Tổng Thư ký LHQ: Thế giới đang gặp nhiều khó khăn vì biến đổi khí hậu
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP 24) tại Katowice, Ba lan ngày 3/12/2018, ông Guterres nói đây là cuộc gặp gỡ quan trọng nhất về biến đổi khí hậu kể từ khi Hiệp định Paris được ký năm 2015”.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đọc diễn văn tại hội nghị biến đổi khí hậu 2018 ở Katowice, Ba lan ngày 3/12/2018.
Người đứng đầu LHQ chỉ trích các nước, đặc biệt là những nước phát thải lượng khí CO2 nhiều, đã không hành động đủ nhanh và mạnh để đáp ứng mục tiêu đã cam kết trong Thỏa thuận Paris 2015, gây ra những hậu quả khôn lường đối với thiên nhiên và con người như đã từng thấy trong thời gian qua.
Vì lý do đó, Tổng thư ký Guterres hối thúc các nước cắt giảm khoảng 45% lượng khí CO2 tới năm 2030 và hướng tới mục tiêu nền kinh tế phi các-bon vào năm 2050. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự chuyển đổi toàn diện nền kinh tế năng lượng toàn cầu cũng như những biện pháp nhằm quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đó có đất đai và rừng.Tổng thư ký Antonio Guterres cho rằng, các nhà lãnh đạo thế giới cần nghiêm túc nhìn nhận mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với thiên nhiên và con người.
Nhóm họp tại thành phố Katowice từ ngày 2-14/12/2018, khoảng 30.000 đại biểu tới từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ phải đàm phán để hoàn thành cuốn cẩm nang với những qui định hướng dẫn thực thi Thỏa thuận Paris.
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng nhanh, sức tàn phá của thiên tai ngày một lớn, nhiều nước không cắt giảm lượng khí thải nhà kính như đã cam kết, Mỹ vẫn nhất quyết không tham gia Thỏa thuận Paris, Brazil xin rút đăng cai hội nghị năm tới, nhiều nước còn chần chừ khi chưa có hướng dẫn quy chuẩn thực thi thỏa thuận...
Đây là những thách thức không nhỏ đối với các nhà đàm phán trong khi thời điểm Thỏa thuận Paris có hiệu lực vào năm 2020 đang đến gần. Với khẩu hiệu Cùng Thay Đổi, Ba Lan hy vọng hội nghị sẽ tạo được sự đồng thuận đối với các nước tham dự để thực thi cam kết chống biến đổi khí hậu của mình.
Ba năm trước tại Hội nghị lần thứ 21 của LHQ về biến đổi khí hậu, đại diện 195 quốc gia đã thông qua Thỏa thuận Paris lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Các quốc gia đã cam kết khống chế nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C thậm chí là 1,5 độ C vào năm 2030 nếu có thể. Nhưng ba năm qua, thế giới đã phải chứng kiến một sự bùng nổ của các vụ cháy rừng dữ dội làm nhiều người thiệt mạng, các đợt nắng nóng gay gắt và những đợt hạn hán kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và sản xuất nông nghiệp, các cơn bão ngày càng có sức tàn phá mạnh và mực nước biển ngày càng dâng cao, gây ngập lụt ở nhiều nơi.
Tác nhân gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan có sức tàn phá ngày một lớn đó chính là việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch của con người, làm phát thải ra lượng khí CO2 cao, dẫn tới sự ấm lên toàn cầu không thể kiểm soát nổi. Cắt giảm lượng khí phát thải nhà kính là một trong những nhiệm vụ chính của Hội nghị COP 24, bên cạnh việc hoàn tất một bộ quy chuẩn hướng dẫn các nước thực thi Thỏa thuận Paris một cách đầy đủ.
Tuy nhiên việc hiện thực hóa những nhiệm vụ này không hề đơn giản khi các nhà đàm phán phải đón nhận những tin không vui trước khi hội nghị diễn ra. Trong các báo cáo mới đây, các tổ chức khí tượng và môi trường của LHQ cảnh báo nhiệt độ toàn cầu đang tiếp tục tăng và có khả năng tăng thêm từ 3 tới 5 độ C trong thế kỷ này, vượt xa so với mục tiêu hạn chế mức tăng từ 1,5 cho tới 2 độ C đã được đặt ra trước đó. Điều đó có nghĩa thế giới cần phải nỗ lực gấp ba thậm chí gấp năm lần từ nay tới năm 2030 để đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris đề ra, trong đó có việc giảm một nửa tỉ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch - một nhiệm vụ được coi là bất khả thi đối với các quốc gia tiêu thụ than hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Mỹ, Nga, Indonesia, Đức hay Ba Lan.
Báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) khi phân tích tác động của những mục tiêu cắt giảm khí thải mà các quốc gia trên thế giới đã cam kết trong Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu, cho biết: lượng khí nhà kính gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu vào năm 2030 có thể cao hơn từ 13 tỷ tấn đến 15 tỷ tấn so với giới hạn cần thiết để giữ mức tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất ở ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Nếu khoảng cách này không được thu hẹp trước năm 2030 thì mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng hoàn toàn vượt quá tầm với. Các quốc gia phải nỗ lực gấp 3 nếu muốn đạt mục tiêu 2 độ C và gấp 5 nếu muốn đạt mục tiêu 1,5 độ C.
Người đứng đầu Văn phòng UNEP tại New York Satya Tripathi cho biết: “Có những chứng cứ đáng tin cậy rằng các nước đang không thực hiện đủ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và cần phải làm nhiều hơn nữa. Trong trường hợp này, các quốc gia G-20 - khối chiếm 80% lượng khí thải toàn cầu, rõ ràng đang không trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính”.
Thủ tướng đảo quốc Fiji, Frank Bainimarama, hồi năm ngoái là Chủ tịch hội nghị biến đổi khí hậu COP 23, yêu cầu các quốc gia đã phát triển phải hành động ngay bây giờ để cứu trái đất.“Chúng ta làm ngơ đối với những chứng cớ không thể bác bỏ được sẽ trở thành một thế hệ phản bội nhân loại”.
Linh Đức