Trà Vinh: Hoàn thiện hệ thống cung ứng dịch vụ y tế cơ sở
Trong 4 năm qua triển khai Dự án, 29 trạm y tế xã trên toàn tỉnh Trà Vinh đã có một diện mạo mới, khang trang và sạch sẽ. Hiện tỉnh Trà Vinh đang hoàn tất thủ tục tổ chức đấu thầu các gói mua sắm trang thiết bị, góp phần củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở.
Nâng cấp xây mới 29 trạm y tế xã
Ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh cho hay Dự án đã đem lại nhiều sự hỗ trợ cho y tế cơ sở tại tỉnh, bằng việc đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, xây mới và nâng cấp cho 29 trạm y tế xã, cung cấp trang thiết bị cho toàn bộ các xã theo nhu cầu hỗ trợ để đạt được các tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Dự án thành phần tỉnh Trà Vinh được triển khai thực hiện từ năm 2020 đến năm 2024, với tổng kinh phí hơn 115 tỷ đồng, trong đó gần 81 tỷ đồng là kinh phí xây dựng, gần 20 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị và khoảng 14 tỷ đồng là danh mục khác.
Tại tỉnh, Dự án được thực hiện tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố bao gồm thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải và 7 huyện: Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu ngang, Trà Cú và huyện Duyên Hải.
Ông Kiên Sóc Kha - Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh cho biết, đến nay sổ sức khoẻ điện tử được triển khai trên 90% dân số của tỉnh. Hiện nay, 100% trạm y tế xã có bác sĩ, thậm chí có trạm y tế có 2 bác sĩ. Các trạm y tế nhân viên y tế khám chữa bệnh các, bệnh thông thường cho người dân như: huyết áp, tiểu đường, bệnh không lây nhiễm khác.
Tuy nhiên ông Kha cũng bày tỏ lo ngại khi hiện nay danh mục thuốc bảo hiểm y tế ở các trạm y tế tuyến xã còn “nghèo nàn” nên là trở ngại lớn cho việc giữ chân bệnh nhân ở trạm y tế tuyến xã.
“Kết quả thực hiện dự án thành phần đến ngày 31/3, tỉnh đã hoàn thành xây mới 11 trạm y tế, nâng cấp 18 trạm y tế, đạt tỷ lệ 100%. Về mua sắm trang thiết bị, có 2 gói thầu trang thiết bị theo kế hoạch đang thực hiện trong giai đoạn thương thảo và hoàn thiện hợp đồng. Về tập huấn cho các cán bộ, đã có 851 cán bộ y tế xã được Dự án hỗ trợ đào tạo về quản lý các vấn đề sức khoẻ ưu tiên. Dự kiến 100% trạm y tế xã phường, thị trấn sẽ được cung cấp đầy đủ trang thiết bị do dự án đầu tư,” ông Kha cho hay.
Ông Phùng Nguyên Cương - Phó giám đốc Dự án thông tin:y Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ, thời gian thực hiện trong 5 năm (2020-2024). Dự án tổng thể được thực hiện tại Trung ương và 13 tỉnh gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu, Long An.
Trà Vinh là một trong hai tỉnh đầu tiên của Dự án triển khai sớm nhất .Tuy nhiên, hiện nay các hợp phần về đầu tư trang thiết bị y tế tiến độ hoàn thành vẫn còn chậm, cần đẩy mạnh để hoàn thành mục tiêu Dự án đề ra tại tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ mua sắm trang thiết bị
Đại diện cho đoàn công tác đánh giá của Ngân hàng Thế giới, bà Nguyễn Thùy Anh cho biết Dự án là một nguồn lực có ý nghĩa vào mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế tuyến cơ sở tại Việt Nam.
Qua giám sát, tỉnh đã có báo cáo đánh giá chi tiết cho từng mục tiêu, hợp phần của Dự án tại tỉnh Trà Vinh. Những kết quả khả quan của Dự án đã đạt được, như hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản nâng cấp, xây mới các trạm y tế xã hoàn thành sớm và đúng tiến độ, các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cũng như áp dụng công cụ bảng điểm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ tại trạm y tế xã. Tuy nhiên, Dự án còn có những tồn tại, khó khăn vướng mắc đặc biệt là chậm tiến độ về mua sắm trang thiết bị tại các tỉnh cho trạm y tế cần sớm khắc phục và nhanh chóng hoàn thành việc mua sắm.
Bà Genesis Samonte - Quỹ Tài chính toàn cầu (GFF) đánh giá cao khi Trà Vinh là tỉnh đầu tiên của Dự án có trạm y tế xã được xây mới hoàn thành đầu tiên. Dự án đã nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở trong chăm sóc sức khoẻ của người dân Việt Nam. Dự án ưu tiên các đối tượng là bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, người dân ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số góp phần đảm bảo sức khoẻ, nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, để đảm bảo các đối tượng khó khăn dễ tiếp cận các dịch vụ trong chăm sóc sức khoẻ.
Bà Genesis Samonte nhấn mạnh GFF sẽ tiếp tục đồng hành với Dự án và tỉnh Trà Vinh để triển khai các hoạt động trong thời gian tới.