Vĩnh Phúc vượt thách thức, vững vàng bước sang thập niên mới
Nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu 2021, ông LÊ DUY THÀNH - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có cuộc trò chuyện cởi mở, chia sẻ với Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường về những kết quả nổi bật trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh nhà, định hướng năm 2021 – năm bản lề của nhiệm kỳ mới, một thập niên mới.
Ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
* Trong năm 2020, Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên có bệnh nhân lây nhiễm Covid-19. Điều này đã ảnh hưởng như thế nào đến tình hình phát triển kinh tế địa phương và những thành tựu đạt được, thưa ông?
Năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng đã và đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên có người lây nhiễm, tác động không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết liệt chỉ đạo, tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng chống dịch bệnh, vừa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, năm 2020 kinh tế của tỉnh cơ bản ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, các hoạt động văn hóa, an ninh chính trị, trật tự xã hội vẫn được đảm bảo.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2020 ước tăng 2,21%. Trong đó, khu vực nông thôn, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,88% khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 3,92%; khu vực dịch vụ tăng 0,32% so với cùng kỳ năm 2019.
Quy mô GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 122,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,68 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 3,1% so với năm 2019. Đưa giá trị GRDP lên 104,7 triệu đồng/người tăng 1,7 triệu/người so với năm 2019.
Một trong những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, là công tác xúc tiến đầu tư. UBND tỉnh đã ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT –TTg của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong thời gian giãn cách xã hội, các hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn được tiếp tục thực hiện qua hình thức mạng xã hội zalo, điện thoại hoặc bằng văn bản. Do vậy, kết quả thu hút vốn đầu tư năm 2020 có giảm so với năm trước nhưng vẫn vượt kế hoạch đề ra. Trong đó vốn FDI ước đạt 666,16% triệu USD, bằng 57,49% so với năm 2019, vượt 22,12% so với kế hoạch (550 triệu USD) với 31 dự án cấp mới và 44 dự án tăng vốn; vốn DDI ước đạt 7.468,73 tỷ đồng, bằng 49,54% so với năm 2019, vượt 35,8% so với kế hoạch đề ra.
Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 31.250 tỷ đồng, bằng 93,2% trong đó thu nội địa đạt 27.450 tỷ đồng, bằng 93,5 dự toán và bằng 88,7% so với năm 2019. Chi ngân sách đạt 17.378,8 tỷ đồng bằng 98,7% so với dự toán tăng 4,7% so với năm 2019.
Một góc thành phố Vĩnh Yên.
* Vai trò của ngành Y tế trong quá trình phòng chống dịch Covid-19 đã để lại dấu ấn quan trọng, tác động trực tiếp đến việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Ông nhận định và đánh giá gì về vấn đề này?
Ngay khi trên địa bàn xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, huy động mọi nguồn lực tập trung chống dịch bằng nhiều phương pháp.
Tổng số trường hợp bị dương tính với Covid-19 là 12 người, ngành Y tế đã thực hiện lấy mẫu 11.317 trường hợp, theo dõi, giám sát tại tỉnh 15.352 người. 12/12 người dương tính với Covid-19 đã được chữa khỏi.
Với việc phòng chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khỏe người dân tốt, đây cũng là bước đệm để các doanh nghiệp sản xuất và thu hút đầu tư được hiệu quả.
Thi trấn Tam Đảo - Một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Vĩnh Phúc.
* Trước khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Tỉnh ủy có những định hướng phát triển kinh tế - xã hội như thế nào cho năm 2021?
Năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong và ngoài nước. Để khắc phục khó khăn, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đặt ra cho năm 2021, tạo tiền đề cho thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, cần có sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; sự sáng tạo, quyết liệt, mạnh mẽ tìm ra các giải pháp căn cơ của từng vấn đề.
Tiếp tục cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết số 04–NQ/TU ngày 20/10/2017 của Tỉnh ủy về tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc năm 2025. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Tập trung nguồn lực xây dựng các công trình lớn phục vụ phát triển kinh tế, xã hôi và đời sống nhân dân. Tiếp tục phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân.
Đẩy mạnh tiến độ thực hiện đền bù, giải phóng mắt bằng, nhất là giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp, các dự án lớn, các công trình, dự án trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng đô thị.
Tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội và an sinh xã hội. Nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong tình hình mới.
* Trân trọng cảm ơn ông!
VIỆT AN (thực hiện)