WRI: Năm 2017, thế giới mất 294.000 km vuông rừng
Đại diện của WRI nói tại một buổi họp báo ở diễn đàn Rừng Nhiệt đới tại thủ đô Oslo của Nauy, diễn ra từ ngày 27 đến 28/6 rằng rừng nhiệt đới đang bị mất đi với tốc độ tương đương khoảng 40 sân bóng mỗi phút.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất rừng nhanh chóng được các chuyên gia xác định là do nạn đốt phá rừng làm rẫy của người dân khu vực Amazon, Nam Mỹ và vùng châu thổ Congo ở châu Phi.
Các nước tàn phá rừng nhiều nhất theo báo cáo của WRI dựa theo các dữ liệu vệ tinh từ năm 2001 đến nay bao gồm Brazil, Cộng hòa Congo, Indonesia, Madagascar và Malaysia.
Bộ trưởng Môi trường Nauy, Ola Elvestuen nói rằng rừng đang mất đi ở mức thảm họa và đang đe dọa nỗ lực làm giảm hiện tượng ấm lên toàn cầu. Ông cho rằng việc tàn phá rừng đang góp phần làm thay đổi khí hậu.
Ông Justin Adams, đại diện của nhóm môi trường Nature Conservancy cho biết hiện chỉ có 3% đầu tư công dùng để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu được đưa và các giải pháp tự nhiên như rừng.
Tổ chức Nông Lương (FAO) của LHQ vừa công bố một con số khiến nhiều người quan tâm đó là nạn rừng trên thế giới khiến cho môi trường sống của 2/3 loài trên Trái đất bị thu hẹp, đa dạng sinh học bị suy giảm và với đà này trong tương lai không xa, chúng ta sẽ phải nói lời chia tay với 100 loài. Bên cạnh đó, việc chuyến đổi đất rừng sang đất nông nghiệp, đất định cư, thu hoạch gỗ không bền vững, quản lý đất đai không hiệu quả… cũng là những lý do phổ biến nhất cho sự thất thoát rừng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Nghiên cứu mới nhất của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) công bố cho biết: Diện tích rừng bị mất hàng năm này làm gia tăng 6 tỷ tấn CO2 gây hiệu ứng nhà kính, gấp 3,6 lần lượng khí thải do các nhà máy điện và các nhà máy công nghiệp của Liên minh châu Âu thải vào khí quyển năm 2010 theo chương trình tín dụng khí thải của Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu của UNEP xác định rừng có thể hỗ trợ giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 20ºC, mức tăng nhiệt độ an toàn để biến đổi khí hậu không đe dọa cuộc sống nhân loại vào cuối thế kỷ này, nếu giảm được 50% diện tích rừng bị mất vào năm 2030. Để đáp ứng mục tiêu này, thế giới cần đầu tư từ 17-33 tỷ USD mỗi năm để trồng rừng và khôi phục các diện tích rừng bị mất.
Các nhà kinh tế thế giới đã chứng minh rằng, nếu không lồng ghép các giá trị của rừng vào kế hoạch chi ngân sách thì các quốc gia và các nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt. Sự bần cùng hóa là tất yếu bởi việc gây tổn hại đến sự sống của rừng, trong khi rừng hỗ trợ cho đời sống hàng ngày của chúng ta.
Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp Brazil (INPE) và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã có kế hoạch phóng vệ tinh mang tên Đài quan sát hệ sinh thái mặt đất toàn cầu (GTEO), nhằm theo dõi được nạn phá rừng và ảnh hưởng đến hệ sinh thái quanh khu vực rừng nhiệt đới Amazon và những hệ sinh thái khác quanh Trái đất.
GTEO có thể theo dõi quá trình phát triển của thảm thực vật toàn cầu qua một máy quay tia hồng ngoại, sẽ chia tách dữ liệu với tính chính xác cao. Sử dụng công nghệ này sẽ tiêu tốn hết 250 triệu USD, song giúp các nhà khoa học dự báo được tác động của chuỗi phản ứng carbon và hệ sinh thái trong những điều kiện khí hậu khác nhau.
Người đứng đầu của Cơ quan vũ trụ Brazil, ông Gilberto Camara, cho hay thiết bị mới này sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi lại những hệ sinh thái đã bị con người tàn phá.
Linh Đức