Xây dựng cụm công nghiệp sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo, hướng tới trung hòa cacbon tại Gia Lai
Ngày 21/5, tại thành phố Pleiku (Gia Lai) đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022. Hơn 400 đại biểu các tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tham dự hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội của cả nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng năm 2021 là năm thực sự khởi sắc của kinh tế tỉnh Gia Lai.
Trong thu hút đầu tư, có 60 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, vốn đăng ký 29.227 tỷ đồng; 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỷ đồng. Thu ngân sách tăng cao, đạt gần 8.000 tỷ đồng. Gia Lai chính thức gia nhập nhóm các tỉnh thành có mức thu ngân sách trên 5.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec đã có bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh sự quan tâm hợp tác, đầu tư vào Gia Lai và những triển vọng phát triển kinh tế tại đây của công ty, nhất là trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, nông sản...
Ông Phạm Hồng Điệp phát biểu tại hội nghị.
Theo ông Phạm Hồng Điệp, mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái đã được Shinec thực hiện thành công tại KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng). Tại đây, các doanh nghiệp trong KCN có mối liên kết cộng sinh, hỗ trợ nhau, xây dựng kinh tế tuần hoàn ngay trong KCN với môi trường cảnh quan sinh thái cùng các dịch vụ và tiện ích khác biệt cho Nhà đầu tư và người lao động.
Với định hướng trở thành nhà đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp bền vững tại Việt Nam, Công ty Shinec cam kết mang đến hệ sinh thái công nghiệp ứng dụng kinh tế tuần hoàn bằng những liên kết cộng sinh, phát triển kinh tế bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng cảnh quan sinh thái gắn liền với văn hoá – lịch sử của địa phương, mang lại các giá trị thiết thực cho Nhà đầu tư, Cộng đồng và Xã hội.
Nhấn mạnh vai trò, vị thế và tiềm năng của Gia Lai, ông Phạm Hồng Điệp cho rằng, nằm ở cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước Lào và Campuchia. Với hệ thống giao thông đường bộ tương đối thuận lợi qua QL14, 14C, QL19 nối cảng biển Quy Nhơn đến cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, QL25 đi Phú Yên, hệ thống cảng hàng không Pleiku kết nối với các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, TP. Đà Nẵng, Hải Phòng, …, cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh kết nối với Campuchia, ... Gia Lai đã trở thành vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của vùng Tây Nguyên.
Ngoài ra, với những lợi thế hiếm có về điều kiện tự nhiên thuận lợi, vùng đất đỏ màu mỡ rộng lớn với địa hình đồi núi cao nguyên và thung lũng mặt bằng xen kẽ, Gia Lai đã và đang phát huy được tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp với quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến và phát triển du lịch với nhiều các Dự án gia tăng đáng kể cả về số lượng và quy mô vốn đầu tư. UBND tỉnh Gia Lai cũng đã rất quyết liệt và tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan thủ tục, có những biện pháp đột phá trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, cải cách thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, đơn giản hoá các quy trình, từ đó tạo điều kiện rất thông thoáng cho các nhà đầu tư như Shinec nghiên cứu và đầu tư dự án tại đây.
Gia Lai phấn đấu thu hút và đưa vào hoạt động mới 3.000-3.500 MW với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 156 ngàn tỷ đồng, tập trung vào dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, thủy điện, nhiệt điện.
Với môi trường đầu tư hấp dẫn và nhiều tiềm năng như Gia Lai, Công ty Shinec có kế hoạch đầu tư tại đây chuỗi liên cụm công nghiệp kèm theo các dự án phụ trợ như Dự án nhà ở xã hội, Khu du lịch sinh thái, ... Trước tiên, Công ty Shinec đang hoàn thiện thủ tục liên 02 CCN tại ĐakĐoa – Đây là mô hình CCN sinh thái chuyên thu hút các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và chế biến nông lâm sản, tối ưu hiệu quả sản xuất và hình thành chuỗi logistics, sử dụng năng lượng tái tạo, hướng tới trung hòa cacbon để tận dụng lợi thế các chứng chỉ sản xuất xanh, nguồn tín dụng xanh hướng tới xuất khẩu các sản phẩm ra quốc tế, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của địa phương, gia tăng giá trị cho các Nhà đầu tư và đóng góp lớn cho Ngân sách của tỉnh.
Ông Phạm Hồng Điệp cho biết, Shinec có kế hoạch liên kết và hợp tác với các dự án tại địa phương như dự án CCN-TTCN của Công ty Cao Su Mang Yang để tối ưu hoá bài toán kết nối giao thông và đầu tư cơ sở hạ tầng, Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Chư Sê của Công ty Việt Phúc và một số các nhà sản xuất chế biến nông sản xuất khẩu lớn tham gia vào các Hiêp định thương mại EVFTA, CPTPP để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản, đẩy mạnh đầu tư và phát triển logistics trong chuỗi sản xuất, phục vụ xuất khẩu hàng hoá, từ đó góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội của tỉnh Gia Lai.
Hiện nay, Công ty Shinec đang tiếp tục nhân rộng mô hình khu, cụm công nghiệp sinh thái và triển khai các dự án tại một số các tỉnh thành tại Việt Nam với mong muốn đóng góp và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển kinh tế bền vững, gắn chặt văn hoá vùng miền vào từng mô hình đầu tư để gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc và nâng cao các giá trị kinh tế - xã hội.
THANH AN