5 cách xử lý khéo léo khi nhân viên “đối đầu” nhau
Vậy đâu là cách xử lý khéo léo khi nhân viên thường xuyên đối đầu nhau? Làm thế nào để hóa giải những mâu thuẫn nội bộ một cách êm đẹp mà không tốn quá nhiều thời gian cũng như công sức của người quản lý? Dưới đây là 5 cách đơn giản mà bạn có thể tham khảo.
Tìm kiếm thông tin việc làm uy tín tại: https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh
Khách quan hết mức có thể
Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất để giải quyết mâu thuẫn đó là bạn phải đứng ngoài những mâu thuẫn đó bằng cách giữ vị trí trung lập giữa hai bên. Có thể bạn sẽ thiên về một trong hai bên một cách cảm tính, nhưng trong trường hợp này, bạn cần bỏ qua mọi cảm xúc cá nhân để giữ cho mình “một cái đầu lạnh". Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink.vn chia sẻ, trung lập, không thiên vị sẽ giúp cả hai phía đều tôn trọng và tin tưởng bạn, họ sẽ không coi bạn là “phe bên kia" mà ngược lại, bạn sẽ là nơi họ tìm đến để giải quyết mâu thuẫn của mình. Nếu mâu thuẫn xảy ra liên quan tới công việc, hãy tìm mọi cách để thu thập các chứng cứ khách quan nhất, sau đó đưa ra quyết định và chấm dứt mọi vấn đề ngay sau đó. Một quyết định khách quan và không thiên vị sẽ giúp xoa dịu được tình thế trước mắt, “hạ nhiệt" cuộc tranh luận để đi tới những bước xử lý tiếp theo.
Tìm ra một quan điểm chung giữa hai bên để hóa giải nút thắt
Nhiều khi, mặc dù cả hai phía đều đi cùng một hướng nhưng cách giao tiếp khiến họ hiểu lầm lẫn nhau, cộng thêm sự thiếu thiện cảm tự nhiên khiến mâu thuẫn ngày càng đi xa. Việc của bạn lúc này là lắng nghe để tìm ra những điểm tương đồng trong ý kiến của họ, sau đó đưa quan điểm chung này lên để tạo được sự đồng thuận. Chẳng hạn, nếu cả hai đang tranh cãi về địa điểm tổ chức một sự kiện, thì về bản chất, cả hai đều chỉ đang muốn tìm ra phương án tốt nhất, với ngân sách phù hợp nhất. Họ đang ở trên một thuyền nhưng lái về hai hướng, vậy thì bạn hãy giúp họ nhìn ra cái đích chung cần hướng tới, đưa ra những tiêu chí phù hợp và nút thắt sẽ được hóa giải.
Một buổi hòa giải riêng tư
Nếu căng thẳng đã lên mức báo động, bạn không nên bỏ qua mà hãy dành thời gian nói chuyện nghiêm túc để hòa giải những nhân viên này. Nhưng trước khi gặp cả hai, hãy yêu cầu họ gửi một email với toàn bộ sự việc, lí do dẫn đến mâu thuẫn cũng như phương án xử lý mà họ cho rằng phù hợp. Bằng cách này, bạn sẽ có cơ hội nghe được suy nghĩ của cả hai bên và quá trình viết mọi thứ ra cũng sẽ giúp nhân viên của bạn suy nghĩ thấu đáo hơn. Khi trao đổi tại cuộc họp riêng, hãy cùng tập trung vào các biện pháp xử lý vấn đề. Có khi, mọi mâu thuẫn sẽ được giải quyết một cách đơn giản không ngờ, nhưng vì bấy lâu nay cả hai không chịu trao đổi thẳng thắn với nhau nên mọi chuyện mới bị đẩy đi quá xa.
Đề cao sự thẳng thắn và văn hóa minh bạch
Một cách sâu xa, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, xử lý và hóa giải các mâu thuẫn. Dù ở môi trường văn hoá doanh nghiệp như thế nào, nhà quản lý khôn ngoan sẽ đề cao sự thẳng thắn và minh bạch trong tập thể và khuyến khích mỗi cá nhân chủ động trao đổi vấn đề của mình với đối phương. Điều này về lâu dài sẽ giúp giải tỏa sự căng thẳng, đưa mọi nhân viên trong nhóm đến gần nhau hơn và giúp họ hiểu được họ đang là một phần của một tập thể đa dạng về quan điểm, suy nghĩ, cũng như tính cách, nhưng điều mà tất cả hướng tới vẫn là lợi ích chung của cả tập thể.
Tổ chức những buổi gắn kết tinh thần nhóm
Có thể nói, các buổi gắn kết nhân viên như tổ chức ăn uống, các buổi team building có tác dụng rất nhiều trong việc nâng cao tinh thần, hóa giải các mâu thuẫn nội bộ. Để thực hiện việc này thành công, bạn không nên nhắc tới mục đích sâu xa của nó, nhưng hãy lấy một lý do tổ chức để không ai có thể từ chối, ví dụ như một buổi ăn trưa kết hợp brainstorming chẳng hạn. Sau đó trong bầu không khí thoải mái, những nhân viên của bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc và nhìn lại các mối quan hệ đồng nghiệp của mình. Điều này rất tốt cho tinh thần chung của cả nhóm.
Tóm lại, việc xử lý mâu thuẫn giữa các nhân viên cần tới một “cái đầu lạnh” và một “trái tim nóng” để đón nhận các ý kiến, mong muốn cũng như lắng nghe, quan sát để tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Làm được điều này, bạn sẽ trở thành một “trọng tài” giỏi, giúp cho tất cả nhân viên của mình trở thành một “phe" duy nhất, cùng đoàn kết với nhau và để tạo ra sức mạnh tập thể vì lợi ích chung.
Ngân Linh