TOD - Giải pháp căn cơ để giảm thiểu ùn tắc giao thông ở Hà Nội
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn Thành phố có hơn 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động. Trong đó, Thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện các loại, còn lại khoảng 1,2 triệu phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) từ các tỉnh, thành phố khác.
TOD - Giải pháp căn cơ để giảm thiểu ùn tắc giao thông ở thủ đô Hà Nội. |
Tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Hà Nội từ 4%-5%/năm. Trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hiện chỉ khoảng 0,35%/năm. Sự chênh lệch này khiến mật độ giao thông trên nhiều tuyến đường vượt quá lưu lượng thiết kế, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm.
Đơn cử, đường Vành đai 3 trên cao hiện có lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế. Lưu lượng phương tiện qua cầu Thanh Trì, cầu Chương Dương đều gấp hơn 8 lần năng lực thiết kế... Với số lượng phương tiện ngày càng gia tăng, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Để giảm thiểu tình trạng này, Hà Nội đã chủ động nhiều giải pháp để can thiệp. Tuy nhiên, giải quyết được điểm ùn tắc này thì lại có điểm khác phát sinh.
Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông tại Hà Nội hiện nay là do hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân như: Rào chắn phục vụ thi công các công trình; quá tải lưu lượng lên hạ tầng giao thông hiện trạng; chậm triển khai công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch...
Vậy đâu là giải pháp căn cơ để giảm thiểu ùn tắc?
Hiện tại, Hà Nội đã có nhiều tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng, lấy Thủ đô làm trung tâm đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng; Pháp Vân - Cầu Giẽ... những trục đường quan trọng này đã và đang trực tiếp thúc đẩy giao thương, văn hóa, góp phần khẳng định vị thế và sự phát triển ổn định, bền vững của Thủ đô.
Không chỉ vậy, với tầm nhìn dài hạn, Hà Nội đã phát triển tuyến đường Vành đai 4 liên vùng, góp phần kết nối Thủ đô với các tỉnh lân cận. Khi tuyến đường hình thành và được khai thác sẽ trực tiếp nâng cao vai trò và vị thế của Thủ đô, giúp Hà Nội và các tỉnh lân cận phát triển kinh tế.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm 7 chương với 54 điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô cũng như chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Đặc biệt, tại Luật này, Quốc hội kiến tạo nhiều chính sách có tính đột phá giúp Hà Nội phát triển không gian cũng như là hạ tầng giao thông. Luật đã cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững.
Theo các chuyên gia giao thông, phát triển đô thị theo mô hình TOD sẽ tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, qua đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường. Tại Thủ đô Hà Nội, việc phát triển TOD có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần đồng bộ hóa giao thông, là giải pháp căn cơ để giảm thiểu ùn tắc.
Tương tự, nhiều dự án lớn sẽ triển khai như: Thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai hướng đến mục tiêu cải tạo 21,7km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 7,5% kế hoạch vốn…
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, hệ thống giao thông vận tải được coi là huyết mạch của nền kinh tế, là bộ mặt của đô thị. Bởi vậy, Thành phố rất quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông Thủ đô sao cho hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Trong Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tới năm 2030, đường sắt đô thị được kỳ vọng là "xương sống" của mạng lưới giao thông vận tải Thành phố. Loại hình này đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đi lại của người dân trong đô thị hạt nhân và từ 15-25% ở đô thị vệ tinh.
Khi mạng lưới đường sắt đô thị hoàn thành sẽ trực tiếp gắn kết với xe buýt và các phương thức vận tải công cộng khác, hệ thống đường sắt đô thị không chỉ giúp cho việc đi lại của người dân dễ dàng hơn, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực và đô thị dọc tuyến.
Rõ ràng, bài toán giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội chưa bao giờ dễ dàng. Do vậy, rất cần sự quyết tâm của bộ máy quản lý cùng việc triển khai đồng bộ các giải pháp, bảo đảm phát triển đúng hướng, góp phần xây dựng Thủ đô trở thành thành phố xanh-văn hiến-văn minh-hiện đại.