4 nguyên nhân khiến bạn nhanh chán công việc mới
Đây không phải là tâm lý hiếm gặp đối với những người đang đi làm, nhất là các bạn trẻ. Lí do vì sao lại như vậy? Dưới đây là 4 nguyên nhân khiến bạn chán công việc mới một cách nhanh chóng, hãy tìm hiểu và tìm cách khắc phục, thay đổi vấn đề này nhé.
Bạn chưa sẵn sàng
Đây là một trong những lý do đầu tiên và cũng là lý do quan trọng nhất ảnh hưởng đến suy nghĩ tiêu cực và trạng thái chán việc của bạn. Nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống khiến bạn cảm thấy bản thân chưa sẵn sàng để bắt đầu theo đuổi một công việc. Có thể là bạn mới tốt nghiệp nên chưa thực sự làm quen áp lực cuộc sống nơi công sở. Cũng có thể bạn quá vội vàng khi thấy bạn bè xung quanh đã có công việc, nên cũng nôn nóng lựa chọn một công việc mà mình không thực sự yêu thích...
Theo ý kiến của các ứng viên có kinh nghiệm trên careerlink.vn, nếu thực sự chưa sẵn sàng, bạn nên cần thời gian và không gian để nghiêm túc suy nghĩ lại về động cơ làm việc của bản thân cũng như vạch ra cho mình một lộ trình cụ thể, chi tiết hơn cho công việc. Xin nghỉ việc tạm thời hoặc nghỉ hẳn là điều bạn nên cân nhắc vào lúc này.
Bạn chưa đủ năng lực
Tiếp nhận, gánh vác một công việc đòi hỏi những kiến thức chuyên môn sâu rộng cũng như cần kết hợp với kỹ năng mềm trong xử lý. Chắc chắn đây sẽ là một gánh nặng và lâu dần sẽ khiến bạn áp lực, cảm thấy chán ghét công việc. Nguyên nhân đến từ hành trang kiến thức – kỹ năng của bạn chưa đầy đủ và hoàn thiện cho công việc hiện tại, nó không giống như những gì bạn đã tưởng tượng khi được giới thiệu. Nếu lúc trước khi bắt đầu bạn vô cùng tự tin thì giờ bạn cảm thấy thất bại, thấy mình yếu kém vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Có hai lời khuyên lúc này, một là đổi sang một công việc nhẹ nhàng hơn để làm quen cũng như tạo nền móng, hai là bạn có thể học hỏi để bổ sung và hoàn thiện chuyên môn song song với việc đảm nhận vị trí hiện tại.
Môi trường làm việc chưa phù hợp
Lí do này thường xuất hiện ở những người làm việc trong môi trường có tính sáng tạo và giải trí cao. Môi trường làm việc xung quanh nếu không đáp ứng đủ nhu cầu về vật chất (như trang thiết bị, phần mềm, phần cứng…) và tinh thần (như nhiệt độ xung quanh, cảnh quan…) thì đây sẽ là rào cản rất lớn đối với nhân viên trong việc tư duy sáng tạo để sản xuất những nội dung đặc biệt, hiệu quả, chất lượng. Nguyên nhân này tuy không xuất phát từ bạn nhưng bạn hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách tham khảo ý kiến đồng nghiệp từ đó, đưa ra những nguyện vọng với người quản lý và vận dụng kỹ năng đàm phán nhằm thống nhất mô hình phù hợp với đặc thù công việc, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy hết năng lực của mình.
Bạn nhận ra mình không yêu thích công việc này
Nguyên nhân cuối cùng và cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tư tưởng chán ngấy công việc khi mà mới chỉ làm trong một thời gian ngắn đó chính là bạn không yêu thích công việc này. Khó có gì cứu cánh cho tình trạng này bởi vì việc bồi dưỡng tình yêu, đam mê với một công việc không phải là chuyện một sớm một chiều mà giải quyết ngay. Có thể vì một số lí do nào đó mà bạn bắt buộc phải làm công việc mà bản thân không thích, có thể thời gian đầu bạn sẽ chấp nhận được nhưng về lâu dài, khi bản thân bị tác động bởi thế giới bên ngoài cũng như những tác nhân nhạy cảm từ tin bài tuyển dụng – bạn sẽ muốn đổi việc. Thật ra việc thay đổi quyết định lúc này không có gì quá khó hiểu, thế nhưng bạn cần cân nhắc những gì phải đánh đổi trước khi đến với công việc tiếp theo, vì có thể, bạn sẽ lại tiếp tục chán nó trong thời gian ngắn.
Trên đây là 4 nguyên nhân khiến bạn chán công việc mới một cách nhanh chóng. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về suy nghĩ và nguyện vọng của bản thân, từ đó có những suy nghĩ đúng đắn trong việc đưa ra quyết định trong tương lai. Chúc các bạn thành công!
Tiến Huy