vay nhà ở xã hội, đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.