Xuôi dòng chợ nổi Ngã Năm
Một góc chợ nổi Ngã Năm. |
Chợ nổi Ngã Năm thuộc thị xã Ngã Năm, cách thành phố Sóc Trăng khoảng 60 km. Tên gọi Ngã Năm xuất hiện khi người Pháp đào kênh quản lộ Phụng Hiệp và kênh Xáng cắt ngang kênh Xẻo Chích tạo thành điểm giao của năm con sông hướng về năm ngã: Long Mỹ, Vĩnh Quới, Phụng Hiệp, Phước Long và Phú Lộc.
Đến chợ nổi Ngã Năm vào đúng thời điểm họp chợ, du khách sẽ thấy toàn cảnh khu chợ như một bức tranh tả thực sống động, nhiều màu sắc. Màu sắc từ các loại rau củ, hoa quả; những chiếc ghe lớn, nhỏ, xuồng năm lá, ba lá xuôi ngược nhộn nhịp; âm thanh náo động cả một vùng sông nước.
Miền Tây Nam Bộ với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, cộng thêm đất đai khá phì nhiêu do lượng phù sa màu mỡ từ sông Mê Kông bồi đắp, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại cây nông sản phát triển. Các loại cây trái, rau củ, quả ở đây rất đa dạng và phong phú cả về trữ lượng và chất lượng, nên nông dân thường không dùng hết sau khi thu hoạch, hơn nữa mặt hàng này có thời gian bảo quản ngắn, từ đó xuất phát nhu cầu trao đổi, buôn bán giữa các tiểu nông. Họ thường chở các loại hoa màu thu hoạch được, tụ họp lại trên một đoạn sông để trao đổi, mua bán. Lâu dần, thói quen tự phát này đã trở thành cái nghề thứ 2 của họ trong những lúc nhàn rỗi, có người đã chuyển hẳn sang nghề thương lái và tiếp tục truyền cho con cháu.
Ông Bành Phước An, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Chợ nổi Ngã Năm có từ thế kỷ thứ 19, nó nằm ở vị trí rất là thuận tiện trong việc giao thông đường thủy trước đây. Chợ nổi Ngã Năm là điểm giao thương của nhiều địa phương như Bạc Liêu, Hậu Giang... tập trung về giao lưu, buôn bán hàng hóa, dần dà hình thành chợ nổi.”
Chợ nổi Ngã Năm nhóm họp vào sáng sớm. |
Chợ nổi Ngã Năm thường họp chợ khá sớm từ 2-3 giờ sáng và kéo dài đến 8 giờ thì tan dần. Đông đúc nhất thường từ 5 giờ đến 6 giờ với cảnh hàng trăm ghe thuyền tụ họp, nhộn nhịp cả bến sông. Đây thời gian lý tưởng nhất để trải nghiệm chợ nổi. Vào dịp gần tết nguyên đán, chợ nổi Ngã Năm hầu như họp từ sáng đến tối khiến không khí càng tấp nập hơn.
Ông Nguyễn Trung Chỉnh, Tiểu thương chợ Ngã Năm, thị xã Ngã Năm tâm sự: “Ngày xưa chợ nổi đông lắm, chỉ riêng dàn ghe khóm đã hơn 30-40 chiếc, đậu dày đặc cả nhánh sông, xuồng ghe đi qua chợ còn khó khăn, xuống ghe chen chút có lúc đi qua sông chỉ cần bước nhờ những chiếc xuồng đậu trên sông.”
Gọi là “chợ nổi” bởi các hoạt động buôn bán, trao đổi đều diễn ra trên mặt sông thay vì trên bờ như ở các vùng, miền khác. Người bán, kẻ mua đều dùng xuồng, ghe để di chuyển và thực hiện các giao dịch trên sông.
Chủng loại hàng hóa của chợ nổi Ngã Năm rất phong phú và đa đạng, từ các loại gạo ngon nổi tiếng của vựa lúa lớn trong khu vực cho đến các loại rau, củ quả miệt vườn; từ các mặt hàng nông sản, hải sản cho đến các vật dụng sinh hoạt, gia dụng hằng ngày… Để giúp cho việc truyền tải thông tin dễ dàng giữa bên bán và bên mua, cây bẹo chính là phương tiện quảng cáo hữu hiệu của loại hình chợ nổi. Dụng cụ này thường được làm từ loại tre tầm vong già, uốn thẳng, dài khoảng 4-5 m, góc vạt nhọn cho dễ cắm và kìm ghe khi đậu, ngọn thì đục lỗ có thể xiên dây qua để treo hàng hóa. Người mua chỉ cần đứng từ xa, nhìn vào những cây Bẹo để quan sát và tìm loại hàng muốn mua.
Thương lái trao đổi hàng hóa trên chợ nổi. |
Ông Bành Phước An cho biết thêm: “Từ sau đại dịch Covid-19, chợ nổi thưa dần, mặc dù sau đó chính quyền địa phương có tập trung các tiểu thương buôn bán tại một khu vực để bảo tồn chợ, nhưng số lượng tiểu thương tập trung về chỉ còn tầm khoảng 50 ghe. Chủ yếu là những ghe tàu lớn tập trung hàng hóa di chuyển lên bờ để buôn bán, còn ghe nhỏ buôn bán như trước đây thì còn rất ít, chủ yếu chỉ còn ghe đưa người dân qua lại trên sông”.
Số lượng phương tiện xuồng, ghe giảm dần do hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô chiếm ưu thế hơn, do giá thành vận chuyển thấp, nhanh, ít tốn thời gian, trọng tải vận chuyển hàng hóa lớn so với đường thủy nên một số thương hồ đang thay thế ghe, tàu và tự mở bến, vựa trên bờ để trao đổi, mua bán hàng hóa.
“Ngày xưa bán dưới sông cũng được, nhưng mà giao thông phức tạp, nhất là những khi có tàu ghe tải lúa chở ngang, từ khi lên trên bờ thì khỏe hơn, hàng hóa dễ vận chuyển hơn. Nếu so ra thì buôn bán không bằng trên bờ”, ông Phạm Văn Khởi, tiểu thương chợ Ngã Năm, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng nói.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, chợ nổi Ngã Năm là một sản phẩm du lịch tiêu biểu của thị xã Ngã Năm, mang nét đẹp văn hóa miền sông nước, hội tụ đủ điều kiện giá trị tiềm năng để hình thành sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội cần đầu tư định hướng phát triển trong thời gian tới. Chính vì thế, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội của Chợ nổi Ngã Năm sẽ góp phần tạo điểm nhấn, sức lan tỏa mang hình ảnh chợ nổi xa xưa được tái hiện lại để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
“Hiện tại, địa phương có nhiều tour du lịch được liên kết với Cà Mau, Bạc Liêu, điển hình là tour 2 ngày 1 đêm, du khách có thể trải nghiệm nhiều nơi trong chuyến hành trình tham quan chợ nổi như trải nghiệm làm trà mảng cầu, tham quan chợ nổi sáng sớm, đến thăm những làng nghề truyền thống, các khu di tích lịch sử tại địa phương.
Rất nhiều các mặt hàng được buôn bán trên chợ nổi. |
Trong chuỗi du lịch kết nối trong chuyến tham quan chợ nổi, du khách có thể tham quan những vườn mảng cầu gai, trải nghiệm nhiều sản phẩm được tạo ra từ loại cây này như: Trà, rượu, mứt ngọt,... Hay đến thăm vườn cò Tân Long, tiếp xúc với hàng trăm loài chim cò ríu rít và cũng có dịp tìm hiểu về tập tính sống của chúng. Nơi đây là ngôi nhà chung cho nhiều thành viên trong gia đình chim, từ hàng ngàn cò gà, cò trắng... cho đến cồng cộc, vạc và đặc biệt là diệc mốc. Nơi đây còn nổi tiếng với những món ngon dân dã ngon tuyệt, mang hương vị đặc trưng của vùng miệt vườn”, ông Nguyễn Chí Nguyện, Chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cho biết.
Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đang triển khai Đề án tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm là 1 trong 10 sản phẩm du lịch chủ lực được tỉnh tập trung thực hiện. Tong đó định hướng phục dựng lại phong cách thương hồ xưa, khuyến khích tiểu thương kinh doanh các món ăn truyền thống trên sông nước. Đồng thời, khai thác tuyến đường thủy từ trung tâm chợ Ngã Năm theo đường sông đi đến 5 ngã để du khách trải nghiệm, tham quan làng nghề, hoạt động văn hóa, văn nghệ men theo các tuyến sông này.
Việc phục dựng chợ nổi không chỉ từ phía chính quyền địa phương, mà còn là sự mong mỏi của người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Tấn Lẹ, khóm 1, phường 1, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng tâm sự: “Tôi là người dân Ngã Năm, bản thân cũng muốn cơ quan các cấp đầu tư duy trì lại cái chợ nổi. Thời gian qua chợ ngày càng mai một, nhất là lượng ghe xuồng trên sông còn nhiều, hiện đại hóa, đường lộ xe nên chợ ngày càng ít phát triển, mong rằng các ngành cấp trên có sự sắp xếp, tôn tạo lại chợ nổi để phục vụ cho người dân, cũng như du khách đến tham quan.”
Theo ông Võ Minh Thắng, Phó Bí thư Thường trực thị xã Ngã Năm, thị xã cũng đã xây dựng đề án phát triển du lịch chợ nổi Ngã Năm, tổ chức hội thảo và xác định rõ về nguồn gốc lịch sử hình thành, và đưa ra nhiều giải pháp. Trên cơ sở đó Thị ủy cũng đã chỉ đạo các ngành các cấp tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch, phát huy tiềm năng du lịch của địa phương.
Một góc thị xã Ngã Năm nhìn từ trên cao. |
Đến Ngã Năm hôm nay, đời sống người dân thị xã ngày càng đi lên, hệ thống chợ nông sản Ngã Năm, hay chợ truyền thống ở phường 1, thị xã Ngã Năm nằm cạnh chợ nổi Ngã Năm luôn sầm uất và nhộn nhịp, đã dần thay thế nhiệm vụ giao thương hàng hóa của chợ nổi Ngã Năm. Thế nhưng, nét sinh hoạt về một đặc trưng chợ nổi “trên bến - dưới thuyền” vẫn còn giữ theo thời gian, theo con nước nhấp nhô xô bờ mỗi khi có những chiếc tàu lớn chạy qua chợ nổi Ngã Năm này.
Hy vọng rằng, với sự đồng sức, đồng lòng của chính quyền và người dân địa phương, có lẽ trong tương lai không xa, chợ nổi Ngã Năm sẽ quay lại, nhưng với một màu áo mới là điểm du lịch hấp dẫn của Đồng bằng Sông Cửu Long.