WHO: Nghiện trò chơi điện tử là một bệnh
Theo quyết định này có thể gây bất ngờ với người chơi và các nhà sản xuất ra trò chơi vì trò chơi điện tử, một trò giải trí có tới 2,5 tỷ người chơi trên thế giới. Với quyết định này, WHO nhằm khuyến cáo một nguy cơ có thực và giảm bớt lo ngại cho các bậc phụ huynh mà thôi, chứ không phải để loại bỏ một trò chơi trí tuệ. Đó cũng là tiếng chuông cảnh báo cho các nhà quản lý chính quyền, tạo tiền đề để giới chuyên môn nghiên cứu về hậu quả của trò chơi điện tử đối với trẻ.
Theo nhật báo Le Figaro (Pháp), dán mắt vào màn hình và trò chơi điện tử giờ đã trở thành một chứng nghiện. Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất: “Nghiện màn hình: Các bậc cha mẹ kêu gọi trợ giúp”. Theo tờ báo, ngày càng có nhiều trẻ nhỏ được trang bị và mất hàng giờ trước các loại màn hình của chúng. Trẻ em bây giờ ngày càng dành thêm nhiều thời gian cho các thiết bị như điện thoại, iPad, máy tính. Năm 2017, mỗi tuần các em nhỏ tuổi từ 1-6 trung bình có 4 giờ 37 phút trên internet. Với lứa tuổi 13-19 thì con số đó là 15 giờ 11 phút.
Trước tình trạng này các ông bố bà mẹ thường bất lực không biết làm gì. Ngành giáo dục đang đặt vấn đề làm sao sử dụng cho đúng công nghệ số, trong khi đó thì WHO vừa xếp trò chơi điện tử vào danh sách các bệnh nghiện…
Tờ Les Echos (Pháp) nhận định: “Nghiện mạng xã hội là một thảm họa mới cho sức khỏe cộng đồng”. Theo nghiên cứu của giáo sư tâm lý Mỹ Jean Twenge, số lượng các cuộc gặp gỡ, hẹn hò trong giới trẻ, tỉ lệ học sinh trung học có bằng lái xe… sụt giảm từ năm 2012, ngược lại, tỉ lệ thanh thiếu niên trầm cảm, cô độc và có ý định tự vẫn tăng vọt đáng báo động. Thủ phạm chính là điện thoại thông minh. Giới thanh thiếu niên không ngừng lướt mạng, thu mình, đau khổ vì ghen với những người cùng trang lứa có điều kiện thường xuyên phô bày cuộc sống thường nhật trên mạng Facebook hoặc Instagram. Thậm chí, để không bị thua bè kém bạn, họ không thể rời chiếc điện thoại thông minh ngay cả ban đêm, khi đi ngủ.
Theo Les Echos, dù vẫn khó giải thích được về quan hệ nhân quả nhưng giới nghiên cứu bắt đầu có thể khẳng định rằng chính mạng xã hội có tác động đến não bộ, giống như một số chất gây nghiện (thuốc lá chẳng hạn). Vì trái với vô tuyến truyền hình, các mạng xã hội đưa ra những phần thưởng khác nhau: người sử dụng không bao giờ biết được sẽ nhận được bao nhiêu lượng like (thích) hoặc sẽ xem loại video nào.
Xã luận của Le Figaro gióng tiếng chuông “báo động kỹ thuật số”. Bài báo nhấn mạnh là: “Béo phì, cận thị, mất tập trung, học kém, giảm năng lực sáng tạo, rối loạn giấc ngủ và tính cách…Các viện nghiên cứu y khoa trên khắp thế giới đã lập ra một danh sách dài các chứng bệnh đang rình rập những đứa trẻ trong thời đại công nghệ số. Hậu quả không chỉ dừng lại ở vấn đề thể chất như vậy, mà còn cả về các vấn đề xã hội rộng hơn”.
Xã luận của Le Figaro nhấn mạnh: “Chính các Nhà nước phải đóng vai trò đầy đủ trong việc điều tiết thế giới mới, không để phó mặc các giá trị căn bản về văn hóa xã hội và chính trị cho một nhóm các nhà khổng lồ công nghệ số”.
Linh Đức