Tuổi thọ trung bình toàn cầu tăng 5,5 năm
Richard Cibulskis, một trong số các tác giả của bản báo cáo của WHO, giải thích: Nếu tuổi thọ tăng, đó là nhờ vào việc tỉ lệ tử vong trước 5 tuổi ở trẻ em tại các nước nghèo đã giảm. Số người chết vì bệnh sởi đã giảm mạnh, tương tự đối với bệnh tiêu chảy cấp. Số ca tử vong liên quan đến bệnh sốt rét cũng đã giảm một nửa. Như vậy, song song với tỉ lệ tử vong liên quan đến các bệnh truyền nhiễm giảm, thì tuổi thọ con người tăng lên.
Lần đầu tiên, WHO đã phân tích dữ liệu liên quan đến nam và nữ giới. Trung bình phụ nữ sống lâu hơn nam giới 4,5 tuổi. Điều này đã được nhận thấy ngay ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh nam có tỉ lệ tử vong cao hơn ở trẻ sơ sinh nữ.
Ở tuổi trưởng thành, rất nhiều yếu tố giải thích sự chênh lệch này. Đàn ông thường bị ảnh hưởng nhiều hơn do tự vẫn, sát hại và tai nạn. Khi bị bệnh, họ thường ít đi khám hơn. Họ cũng bị mắc các bệnh về tim mạch nhiều hơn phụ nữ, trong đó phải kể đến nguyên nhân là thuốc lá và rượu.
Tuổi thọ trung bình của người dân ở các nước có thu nhập thấp hơn 18,1 năm so với người dân sống ở các nước có thu nhập cao.
Theo báo cáo, thái độ khác nhau đối với chăm sóc sức khỏe giữa nam và nữ đã giúp giải thích sự khác biệt về tuổi thọ giữa hai giới. Chẳng hạn, ở các quốc gia có dịch HIV lan rộng, nam giới ít đi xét nghiệm HIV hơn, do đó khả năng tiếp cận với các liệu pháp kháng virus hạn chế dẫn đến khả năng tử vong vì các bệnh liên quan đến AIDS cao hơn so với phụ nữ.
Báo cáo của WHO nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu, thúc đẩy quản lý hiệu quả các bệnh không truyền nhiễm và hạn chế các yếu tố rủi ro.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố, trong số 40 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới hiện nay, có 33 nguyên nhân góp phần đáng kể vào việc giảm tuổi thọ ở nam giới so với nữ giới.
Kết quả trên cũng phù hợp với dữ liệu nghiên cứu vào năm 2016 chỉ ra rằng, xác suất một người đàn ông 30 tuổi tử vong vì căn bệnh không lây nhiễm như bệnh tim trước 70 tuổi, cao hơn 44% so với phụ nữ cùng độ tuổi.
Tuổi thọ trung bình trên toàn thế giới đã tăng thêm 5,5 năm trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2019, trong đó nữ giới sống lâu hơn nam giới.
Trong 16 năm đầu tiên của thế kỷ 21, những ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm đáng kể, đặc biệt là ở các quốc gia Châu Phi cận sa mạc Sahara, nơi vẫn phải chống chọi với căn bệnh sốt rét, sởi và các bệnh truyền nhiễm khác. Tuổi thọ của người dân ở khu vực này cũng tăng lên nhờ vào những tiến bộ trong phương pháp điều trị HIV/AIDS. Tuy nhiên, WHO cho biết vẫn còn khoảng cách lớn về tuổi thọ giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Đây cũng là lần đầu tiên WHO công bố số liệu thống kê sức khỏe toàn cầu theo giới tính, cho thấy rằng phụ nữ có xu hướng sống thọ hơn nam giới. Theo dự tính của WHO, xác suất trẻ sơ sinh là bé trai cao hơn bé gái, với khoảng 73 triệu bé trai sẽ ra đời trong năm nay so với 68 triệu bé gái. Tuy nhiên do các yếu tố đặc trưng về thể chất, lối sống (có tính liều lĩnh), tỷ lệ tử vong có xu hướng cao hơn ở trẻ em trai và nam giới, và tăng dần với độ tuổi. Ở quy mô toàn cầu, các bé gái sinh năm 2016 dự kiến sẽ sống đến 74,2 tuổi trong khi đó, tuổi thọ trung bình của bé trai chỉ là 69,8 tuổi. Giải thích lý do phụ nữ thường sống lâu hơn nam giới, các nhà khoa học cho rằng đó là bởi họ thường quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe. Ví dụ, ở các quốc gia phải đối mặt với dịch HIV, phụ nữ thường thực hiện các xét nghiệm HIV và tiếp cận các liệu pháp kháng virut nhiều hơn so với nam giới.
Tuổi thọ cũng có sự chênh lệch rõ rệt phân theo cấp độ phát triển của quốc gia. Theo WHO, người dân ở các quốc gia thu nhập thấp có tuổi thọ trung bình ít hơn người ở các quốc gia có thu nhập cao 18 năm. Điển hình như ở vương quốc Lesotho (châu Phi), tuổi thọ trung bình của người dân chỉ ở mức 52 tuổi, ở Cộng hòa Trung Phi là 53. Trong khi đó, người Thụy Sĩ và Nhật Bản có tuổi thọ trung bình lần lượt là 83 và 84 năm.
Hầu hết các ca tử vong ở các nước giàu rơi vào nhóm người cao tuổi, trong khi đó tại các nước nghèo gần một phần ba số người tử vong là trẻ em dưới 5 tuổi.
Ở các nước thu nhập thấp, thiếu thốn dịch vụ chăm sóc y tế, cứ 41 trẻ em gái tử vong thì có 1 trường hợp do nguyên nhân từ mẹ. Ở các nước phát triển, tỉ lệ này chỉ chiếm 1/3.300.
Nhìn chung, các số liệu thống kê cho thấy tuổi thọ trung bình đã tăng ở hầu hết các nước, đặc biệt ở quốc gia châu Phi Eritrea. Tuổi thọ trung bình tại đây được dự báo sẽ tăng 22 năm so với con số trung bình 43 tuổi năm 2000.
Trong khi đó, tại Syria, nơi vẫn còn chìm trong các cuộc nội chiến, tuổi thọ dự kiến giảm gần 1 thập kỷ từ 73 tuổi năm 2000 xuống còn 63,8 tuổi năm 2016.
Tuổi thọ dự kiến của người Mỹ cũng giảm từ 79 tuổi năm 2014 xuống còn 78,5 tuổi vào năm 2016. Nguyên nhân được cho là do căn bệnh béo phì ngày càng gia tăng.
Linh Đức