Vùng đồng bào dân tộc Chăm An Giang khởi sắc
Nét văn hoá truyền thống đồng bào dân tộc Chăm được giữ gìn và phát huy. |
An Giang là tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có núi và đường biên giới dài gần 100km, giáp với tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Dân số toàn tỉnh 2,164 triệu người, gồm 4 dân tộc chủ yếu: Kinh, Hoa, Khmer và Chăm (dân tộc Chăm có hơn 15.327 người, chiếm 0,67%).
Cùng đồng chí Nguyễn Nhu, Phó chủ tịch thị trấn Đa Phước (huyện An Phú) đi trên những con đường vào làng Chăm, điều dễ dàng nhận thấy là các tuyến đường đều được bê tông hóa, nhà cửa khang trang, xanh, sạch.
“Những năm qua, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, làng Chăm Đa Phước đã được quan tâm, đầu tư và trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Nơi đây không chỉ có những thánh đường uy nghiêm, đồng bào Chăm Đa Phước còn được biết đến là những “bậc thầy” dệt thổ cẩm nổi tiếng bởi những sản phẩm may, đan, thêu, kết cườm trên trang phục truyền thống người hồi giáo. Năm 2023, Đa Phước được nâng lên thị trấn, qua đó đã mở ra nhiều cơ hội cho địa phương phát triển KT-XH, nhờ đó đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nhất là đối với ĐBDT Chăm”, đồng chí Nguyễn Nhu nói.
Thánh đường Hồi giáo ở An Giang. |
Chúng tôi được biết, cùng với việc tập trung mọi nguồn lực, những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển KT-XH trong ĐBDT Chăm. Nổi bật là, tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được hơn 8,2 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở cho hơn 300 hộ, đào tạo chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động kinh phí hơn 6 tỷ đồng; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho 64 hộ kinh phí 512 triệu đồng; xây tặng 1.165 căn nhà cho gia đình khó khăn.
Bên cạnh đó, tỉnh An Giang cũng đã triển khai “Dự án phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp cho người dân tộc Khmer, Chăm” để hỗ trợ phát triển Hợp tác xã dệt thêu Châu Giang; đầu tư xây dựng các cụm tuyến dân cư vượt lũ phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào Chăm; xây dựng trường học cho các cấp học và được miễn học phí. Những năm qua có 8 em được cử tuyển học đại học và 14 em học dự bị đại học, nhiều trường hợp xin đi du học ở nước ngoài…
“Các chính sách an sinh xã hội đã phát huy hiệu quả, bộ mặt nông thôn vùng ĐBDT Chăm ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm, năm 2023 có 195 hộ (chiếm 5,57%) và 213 hộ cận nghèo (chiếm 6%). Đến nay, 100% ấp, xã vùng đồng bào dân tộc Chăm đều có điện lưới quốc gia, có nhà máy nước với hơn 90% hộ được lắp đặt điện kế và nước sạch sử dụng; đường giao thông được nhựa hóa hoàn toàn rất thuận lợi trong việc đi lại; có 3/8 xã có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống được công nhận nông thôn mới”, đồng chí Chau Anne, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết.
Những năm gần đây, đồng bào Chăm ở An Giang cũng đã tiếp thu những nét mới trong sinh hoạt văn hoá. Nhiều gia đình đã đơn giản các nghi lễ trong phong tục cưới hỏi, bởi họ nghĩ giờ giữ nhiều nghi thức sẽ mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến kinh tế.
Tiếp thu và chọn lọc, song ĐBDT Chăm vẫn quyết tâm giữ bản sắc truyền thống. Ví dụ như nghề dệt thổ cẩm, mặc dù thu nhập thấp, thị trường buôn bán khó khăn, nhưng nhiều gia đình vẫn giữ lại. Nhờ lồng ghép vào sản phẩm những nét văn hoá đặc sắc nên khách hàng rất ưa thích. Nghề dệt thổ cẩm đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào, là động lực để đồng bào Chăm giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống.
“ĐBDT Chăm là một cộng đồng nhỏ, nhưng luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt từ các cấp chính quyền, nhất là của LLVT tỉnh, chúng tôi rất biết ơn. Thông qua thực hiện các phần việc đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, gắn bó giữa LLVT với đồng bào, làm cầu nối giữa cơ sở với cấp ủy, chính quyền địa phương, vượt qua khó khăn, phát triển KT-XH, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, bà Sity Hara, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ Chăm phấn khởi nói.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang tặng quà tại các thánh đường Hồi giáo. |
Bên cạnh đó, thực hiện chức năng “Đội quân công tác”, hằng năm cùng với việc thăm hỏi, tặng quà vào mỗi dịp lễ, Tết, lực lượng vũ trang tỉnh An Giang thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động công tác dân vận... Các hoạt động đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố và nâng lên niềm tin của ĐBDT Chăm với Đảng, Nhà nước, Quân đội, với cấp ủy, chính quyền địa phương.
“Chúng tôi thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà các thành đường, tiểu thánh đường nhân dịp tháng chay Ramadan, Tết Roya Haji; tổ chức các đoàn y, bác sĩ đến khám bệnh, cấp thuốc; tặng quà cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; vận động sửa chữa, xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, “Mái ấm tình thương”; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vốn sản xuất, làm ăn, mua bán nhỏ, cải thiện đời sống cho ĐBDT Chăm… Hiệu quả từ phong trào “Dân vận khéo” không chỉ làm cho bà con tin yêu hơn về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ mà còn góp phần quan trọng giúp cho LLVT tỉnh An Giang hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.”, Đại tá Chau Chắc, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang chia sẻ.