WHO: Dịch COVID-19 đang ở một “thời điểm quyết định” trên toàn cầu
Phát biểu trước báo giới ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Tedros nhấn mạnh: “Chúng ta thực sự đang ở trong một tình huống rất dễ bị tổn thương, trong đó, sự bùng phát có thể phát triển theo bất kỳ hướng nào dựa trên cách thức mà chúng ta xử lý nguy cơ đó”.
Đề cập đến xu hướng thuyên giảm các ca nhiễm bệnh mới ở Trung Quốc, nhà lãnh đạo WHO nói: “Những gì đang xảy ra ở phần còn lại của thế giới là mối quan ngại lớn nhất của chúng ta hiện nay”.
Tính đến 6 giờ 30 ngày 28/2, tổng số trường hợp mắc Covid -19 trên thế giới là 82.774, trong đó tại Trung Quốc đại lục: 78.498 ca. Đã có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung quốc ghi nhận ca mắc với 4.276 trường hợp. Đáng chú ý, số bệnh nhân gia tăng nhanh chóng tại Hàn Quốc: 1.766, Ý: 655 và Iran: 245 ca.
Trên thế giới có tổng số trường hợp tử vong 2.814 bệnh nhân. Trong đó tại Trung quốc đại lục: 2.744 và 51 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung quốc có 70 ca. Ghi nhận gia tăng ca tử vong tại: Iran: 26, Ý: 17, Hàn Quốc: 13.
*Trong ngày 27/2, Iran đã ghi nhận thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số người chết ở nước này vì dịch Covid-19 lên 26 người, nhiều thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. Iran đã có 246 ca nhiễm bệnh. Nước này đã ra hạn chế đi lại trong nước với người nghi nhiễm hoặc xác nhận nhiễm. Điều đáng chú ý là nữ Phó tổng thống Iran Masoumeh Ebtekar đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Bà Ebtekar là thành viên cấp cao đầu tiên trong nội các của Tổng thống Hassan Rouhani bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19.
*Số trường hợp nhiễm virus ở Hàn Quốc đã lên tới con số 1.766 người, trong đó có 13 người tử vong. Việc Hàn Quốc trở thành nước có số người nhiễm Covid-19 nhiều thứ hai trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc đại lục) và lần đầu tiên nhiều hơn cả Trung Quốc về số ca nhiễm mới/ngày đã làm dấy lên lo ngại về khả năng kiểm soát dịch bệnh.
*Trong khi sự lây lan chưa dừng lại, việc phát hiện một công dân Mỹ (sống tại bang California) dương tính với Covid-19 nhưng không rõ nguồn lây đã gây sự quan tâm sâu sắc. Bởi ca bệnh này gần đây không tới vùng dịch, cũng không tiếp xúc gần với người nghi hoặc được xác nhận nhiễm virus Corona.
*Tính đến ngày 25/2, công suất sản xuất khẩu trang hàng ngày tại Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm ngày 1/2, lên hơn 72 triệu chiếc/ngày, về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất khẩu trang do nhu cầu tăng cao sau khi bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất khẩu trang cũng như giúp cải tiến công nghệ nhằm gia tăng sản lượng.
Chủng mới của virus Corona SARS-CoV-2 có một điểm đặc trưng là gây ra một lượng lớn chất nhầy bám dính trong vùng trong tiểu phế quản của bệnh nhân. Đây là lý giải mới nhất của chuyên gia hô hấp Chung Nam Sơn, người đứng đầu nhóm nghiên cứu dịch bệnh COVID-19 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC).
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thành phố Quảng Châu, ông Chung Nam Sơn cho biết việc những chất nhầy này cản trở đường thở có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng thứ phát và nhóm của ông đang nghiên cứu cách thức giải quyết vấn đề này.
Ông Chung Nam Sơn, 83 tuổi, chuyên gia hàng đầu Trung Quốc trong phòng chống dịch Viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003, cũng cho biết tỷ lệ tử vong trong nhóm các bệnh nhân nặng ở tâm dịch Vũ Hán hiện ở mức gần 60%. Các chuyên gia trong đội ngũ của ông đang nghiên cứu các giải pháp cho tình trạng thiếu O2 trong mô và một số phương pháp đã được chứng minh hiệu quả trong việc giảm triệu chứng khó thở ở các bệnh nhân tại Vũ Hán.
Khi được hỏi về những trường hợp bệnh nhân được xuất viện sau khi hồi phục nhưng sau đó lại có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, chuyên gia này cho biết COVID-19 là dịch bệnh truyền nhiễm mới và cơ chế truyền nhiễm bệnh dịch này vẫn còn đang được nghiên cứu.
Kỹ thuật viên làm việc trong phòng thí nghiệm ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 9/2/2020
*Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức hàng đầu của nước này quyên góp tiền để chống lại dịch Covid-19, đáp lại lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi tất cả các đảng viên quyên góp "tự nguyện" để hỗ trợ các nỗ lực phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19. Lời kêu gọi diễn ra trong bối cảnh các nhà chức trách Trung Quốc đối mặt với thách thức không chỉ ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh mà còn ổn định tăng trưởng kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng do các nhà máy, văn phòng và trường học trên khắp Trung Quốc bị đóng cửa với thời gian kéo dài.
Điều này lặp lại lời kêu gọi tương tự đưa ra sau trận động đất kinh hoàng năm 2008 ở tỉnh Tứ Xuyên, khi các đảng viên được khuyến khích quyên góp khoản “phí đặc biệt" cho các nỗ lực tái thiết và phục hồi.
Đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã chi hơn 100 tỷ Nhân dân tệ để chống lại dịch Covid-19, Economic Daily trích dẫn thông tin từ Bộ Tài chính Trung Quốc, cho biết hôm 27/2.
*Giới phân tích trên thế giới đang gấp rút đánh giá tác động do sự bùng phát của COVID-19. Trong đó, các chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics đưa ra 2 kịch bản đối với sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới.
Trường hợp dễ xảy ra nhất, theo Oxford Economics, là "một tác động kinh tế lớn nhưng ngắn hạn" tập trung ở Trung Quốc, trước khi dịch bệnh bùng phát đến mức gây ra đại dịch. Tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 0,2% đến tháng 2 trước khi tăng trở lại.
Công ty này dự đoán: Nếu COVID-19 bùng phát thành đại dịch ở châu Á, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 0,5%, tương đương 400 tỷ USD. Ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2020 trước khi phục hồi mạnh mẽ.
Nếu COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo sẽ giảm xuống mức gần 0% trong nửa đầu năm 2020, khi Mỹ và các nền kinh tế châu Âu bước vào suy thoái.
Hậu quả là GDP toàn cầu trong cả năm 2020 sẽ sụt giảm khoảng 1,3% đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu "bốc hơi" khoảng 1,1 nghìn tỷ USD.
Ở trường hợp đáng ngại hơn, kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi đại dịch được ngăn chặn. Khi đó, COVID-19 sẽ gây ra "cú sốc ngắn hạn nhưng rất mạnh" tới GDP toàn cầu, song kinh tế thế giới sẽ sớm phục hồi vào cuối năm 2020.
Để đưa ra những dự báo này, Oxford Economics đã căn cứ dịch SARS năm 2003 và dịch cúm lợn trong quá khứ. Theo đó, một đại dịch sẽ tác động đến các nền kinh tế thông qua một số yếu tố cụ thể như: Nhu cầu tiêu dùng, nguồn cung lao động, hành vi du lịch và vốn đầu tư...
Ngoài ra, khi có đại dịch, lĩnh vực tài chính trên thế giới sẽ phải chịu sự sụt giảm của giá cổ phiếu và chênh lệch thị trường tiền tệ ngày càng tăng./.
Linh Đức