Ưu tiên phòng, chống dịch viêm phổi lạ dù phải hy sinh lợi ích kinh tế
Chiều 26/1 (tức mùng 2 Tết Nguyên đán Canh Tý), phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần tiếp tục đặt việc phòng, chống dịch bệnh lên trên hết, huy động lực lượng, tập trung cao nhất phát hiện kịp thời các ca nghi ngờ lây nhiễm để khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm chẩn đoán nhanh nhất, không để dịch bệnh lây ra cộng đồng.
"Việt Nam đặt cảnh báo ở mức cao hơn mức của WHO khuyến nghị và cả các nước có nhiều người Trung Quốc đến và đi. Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV ở Trung Quốc. Tinh thần chung của Chính phủ là chúng ta phải tập trung ở mức cao nhất để phát hiện kịp thời sớm nhất có thể các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh để khoanh vùng cách ly tuyệt đối, theo dõi chăm sóc thật tốt với tinh thần nhất định không để dịch lây lan rộng. Và dù có phải hy sinh lợi ích kinh tế, chúng ta vẫn phải đặt ưu tiên cho phòng, chống dịch lên trên," Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan có liên quan, các địa phương không chỉ chú ý đến khâu quản lý người đến từ vùng dịch tại Việt Nam mà quên khâu theo dõi, quản lý sức khỏe tất cả các đối tượng khách du lịch, dù ở nước nào mà đến từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người ở vùng dịch.
Trong vòng 14 ngày, các cơ quan có liên quan phải quản lý, theo dõi chặt chẽ những người đến từ vùng dịch, khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ thì phải cách ly, điều trị, xét nghiệm ngay.
Một số khách có thể thấy phiền về biện pháp này nhưng chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền để họ hiểu đây là vì lợi ích của họ và cộng đồng, cả Việt Nam và toàn thế giới, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tuy số người nghi ngờ mắc nCoV tăng lên nhưng mới chỉ có hai trường hợp được xác định mắc nhiễm, như vậy mức độ lây nhiễm tại Việt Nam chưa có biến động.
Các biện pháp mà chúng ta đưa ra bây giờ đã khá hiệu quả dù Việt Nam là nước có nhiều người Trung Quốc đến và đi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu các ban, ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt cùng với ngành y tế để công tác phòng, chống dịch đạt kết quả tốt nhất.
Đồng thời, các ban, ngành, địa phương phải tăng cường tuyên truyền cho nhân dân ý thức phòng nCoV nói riêng và các bệnh lây nhiễm nói chung, đeo khẩu trang khi đến bệnh viện, rửa tay, ăn chín, uống sôi...
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại Việt Nam có 59 ca nghi ngờ mắc nCoV, trong đó có hai ca được xác định dương tính với virus nCoV và đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
57 bệnh nhân còn lại bị sốt, nghi mắc nCoV vì đến từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) hoặc có tiếp xúc với người Vũ Hán, đang được điều trị tại các bệnh viện ở ba miền Bắc, Trung, Nam.
Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh còn hai ca bị nghi ngờ, miền Trung có 24 ca (14 ca xác định không mắc, 10 ca còn lại đang đợi kết quả xét nghiệm), miền Bắc có 31 ca (trong đó đã xác định 8 ca không mắc, còn 23 ca khác đang đợi kết quả).
Như vậy, tổng cộng trên cả nước hiện còn 35 ca nghi ngờ nhiễm nCoV đang chờ kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, các tỉnh cũng đang theo dõi hàng chục người có tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCoV.
Cho đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam có hai ca người Trung Quốc được xác định nhiễm nCoV. Chưa có công dân Việt Nam nào mắc nCoV, cũng chưa có cán bộ y tế nào mắc bệnh.
Về hai bệnh nhân người Trung Quốc xác định nhiễm nCoV, Cục phó Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết người con (sinh năm 1992) có sức khỏe ổn định nhưng do kết quả xét nghiệm cho thấy vẫn dương tính với nCOV nên người này tiếp tục được giữ lại ở khu cách ly.
Người cha do tuổi cao lại bị viêm phổi trên nền nhiều bệnh mãn tính khác như u phổi mới được phẫu thuật, đái tháo đường, huyết áp cao nên đang được tiếp tục điều trị, thở máy.
Tại cuộc họp, các chuyên gia y tế cho rằng việc khai y tế, kiểm soát bệnh dịch ở cửa khẩu là rất quan trong, nhưng thực tế cho thấy số ca bệnh được phát hiện từ cửa khẩu không nhiều mà chủ yếu là ở các cơ sở y tế. Do đó, cần phải đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh ở các bệnh viện, phát hiện sớm các ca bệnh ban đầu.
Theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là sự kiện y tế nghiêm trọng, khẩn cấp của Trung Quốc nhưng chưa phải khẩn cấp với quốc tế, chưa phải là sự kiện y tế công cộng.
Do đó, WHO không khuyến nghị hạn chế đi lại và giao thương liên quan đến dịch nCoV ở Trung Quốc.
"Việc cần làm là nâng cao nhận thức cho người dân, khách du lịch về việc phòng, chống dịch bệnh, làm tốt công tác y tế dự phòng," tiến sỹ Satoko, đại diện WHO, nhấn mạnh.
Tính đến sáng 26/1, Trung Quốc đã có 30 tỉnh, thành phố có người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (nCoV) với 2.019 ca mắc, 56 trường hợp tử vong. Số ca mắc mỗi ngày tăng lên với hàng trăm người, diễn biến rất phức tạp.
Hiện có nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia ghi nhận có ca mắc nCoV như Pháp, Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Nepal, Việt Nam và chưa có ca tử vong do nCoV nào được ghi nhận ngoài Trung Quốc.
Theo TTXVN