Vụ bê bối trứng nhiễm độc làm rúng động châu Âu
SK&MT - Trứng nhiễm thuốc trừ sâu, vụ bê bối thực phẩm mới nhất ở châu Âu đang làn rúng động người tiêu dùng cũng như giới hữu trách.
Cơ quan an toàn thực phẩm ở Anh, Pháp, Thụy Sỹ, Thụy Điển đang khẩn trương truy xuất nguồn gốc của tất cả trứng được bán ở siêu thị. Thịt gà cũng phải qua kiểm tra đột xuất bởi theo Ủy ban châu Âu, thịt gà cũng có thể nhiễm độc thuốc trừ sâu fipronil.
Hàng triệu trứng nhiễm độc bị hủy bỏ
Các động thái trên diễn ra sau khi một số trứng bị phát hiện có chứa hàm lượng cao thuốc trừ sâu độc hại Fipronil, vốn bị cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm cho con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chất có độc tính cao Fipronil có thể phá nát gan, thận và tuyến giáp nếu như người dùng tiêu thụ một lượng lớn Fipronil.Các chuyên gia cho biết, Fipronil thường được sử dụng trong các sản phẩm thú y để tiêu diệt bọ chét, chấy và nhiều loại côn trùng gây hại khác nhưng bị cấm sử dụng đối với những loại gia súc, gia cầm là thực phẩm cho người.
Do vậy, tiêu hủy trứng nhiễm độc và kiểm tra các chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc, nơi nhập khẩu là những việc mà các nước châu Âu đang tiến hành để có thể sớm chấm dứt vụ bê bối, lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng cũng như vực dậy ngành chăn nuôi vốn bị thiệt hại đáng kể sau dịch cúm gia cầm.
Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Christian Schmidt tuần trước cho rằng, việc để hàng triệu quả trứng nhiễm thuốc trừ sâu là một tội ác. Các công tố viên của Bỉ và Hà Lan đã mở cuộc điều tra làm rõ vụ việc, trong đó đối tượng trung tâm của cuộc điều tra là một hãng bán lẻ chất loại bỏ chấy, rận của Hà Lan và một công ty cung cấp chất này của Bỉ.
Chăn nuôi gia cầm là thế mạnh của Hà Lan, riêng trong năm 2016, khoảng 1.000 trang trại chăn nuôi gia cầm của nước này đã sản xuất 10 tỷ quả trứng. Số trứng này có mặt trên thị trường trong nước và một số nước thành viên EU. Đối mặt với vụ bê bối trứng “bẩn”, Chính phủ Hà Lan cho biết sẽ hỗ trợ khẩn cấp đối với người chăn nuôi trong việc tiêu hủy gà và trứng.Người phát ngôn Cơ quan An toàn thực phẩm Hà Lan Tjitte Mastenbroek khẳng định: “Chúng tôi đang kiểm tra độc tính trong thịt gà tại những trang trại nơi trứng nhiễm độc bị phát hiện. Nếu thuốc trừ sâu không xuất hiện trong thịt gà, nông trại sẽ được tiếp tục thực hiện các hoạt động buôn bán”. Ông Mastenbroek so sánh cuộc kiểm tra này như một biện pháp đề phòng và công tác kiểm tra tập trung vào hàng chục nông trại sản xuất trứng và thịt gà trong cả nước.
Một cuộc điều tra hình sự được mở khi châu Âu thu hồi hàng triệu quả trứng gà nhiễm thuốc trừ sâu có thể gây chết người. Các cửa hàng, nhà kho ở Đức và Hà Lan đang phải thu hồi hàng triệu quả trứng, trong khi Bỉ cấm bán trứng gà. Những hành động này được đưa ra sau khi việc xét nghiệm phân gà, máu gà và trứng gà cho thấy có hàm lượng thuốc trừ sâu độc hại bị cấm dùng trong việc sản xuất thức ăn cho con người đã được tiêu thụ.
Vụ việc gây tranh cãi nhiều hơn khi Bỉ cáo buộc Hà Lan đã phát hiện trường hợp nhiễm thuốc trừ sâu độc hại từ tháng 11/2016, tức là 9 tháng trước khi bê bối trứng bẩn tại châu Âu bị phanh phui.
Trong phiên điều trần tại Quốc hội ngày 9/8, Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ Denis Ducarme cho biết Cơ quan An toàn thực phẩm Bỉ đã có được một tài liệu nội bộ của Hà Lan, trong đó báo cáo về việc theo dõi sự hiện diện của loại thuốc trừ sâu fipronil trong trứng gà của Hà Lan vào cuối tháng 11/2016.
Hà Lan có gần 1.000 trại gà, sản xuất 11 tỉ trứng gà/năm, trong đó hơn một nửa là xuất khẩu, chủ yếu qua Đức. Đến nay, khoảng 180 trại gà tại Hà Lan phải tạm ngưng hoạt động, trong khi một cuộc điều tra hình sự được mở vì chính quyền cần xác định tầm cỡ của vấn nạn này.Hội Liên hiệp Nông nghiệp và làm vườn của Hà Lan (LTO) cho biết sắp tới khoảng hơn 5 triệu gà đẻ trứng tại 150 công ty của nước này sẽ bị tiêu hủy. Cho tới thời điểm ngày 7/8, đã có 150.000 gà bị tiêu hủy.Nhật báo De Volkskrant (Hà Lan) đưa tin chất độc Fipronil đã được sử dụng tại các trại gà Hà Lan từ hơn một năm qua.
Bê bối "trứng bẩn" xảy ra chỉ hai tuần sau khi cảnh sát Tây Ban Nha cùng 8 cơ quan thành viên của Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) gồm Bỉ, Anh, Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Romania, Thụy Sĩ và Hà Lan triệt phá một đường dây tội phạm có tổ chức liên quan việc đưa “thịt ngựa bẩn” vào tiêu thụ tại các thị trường ở châu Âu.
Theo Europol, nhà chức trách Tây Ban Nha đã phát hiện những con ngựa già, ốm yếu có nguồn gốc từ Bồ Đào Nha và khu vực miền Bắc Tây Ban Nha được giết mổ tại 2 lò mổ khác nhau. Sau khi được chế biến, thịt của những con ngựa này được vận chuyển tới Bỉ, một trong những nước xuất khẩu thịt ngựa lớn nhất ở Liên minh châu Âu. Thủ đoạn của nhóm tội phạm này là làm giả các chíp điện tử và giấy tờ để biến số thịt ngựa trên thành loại thịt được phép tiêu thụ tại châu Âu.. Trong vụ việc trên, lực lượng cảnh sát bán vũ trang Tây Ban Nha đã bắt giữ 65 đối tượng tình nghi sát hại động vật, làm giấy tờ giả, xâm hại sức khỏe người dân, rửa tiền và tham gia tổ chức phạm tội. Theo Điều phối viên của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) Francoise Dorcier, việc gia tăng các vụ bê bối thực phẩm “bẩn” cho thấy mức độ nguy hiểm của giới tội phạm sẵn sàng làm giả bất cứ sản phẩm đồ ăn, thức uống nào bất chấp tác hại đối với con người.
Các bê bối về thực phẩm "bẩn" và thực phẩm giả đang là nỗi lo của người tiêu dùng châu Âu. Để ngăn chặn tình trạng này, từ 6 năm qua, Europol và Interpol thường xuyên tiến hành các chiến dịch truy quét thực phẩm “bẩn”, thực phẩm giả và kém chất lượng. Lực lượng chức năng đã tiến hành hàng trăm nghìn cuộc kiểm tra tại các cửa hàng, chợ, sân bay, cảng biển, các khu công nghiệp và thu giữ lượng thực phẩm giả có hại cho sức khỏe trị giá lên tới hàng trăm triệu Euro, đồng thời thu giữ, tiêu hủy hàng chục tấn thực phẩm kém chất lượng. Tuy nhiên, để ngăn chặn các vụ bê bối “trứng bẩn”, “thịt ngựa bẩn” đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành và lương tâm của người kinh doanh.
Linh Đức