Vĩnh Phúc mỗi tháng phải xây dựng 245 căn hộ nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh Uỷ Vĩnh Phúc chủ trì hội nghị giao ban báo chí tháng 11 |
Dự án đang triển khai đầu tư xây dựng: Hiện nay có 08 dự án nhà ở xã hội độc lập với quy mô sử dụng đất là 65,19 ha, tổng số căn nhà khoảng 9.500 căn. Đối với quỹ đất 20% trong các khu đô thị, khu nhà ở có 17 dự án có dành diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội với quy mô diện tích đất khoảng 65 ha, với khoảng 9.900 căn nhà.
Theo chỉ tiêu được giao trong đề án, tỉnh Vĩnh Phúc phải hoàn thành 28.300 căn nhà ở xã hội, trong đó giai đoạn 2022-2025 phải hoàn thành 8.800 căn, giai đoạn 2026-2030 phải hoàn thành 19.500 căn. Tính bình quân trong giai đoạn 2022-2025, mỗi tháng tỉnh Vĩnh Phúc phải hoàn thành 245 căn nhà ở xã hội. Đây là chỉ tiêu rất cao, trách nhiệm rất nặng nề cho tỉnh Vĩnh Phúc vì nguồn lực đầu tư cho nhà ở xã hội hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp, nếu không có các cơ chế, chính sách ưu đãi thật tốt, không có cơ chế thông thoáng để triển khai các dự án nhà ở xã hội thì chỉ tiêu trên là không thể hoàn thành.
Trong năm 2024, theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đăng ký hoàn thành 372 căn nhà ở xã hội (264 căn nhà ở xã hội thấp tầng và 108 căn hộ chung cư cao tầng) tại 02 dự án trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư: tiếp tục đôn đốc và thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Nghị định 29/2021/NĐ-CP và xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ; giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng: thực hiện Thanh tra, kiểm tra quản lý, giám sát tình hình triển khai dự án xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng (nếu có) theo quy định; Giao UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác bồi thường, GPMB để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, giám sát việc triển khai đầu tư xây dựng đảm bảo theo chấp thuận chủ trương đầu tư và quy hoạch được duyệt.
Ông Nguyễn Văn Ngọc- Phó Giám đốc sở Xây Dựng tỉnh Vĩnh Phúc thông tin tới Báo chí về dự án nhà ở xã hội trong buổi hội nghị giao ban Báo chí. |
Theo đó, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản phù hợp với hệ thống pháp luật và thực tiễn. Tuy nhiên việc phát triển nhà ở xã hội bị chỉ phối bởi nhiều ngành luật như đất đai, xây dựng, đầu tư, đấu giá,... trong khi một số quy định giữa các Luật chưa thống nhất, quy định chưa cụ thể mà nhiều khi cách hiểu chưa thống nhất giữa các ngành dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện. Chính sách pháp luật đối với thị trường bất động sản, nhà ở xã hội còn chưa sát, chưa có tính dự báo, công cụ pháp luật của nhà nước đôi khi là chạy theo, hoặc không điều tiết được thì thực hiện việc cấm. Mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể, thậm chí cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn, do đó việc triển khai thực hiện còn có nhiều vướng mắc như: Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục xác định giá đất để được miễn, giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội phải được cơ quan nhà nước thẩm định gây kéo dài thời gian, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội còn chưa hấp dẫn (lợi nhuận định mức không được quá 10% đối với nhà để bán, 15% đối với nhà để mua), chưa thực chất (miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế..nhưng thực chất là ưu đãi cho người mua), bắt buộc phải dành 20% diện tích sàn nhà ở để cho thuê (sau 5 năm được bán) nhưng nhu cầu thuê thấp dẫn đến khó thu hồi vốn cho chủ đầu tư, chưa có chính sách cho phép doanh nghiệp được tạo lập quỹ nhà ở xã hội để dành cho người lao động của mình sử dụng (các vướng mắc này đến nay đã được hệ thống pháp luật về nhà ở mới ban hành xử lý xong).
Dự án nhà ở xã hội khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai tại phường Liên Bảo - Thành Phố Vĩnh Yên đã đưa vào sử dụng. |
Trong giai đoạn vừa qua, chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung giảm ưu đãi đầu tư (Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ hủy bỏ ưu đãi được dành 20% quỹ đất dự án nhà ở xã hội tập trung để kinh doanh nhà ở thương mại) làm giảm sức hút đối với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Luật Nhà ở mới được ban hành nên nhiều nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi pháp luật về phát triển nhà ở xã hội ổn định, rõ ràng mới tiếp tục triển khai đầu tư các dự án đang triển khai hoặc tham gia đầu tư dự án mới.
Trình tự, thủ tục mua, bán nhà ở xã hội, xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội còn nhiều khâu nhiều bước gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai thực hiện. Hệ thống các văn bản hướng dẫn, quy định chưa thống nhất gây khó khăn cho công tác triển khai, thực hiện. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vẫn chưa đủ sức khuyến khích các chủ đầu tư trong việc phát triển nhà ở xã hội, như các thủ tục đầu tư vẫn chưa có cơ chế rút gọn, còn nhiều thủ tục, khó khăn trong công tác về giao đất...
Bên cạnh đó cũng chưa có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp với thực tế tại các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người thu nhập thấp, những cán bộ, công chức chưa có nhà ở có thể tiếp cận để mua nhà ở, ổn định cuộc sống. - Công tác tuyên truyền, giáo dục và quán triệt các chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai còn chưa hiệu quả. Tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai và các cơ quan liên quan còn nhiều bất cập, hạn chế. - Thiếu hụt nhân sự quản lý: Mặc dù bộ máy quản lý Nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh đã được phân cấp thực hiện.
Để thực hiện hiệu quả đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương đề xuất các giải pháp căn cơ tháo gỡ khó khăn, có cơ chế huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bất động sản lớn; có cơ chế, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội; Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân; Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục, giảm thời gian xét duyệt các dự án phát triển nhà ở thu nhập thấp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, sớm có sản phẩm để đối tượng được phép mua nhà ở xã hội có nhiều cơ hội tiếp cận; Xây dựng hệ thống thông tin quy hoạch số và xây dựng kế hoạch triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có kế hoạch thực hiện và các bước triển khai quy hoạch được phê duyệt.
Khu nhà ở hỗn hợp và thu nhập thấp An Phú ở TP Vĩnh Yên do Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Phú làm chủ đầu tư là một trong những dự án nhà ở xã hội đã được đưa vào sử dụng. |
Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với Chương trình phát triển nhà ở và phù hợp với tình hình thực tế của giai đoạn; Rà soát điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở mới được ban hành để có cơ sở triển khai các dự án mới; Xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2026-2030; Tiếp tục triển khai đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án có nhà ở xã hội để sớm khởi công xây dựng công trình trong năm 2024.
5 Dự án có thể khởi công cuối năm hoặc đầu quý 1/ 2025
Nhà ở xã hội Phúc Thắng
Nhà ở xã hội Khu đô thị Định Trung (VCI)
Công trình nhà ở xã hội phường Khai Quang thành phố Vĩnh Yên
Đăng ký trước ngày 30/11/2024 - Kiến nghị Ủy ban tỉnh chậm nhất quý 1 phải khởi công
Dự án nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị Việt Đức
Nhà ở xã hội thuộc khu đô thị Nam Vĩnh Yên