Trồng lúa giảm phát thải được chi trả tiền tín chỉ carbon
Trồng lúa giảm phát thải được chi trả tiền tín chỉ carbon |
Tăng lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa
Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) vừa phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng sơ kết 7 mô hình thí điểm Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Theo đề án, hiện có 7 mô hình thí điểm trồng lúa giảm phát thải tại 5 tỉnh ĐBSCL gồm: Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và TP Cần Thơ. Trong đó, ở vụ Hè Thu có 4 mô hình thí điểm với diện tích gần 200ha đã cho thu hoạch.
Kết quả, năng suất lúa ở các mô hình thí điểm cao hơn mô hình sản xuất bên ngoài khoảng 0,2-0,7 tấn/ha tuỳ địa phương; chi phí sản xuất lại thấp hơn khoảng 14-20% nên lợi nhuận của nông dân tăng cao.
Về giảm phát thải khí nhà kính, tại mô hình thí điểm ở Cần Thơ, kết quả giảm được 12 tấn CO2 tương đương/ha/vụ so với ngoài mô hình để nước ngập liên tục và vùi rơm trên đồng ruộng. Mô hình ở Sóc Trăng giảm được 4 tấn CO2/ha/vụ và mô hình ở Trà Vinh giảm 5,4 tấn CO2/ha/vụ.
Một số mô hình trồng lúa giảm phát thải ở ĐBSCL đã được thu hoạch. Ảnh minh hoạ: Hồ Hoàng Hải
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đang thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để hoàn chỉnh các thủ tục liên quan đến việc chi trả thí điểm tín chỉ carbon. Từ đó, xây dựng cơ chế chi trả trình Chính phủ phê duyệt.
Dự kiến, vụ Hè Thu 2025 hoặc Đông Xuân 2025-2026 có thể chi trả thí điểm tiền tín chỉ carbon cho các mô hình, nguồn từ Quỹ TCAF khoảng 20 triệu USD. Theo đó, bà con nông dân tham gia đề án sẽ có thêm một khoản hỗ trợ từ bán tín chỉ carbon.
Song, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh và nêu rõ mục đích cao nhất của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng đến là chứng minh được hiệu quả giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải và tăng lợi nhuận cho nông dân, chứ không phải chỉ là bán tín chỉ carbon.
Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên bán được tín chỉ carbon lúa
Trong khi tại khu vực ĐBSCL mới chỉ thu hoạch được những vụ lúa sản xuất theo hướng giảm phát thải, thì Đắk Lắk đã là tỉnh đầu tiên ở nước ta bán được tín chỉ carbon lúa với giá 20 USD.
Tại hội nghị tổng kết mô hình thí điểm "Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất được triển khai trong vụ đông xuân 2023–2024", Công ty Cổ phần Net Zero Carbon mua gần 17 tấn CO2 tương đương đã giảm được từ mô hình trồng lúa của nông dân ở xã Bình Hoà (Krông Ana, Đắk Lắk). Mỗi tín chỉ carbon lúa này được mua với giá 20 USD (1 tấn CO2 tương đương bằng 1 tín chỉ carbon).
Đây là số tín chỉ carbon đầu tiên trên lúa của Việt Nam được bán thành công từ mô hình thí điểm Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất tại Đắk Lắk. Mức giá này cũng cao gấp 2 lần giá tín chỉ carbon mà Ngân hàng Thế giới cam kết chi trả cho đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại ĐBSCL.
Đắk Lắk có kế hoạch mở rộng diện tích lúa giảm phát thải lên 500ha vào vụ Đông Xuân 2024-2025. Ảnh: Báo Đắk Lắk
Trước đó, tại xã Bình Hoà, nông dân đã triển khai mô hình thí điểm sản xuất lúa giảm phát thải. Mô hình được áp dụng quy trình canh tác lúa tưới ướt - khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế và áp dụng quy trình báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon.
Sau hơn 3 tháng thực hiện, mô hình thí điểm này đã mang lại kết quả tích cực. So với mô hình đối chứng, năng suất lúa tăng gần 1 tấn/ha, chi phí đầu tư giảm được gần 10%, lợi nhuận tăng gần 20%. Đặc biệt, mô hình này giúp nông dân thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo đất lúa.
Qua thử nghiệm, mô hình giúp giảm lượng phát thải được gần 17 tấn khí nhà kính (carbon), góp phần bảo vệ môi trường, lúa sạch hơn và sản xuất an toàn hơn.
Từ kết quả bước đầu này, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk sẽ triển khai ra 500 ha lúa trên toàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2024-2025. Qua đó, từng bước góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải ròng trong sản xuất nông nghiệp.
Việc bán thành công tín chỉ carbon từ mô hình canh tác lúa xanh giảm phát thải tại xã Bình Hòa là cơ sở quan trọng để Đắk Lắk phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, nhằm gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng tầm mặt hàng này trở thành thế mạnh của tỉnh. Từ đó, sẽ góp phần cùng ngành lúa gạo Việt Nam chuyển đổi sang con đường phát triển xanh, bền vững.