Xanh hóa môi trường tại cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở trợ giúp xã hội
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội đang cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và công tác xã hội cho 50.000 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 110 cơ sở cai nghiện ma túy đang tổ chức cai nghiện ma túy cho hơn 40.000 học viên.
Trong thời gian qua, nhiều cơ sở trợ giúp xã hội, cai nghiện ma túy hoạt động hiệu quả, số lượng đối tượng được phục hồi ngày càng tăng. Nhiều cơ sở có đầy đủ các phân khu chức năng đồng bộ về chăm sóc, nuôi dưỡng, văn hóa, thể thao, vật lý trị liệu, hướng nghiệp, lao động trị liệu, phục hồi chức năng cho đối tượng, đảm bảo môi trường xanh, sạch, thân thiện.
Xanh hóa môi trường tại cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở trợ giúp xã hội |
Điển hình như: Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần TP. Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An; Trung tâm Bảo trợ xã hội Sơn La, Trung tâm Bảo trợ xã hội và công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long; Cơ sở cai nghiện ma túy TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn La, Sóc Trăng, Cần Thơ và một số cơ sở khác.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra tại một số địa phương cho thấy nhiều cơ sở trợ giúp xã hội, cai nghiện ma túy cơ sở vật chất xuống cấp, diện tích cơ sở hẹp, không đủ các phân khu chức năng phù hợp với các nhóm đối tượng, không gian sinh hoạt chật hẹp không khép kín. Diện tích đất để bố trí tỷ lệ cây xanh còn ít, có xu hướng bê tông hóa.
Điều kiện về cơ sở vật chất khác và số lượng cán bộ, nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng, cai nghiện và phục hồi cho đối tượng chưa bảo đảm quy định.
Bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết, do các cơ sở cai nghiện xây dựng đã lâu hoặc tiếp nhận cơ sở vật chất từ hệ thống khác nên không có thiết kế phù hợp với việc tổ chức cai nghiện; mặt khác, do không được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên đã xuống cấp rất nghiêm trọng.
Hiện hơn 50% cơ sở cai nghiện ma túy không đảm bảo các yêu cầu, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu để thực hiện quy trình chuyên môn về cai nghiện ma túy cũng như các điều kiện sinh hoạt cho người cai nghiện.
Hơn nữa, đội ngũ cán bộ tại các cơ sở cai nghiện thiếu về số lượng; chưa được chuẩn hóa theo các quy định về đôi ngũ viên chức; chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về cai nghiện ma túy theo quy trình cai nghiện của Nghị định 116/2021/NĐ-CP.
Đến nay, vẫn còn ít địa phương quan tâm, bố trí kinh phí kinh phí cho việc nâng cấp, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị cho cơ sở cai nghiện theo quy định Nghị định 116/2021/NĐ-CP. Số vốn được bố trí cũng ở mức thấp.
Bên cạnh đó, chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ, công việc nên không thu hút được lao động làm việc lâu dài, đặc biệt đối với các vị trí y sĩ, bác sĩ, gây khó khăn cho hoạt động của cơ sở; không nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc.
Để bảo đảm cơ sở vật chất đồng bộ, đáp ứng tiêu chí, điều kiện theo quy định của pháp luật và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, ngày 12/8, Bộ LĐTB&XH đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng ở địa phương rà soát hiện trạng cơ sở vật chất các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy.
Trước hết là diện tích đất tự nhiên, điều kiện về khu nhà ở, khu vệ sinh, khu nhà bếp, khu rèn luyện thể thao, văn hóa, khu lao động trị liệu; đối chiếu các tiêu chí, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự của các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy quy định tại Nghị định số 103/2017/NĐ-CP và Nghị định số 116 /2021/NĐ-CP, đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí, điều kiện theo quy định, nếu chưa đáp ứng thì có văn bản trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy có giải pháp kiện toàn về cơ sở vật chất, nhân sự theo quy định.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở KH&ĐT, Tài chính phối hợp với Sở LĐTB&XH và các ban ngành liên quan ở địa phương tham mưu, trình UBND tỉnh, thành phố xem xét, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương đầu tư cho các cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở cai nghiện ma túy công lập, nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững theo quy định tại Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vận động Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các hội, đoàn thể phát động hỗ trợ trồng cây xanh, phát triển không gian xanh và môi trường sống thân thiện tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cai nghiện ma túy trên địa bàn.