Tí tách Hà Nội xưa
Cà phê Hà Nội và những thước phim cổ kính được quay chậm...
Hà Nội có một mùa gọi mùa hoa sữa, ngờm ngợp sắc trắng tinh khôi, nồng nàn dìu dịu, lưu luyến thương vương, khiến thu thêm buồn man mác.
Những ngày trời trở gió, lang thang dọc các con phố Duy Tân, Quán Thánh, Lò Đúc, Đào Tấn, Nguyễn Chí Thanh… nhâm nhi vài giọt thơ buông rơi trên thềm lá, ngỡ lòng ai chả dâng cảm tâm tình của mặc khách thi nhân. Chắc thuở nào, theo gót sen thiếu nữ, rờm rợp hương hoa trong đoản khúc thiên di thu lãng đãng như thế, mà Hoàng Minh Tuấn mới đau đáu thổ lòng: “Lối nhà em cứ thơm nồng hoa sữa / Theo chân em nẻo ấy tiễn em về / Bao nồng nàn, bao say đắm đê mê / Để đêm về con tim anh thổn thức”.
Hoa sữa không phô phang đài các, cứ gợi buồn gợi nhớ bởi hương đằm hương đượm, khiến bao kẻ xa quê phải da diết nao nao, tha thiết thèm về. Thèm lóng lánh ánh đèn vàng vọt đêm Nhà Thờ, nhẩn nha mùi hương, phả vào vòng vọng Hồ Gươm một tiếng chuông khuya. Thèm gọi ly cà phê đợi lòng đắng nơi đầu lưỡi, mà nhưng nhức mắt thưởng từng vòm hoa sữa liêu xiêu mái phố, để mê hoài trong bao trở trăn chiêm ngẫm cô liêu. Hoa sữa cùng bao mùa hoa Hà Nội, âu cũng góp phần làm tinh túy hơn cái “Văn hóa cà phê” của đất và người Tràng An.
“Đi cà phê không?” - câu cửa miệng đã thành kinh điển. Cả thế kỷ trôi qua, từ ngày cà phê chập chững theo dấu chân người Pháp đến với Việt Nam, người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng giờ đây đã có cho mình một nét văn hóa tổng hòa các giá trị không gian, thời gian – văn hóa cà phê. Cà phê là thức uống mà dường như ở đâu cũng có. Nhưng câu chuyện về cà phê Hà Nội lại thật sự riêng biệt. Dù cho là người sinh ra ở Hà Nội hay chỉ là một vị khách vãng lai vì mưu sinh mà ở lại Hà Thành, tất cả đều cảm nhận được những nét riêng, thẫm đẫm vị xưa hồn cũ.
Cà phê Hà Nội lạ. Nó bình yên như cuộc sống người Hà Thành. Thưởng thức cà phê là cái thú. Chỉ cần chọn cho mình góc quen nằm mặt nằm lòng, ngồi một mình cũng được mà tụ họp nhiều người cũng được. Văn hóa cà phê của Hà Nội chính là sự tĩnh trong động. Hồn phố cũng hình thành như thế, sâu từ nếp nghĩ.
“Đi cà phê” không chỉ là uống cà phê! Nhiều lúc ngẫm lại, người ta cứ tự thắc mắc sao không mời rõ ràng là “đi uống” hay “đi mua”… Một điều bất thành văn mà ai cũng hiểu, “đi cà phê” sẽ là ngồi bên tách cà phê, vừa nhấp từng ngụm nhỏ vừa đọc báo, nghe nhạc, trò chuyện cùng bạn bè, cùng đối tác làm ăn, hay ngồi làm việc. Với tôi, “đi cà phê” còn là một kiểu đọc báo, đọc nhịp sống đang trôi, đọc con người đang nghĩ, đọc thời cuộc đang đổi thay, và đọc sự tĩnh tâm của lòng mình.
Một chiều gợn gió cuối đông, tí tách cà phê trong con hẻm cũ, phố chợt đỏng đảnh nghiêng nghiêng như đợi xuân về. Hà Nội nồng nàn! Hà Nội tình!
Những người lớn tuổi nghiền cà phê, sành điệu trong cách uống, không ai có thể quên lời xưng tụng dành riêng cho cà phê Hà Nội vào những năm của thập niên 70 – 80: “Nhân, Lâm, Năng, Giảng”. Đó là cà phê Nhân ở hàng Hành, cà phê Lâm ở phố Nguyễn Hữu Huân, cà phê Năng ở ngay đầu ngõ nhỏ phố Hàng Bạc và cà phê Giảng ở Hàng Gai. Điểm chung là các quán rất nhỏ, hương vị cà phê đặc trưng, một không gian với tường vôi bàng bạc, những chiếc ghế đẩu xinh xắn quây quanh dăm bộ bàn nâu thếch, nhạt nhòa trong ánh sáng mờ mờ và sự tĩnh lặng khó tả của tâm hồn. Với những người có tuổi luôn cảm giác thời gian trôi thật nhanh, thì cà phê Hà Nội giúp họ thấy cuộc đời thật dài, thật chậm. Mới hôm nào kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Đông Đô-Hà Nội. Mới hôm nào Hà Nội đón nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình của UNESSCO. Mới hôm nào hợp lưu văn hóa Thăng Long-văn hóa xứ Đoài. Mới hôm nào Hà Nội dùng kế “vườn không nhà trống” để giãn cách xã hội bước vào đợt đầu chống dịch. Trong cuồn cuộn thời gian, ta bỗng thấy một Hà Nội vừa lắng sâu truyền thống văn hiến nghìn năm, vừa hồng hào sức trẻ. Hà Nội chia sẻ nhân ái, chia sẻ đau thương. Hà Nội oai hùng, kiên gan bền chí.
Không quá lời mà bảo, giữa xô bồ guồng quay đô thị, sáng xuân mơn mởn nắng, ngồi men ven khu Bờ hồ hay Phố Phái nhấp một ngụm cà phê, thấy được cả văn hiến Thăng Long qua nhiều dấu mốc. Đỉnh cao chói lọi nhất là từ khi Vua Lý Công Uẩn rời đô Hoa Lư ra Đại La, nơi “rồng chầu hổ phục”, khai sáng tiền đồ thịnh thế cho Đại Việt. Không phải ngẫu nhiên trong những năm qua, Hoàng thành Thăng Long, Lễ hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng, Nghệ thuật “hát ca trù”, 82 bia tiến sỹ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám được công nhận là di sản tư liệu Thế giới... Hà Nội bí ẩn huyền tích. Hà Nội hào khí linh thiêng.
Hà Nội bí ẩn huyền tích. Hà Nội hào khí linh thiêng
Hà Nội một ngày đầu đông se lạnh, nếu trót cảm nắng ai kia, sẽ chẳng gì ý nghĩa bằng ở góc cà phê nào đó “băm sáu” phố Hàng, cùng nghe lách cách chiếc thìa nhỏ khuấy ngập ngừng, mà lằng lặng đếm thời gian trong mắt nhau thèn thẹn; hay nhẩn nha miên man dưới lây phây mưa bụi, gió giá nhói lòng, cầm bát bánh trôi nóng hây hẩy “hít hà”. Người ta nói, bánh trôi là thức quà dân dã xứ Kinh Kì mang cả tâm tình Hà Nội.
Những người cố chấp, nhất định phải chờ ăn được bánh trôi tàu, thì mới tin mùa đông đã chạm ngõ Hà Nội. Khi đợt khí lạnh đầu mùa tràn về miền bắc, người ta suýt xoa “Thèm cái gì đó ngọt ngào, ấm áp mà lại phải nồng nàn cơ”, và cuối cùng, già trẻ đều đằng hắng “Không đi ăn bánh trôi tàu thì quả thật có lỗi với thời tiết”. Trong cái bát nhỏ bao giờ cũng là ba viên trôi nước: nhân đậu xanh, nhân vừng đen và nhân vừng dừa với giá bình dân. Bánh trôi tàu xịn là không quá ngọt, nhân vừa phải, chất thanh đạm không tạo cảm giác ngấy. Còn vỏ bánh thì dẻo, thơm, ăn với nước chan sanh sánh, dễ chiều lòng người. Nước muốn ngon phải được giữ sôi liu riu trên bếp than, đun đến khi nước sệt lại ở mức vừa phải, không quá đặc, không quá loãng, không có vị ngọt sắc. Nước sánh vàng, hơi nâu màu mật ong, ngửi thấy hơi cay của gừng – cái mùi vấn vương gợi nhắc tình người, vị phố.
Bánh trôi tàu - thức quà dân dã gói gọn tâm tình Hà Nội
Mới nói, hương vị hoàn hảo của bánh trôi tàu quả thực cần người nấu dụng tâm vào món ăn. Nấu chậm thôi nhưng nêm đậm yêu thương là đủ. Chỉ cần như vậy cũng khiến người đi kẻ ở xuyến xao. Ẩm thực Hà Nội vốn níu người, âu thế!
…Tôi không phải người gốc Hà Thành, nhưng khi tí tách cà phê, tí tách bánh trôi tàu, tí tách mười hai mùa hoa, tí tách chiêm ngẫm hồn thiêng linh khí Thăng Long… tôi tự xem mình như một người con của xứ này, người con được thừa hưởng, kế tục, phát huy và gánh vác sứ mệnh góp phần gìn giữ nền văn minh ngàn năm, truyền thống Lạc Rồng. Hà Nội ngày nay, dấu xưa vẫn chảy!
Tản văn của Huyền Anh